"Nhìn ra biển lớn tìm đường dài cho ảo thuật Việt"

Giới ảo thuật Việt vẫn luôn chạnh lòng về nghề, là "phù thủy" của sân khấu nhưng mãi long đong, trong khi ở xứ người nó là “đặc sản”.
Giới ảo thuật Việt lâu nay vẫn chạnh lòng khi nghĩ về nghề được ví là “phù thủy” trên sân khấu mãi long đong lận đận, trong khi ở xứ người nó là “đặc sản”.

Tuổi nghề không non trẻ nhưng cho đến tận bây giờ ảo thuật Việt vẫn mới chỉ được nhìn nhận đang chập chững ở giai đoạn đầu sự phát triển. Một thực tế cay đắng, khi trên sân khấu ảo thuật vẫn chưa “thoát bóng” khỏi xiếc. Và ảo thuật đường phố (street magic) rõ ràng đang mang kiếp “đứa con lai” tự ăn, tự lớn trên những góc phố, bờ hồ…

Nghệ sỹ ảo thuật chưa có sân chơi đúng nghĩa, khiến câu hỏi khi nào ảo thuật Việt mới được trả lại chỗ đứng của mình…  vẫn đau đáu trong nỗi phấp phỏng nghề “phù thủy” sẽ “chết” một ngày không xa.

Nằm trong chuỗi loạt bài về “Giấc mơ đường dài ảo thuật Việt”, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, người đã có công “nâng đỡ” và tâm huyết bộ môn này.

Ảo thuật có lỡ nhịp?

- Thưa ông, Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần thứ 2 vừa kết thúc được đánh giá đìu hiu và thiếu sự đa sắc. Tuy là ngày hội của giới làm nghề ảo thuật, nhưng xiếc chiếm đến quá nửa mà lại thiếu vắng ảo thuật đường phố?

NSND Vũ Ngoạn Hợp: Liên hoan lần này, chúng tôi hướng tới vấn đề xã hội hóa trong các hoạt động biểu diễn. Rút kinh nghiệm lần trước, ảo thuật với đặc thù giống nhau, lặp đi lặp lại tiết mục sẽ gây nhàm chán cho khán giả. Mọi người sẽ thấy, dù có đặc sắc nhưng người sau vẫn diễn lại những tiết mục chim, tú, hoa tiền… của người trước thì không thể hấp dẫn nổi.

Đã vậy, lần này lại là chương trình bán vé nên chủ trương lồng ghép với xiếc để tạo ra sự phong phú và giải trí cho khán giả.

- Cũng có ý kiến cho rằng, ảo thuật đường phố vẫn mang kiếp “đứa con lai” khi lỡ nhịp sân chơi lần này?

NSND Vũ Ngoạn Hợp: Đây là câu hỏi rất hay! Đó là sự hội tụ. Về cá nhân mình tôi cũng rất muốn Liên hoan lần này có sự góp mặt của các nghệ sỹ ảo thuật đường phố. Trên thực tế, nếu đưa được ảo thuật đường phố sẽ tạo được không khí và đa sắc cho Liên hoan nhưng nếu đưa vào cũng sẽ tạo ra sự lộn xộn, thiếu đồng bộ.

Vì cái khó ảo thuật đường phố là bộ môn nghệ thuật nhưng hiện này phần lớn anh em họ chỉ vui, chơi với khán giả chứ chưa dựng được một nội dung để lên sân khấu.

Theo tôi, giải pháp hoàn hảo nhất nếu chúng ta song hành hai Liên hoan cho cả ảo thuật sân khấu và ảo thuật đường phố. Liên hoan đường phố phải chấm theo kiểu đường phố, trong đó khán giả cũng chính là giám khảo, được bình chọn.

- Tức là, thế “kẹt” hay chìa khóa mở cho ảo thuật hiện nay vẫn là ở cơ chế?

NSND Vũ Ngoạn Hợp: Cũng rất khó để nói cho tuyệt đối vấn đề này. Quy chế và tinh thần của Liên hoan là tính chuyên nghiệp. Anh em nghệ sỹ, họ là những cá nhân, tư nhân, xã hội hóa... mỗi người đều có một ước muốn và cái lý lẽ riêng.

Anh làm ảo thuật đường phố có giỏi thế nào chăng nữa cũng không thể gọi là chuyên nghiệp. Về chuyên môn mà nói, trò khéo tay anh đường phố là nhất nhưng nó chỉ dừng lại ở cấp độ vui chơi, giao lưu khán giả sân khấu ngoài trời.

- Định kiến đó cũng là nỗi chạnh lòng không biết đến bao giờ ảo thuật mới “thoát bóng” khỏi xiếc. Về cá nhân, tôi nghĩ đó cũng là bài toán nan giải?

NSND Vũ Ngoạn Hợp: Tôi nghĩ mọi người đang cố làm rạch ròi một việc không nên làm. Ảo thuật là một thành tố của xiếc.

Nếu anh đủ lớn, tự khắc anh sẽ đứng được độc lập. Khán giả thưởng thức sẽ biết lúc nào món ăn vừa ngon và đủ no. Ảo thuật Việt vẫn là "những cô bé, cậu bé," tiết mục của họ diễn ra trên dưới mười phút thì vẫn phải cộng hưởng với các loại hình nghệ thuật khác.
 
Nhìn ra ảo thuật quốc tế, có thể thấy trường hợp ảo thuật gia lừng danh người Mỹ David Copperfield có thể “chủ xị” chương trình thậm chí hoành tráng gồm nhiều trò ảo thuật huyền bí và luôn gây bất ngờ với khán giả...

“Thoát hiểm”... nơi biển lớn

- Trong cuộc chiến cạnh tranh với vô số hình thức giải trí như hiện nay, nhiệm vụ “hút” khán giả đến với ảo thuật quả là thử thách. Ông nghĩ sao?

NSND Vũ Ngoạn Hợp: Chúng tôi cũng đang chủ trương đào tạo cả khán giả để người ta biết nhiều hơn, rõ hơn về ảo thuật.

Khán giả đến rạp sẽ thưởng thức nhiều món cùng một lúc, trong xiếc có ảo thuật, xiếc người và có cả xiếc thú...  Qua đó, thành lập các câu lạc bộ khán giả chơi với xiếc, tập làm ảo thuật gia, yêu con thú...

Ví dụ nhiều nước trên thế giới vẫn “kiếm bộn tiền” từ khách du lịch với mô hình ảo thuật  “hai trong một”. Anh ảo thuật đường phố có nhiệm vụ đón khách từ cổng, chơi với khách, đem đến cho du khách sự trải nghiệm tìm tòi với các trò nhỏ như ảo thuật tú, đồng xu, lửa… Khi họ mua vé ngồi trong rạp, đến lượt anh ảo thuật sân khấu diễn với khách những màn ảo thuật được dàn dựng công phu, đạo cụ hoành tráng.

- Có thể nói chìa khóa đường dài cho ảo thuật Việt chính là ở việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Giấc mơ chuyên nghiệp có xa vời không khi ngệ sỹ trẻ chủ yếu tự học, tìm tòi qua internet?

NSND Vũ Ngoạn Hợp: Các cháu hiện nay cũng rất chịu khó tìm tòi, kết thành nhóm và sinh hoạt, làm nghề, đầu tư đạo cụ mà không có sự hậu thuẫn và cơ chế bảo vệ quyền lợi nào. Những người làm nghề như chúng tôi rất thương.

Tôi nghĩ chúng ta hãy xã hội hóa từ khâu đào tạo. Hãy học kinh nghiệm từ các nước như Singapore để duy trì và đào tạo dưới hình thức câu lạc bộ và nhóm. Như thế sẽ khả thi và rút ngắn nhiều công đoạn lê thê không cần thiết.

Nghệ sỹ ảo thuật chỉ học chuyên sâu nhưng muốn vào trường học bài bản anh phải thi đỗ, học đại cương, dùi mài kinh sử các bộ môn văn hóa. Trung Quốc cũng đã thành công với mô hình người học bỏ bao nhiêu tiền sẽ nhận lại một trình độ tương đương.

Hiện nay, Liên đoàn xiếc Việt Nam cũng tạo điều kiện cho anh em trong các câu lạc bộ về cơ sở vật chất như mở lớp học, giúp liên hệ mời thầy giỏi.

- Là người có công nâng đỡ và tâm huyết với bộ môn này nhiều năm qua, chắc hẳn ông nhìn ra giải pháp đồng bộ và dài hơi cho tương lai ảo thuật Việt?

NSND Vũ Ngoạn Hợp: Trên vị trí quản lý, nhà tổ chức tôi nghĩ, tìm một con đường dài cho bộ môn này phải cả xã hội vào cuộc. Nói một cách hình ảnh, ảo thuật đường phố đang phát triển một cách bột phát, như cỏ dại trong vườn hoa sân khấu.

Các nhà quản lý văn hóa như Cục nghệ thuật biểu diễn, Hội nghệ sỹ sân khấu, sở văn hóa các tỉnh nên coi đây là bộ môn nghệ thuật cần được quan tâm và có tác động tích cực tới đời sống văn hóa và cộng đồng.

Nếu có thể, chúng ta mở các lớp, trại, câu lạc bộ ảo thuật để anh em ảo thuật đường phố có sân chơi để giao lưu rồi tổng kết bằng cuộc thi thố tài năng. Mô hình này nhiều nước trên thế giới đã làm và thu được kết quả ngoài mong đợi. Nhìn ra biển lớn để tìm lối thoát hiểm theo tôi cũng là điều nên làm.

Hiện nay, có rất nhiều chương trình truyền hình thực tế tìm tòi phát hiện tài năng, khơi dậy sức sống cho nhiều loại hình nghệ thuật lâu nay ngủ đông như Thử thách cùng bước nhảy, Giọng hát Việt... Nếu có một chương trình dành riêng cho ảo thuật tôi tin sẽ quy tụ được anh em nghệ sỹ và tạo tiếng vang đưa bộ môn này đến gần khán giả.

- Vậy còn giấc mơ về một nhà hát dành riêng cho ảo thuật của Việt Nam, được đóng tại Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh, theo ông có thành hiện thực không?

NSND Vũ Ngoạn Hợp: Đó đúng là giấc mơ. Với nghệ thuật, câu nói "an cư lạc nghiệp" luôn đúng.

Nếu anh em ảo thuật có một nhà hát riêng họ sẽ có sân chơi, mái nhà chung để phát triển và nuôi dưỡng tài năng, lửa nghề.

Ngoài việc được đến với khán giả, họ sẽ giới thiệu nghệ thuật ảo thuật với du khách quốc tế. Nếu làm được như vậy, ảo thuật Việt sẽ giành lại chỗ đứng của mình.

Trong thâm tâm của tôi rất muốn trong tương lai, khán giả trong nước và du khách sẽ có một địa chỉ chính thống để thưởng thức nghệ thuật ảo thuật mang bản sắc của Việt Nam pha trộn giữa ảo thuật sấn khấu và đường phố như mô hình tại các điểm du lịch nổi tiếng thế giới như Las Vegas, Trung Quốc.../.

Minh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục