Nhộn nhịp làng nghề bánh phồng tôm Hàng Vịnh

Vào độ tháng 10, tháng 12 (âm lịch), làng nghề Hàng Vịnh, Cà Mau luôn nhộn nhịp với nghề làm bánh phồng tôm để bán trong dịp Tết.
Vào độ tháng 10, tháng 12 (âm lịch), làng nghề Hàng Vịnh, thuộc xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn (Cà Mau) luôn nhộn nhịp với nghề làm bánh phồng tôm để bán trong dịp Tết.

Về Hàng Vịnh vào những ngày này, mọi người sẽ cảm nhận không khí rộn ràng, tất bật của làng nghề làm bánh phồng tôm.

Mỗi hộ dân là một cơ sở sản xuất, hương vị của bánh cũng khác nhau, nhưng điểm chung là đề cao tính an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy, bánh phồng tôm Hàng Vịnh được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến.

Với nguồn tôm nguyên liệu sẵn có tại địa phương, nghề làm bánh phồng tôm ở Hàng Vịnh phát triển rất thuận lợi. Nguyên liệu chủ yếu chế biến bánh phồng tôm gồm tôm đất còn tươi sống, bột và gia vị trộn đều với tỷ lệ phù hợp. Cứ 10kg nguyên liệu sẽ cho ra lò 13kg bánh thành phẩm.

Toàn xã hiện có gần 30 hộ dân duy trì nghề này. Ông Mai Sáu, chủ cơ sở sản xuất lớn ở ấp 2, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn cho biết để cho ra lò những mẻ bánh phồng tôm đạt chất lượng thơm ngon, ông đã đầu tư 40 triệu đồng mua sắm máy móc thay thế hình thức sản xuất thủ công trước đây.

Việc cải tiến công nghệ sản xuất đã góp phần tăng năng suất, chất lượng bánh, giảm chi phí thuê mướn nhân công. Tết năm nay, gia đình ông chế biến 2-3 tấn bánh phồng tôm, thu lợi nhuận hơn 50 triệu đồng.

Những ngày giáp Tết Quý tỵ 2013, làng nghề Hàng Vịnh đã bán ra thị trường từ 10-15 tấn bánh phồng tôm, với giá từ 70-100.000 đồng/kg, mang đến nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân nơi đây.

Ở Cà Mau, bánh phồng tôm là món khai vị không thể thiếu tại một số nhà hàng, đặc biệt mặt hàng này được sử dụng làm quà biếu cho người thân, bạn bè ở xa trong dịp Xuân về Tết đến.

Để người tiêu dùng khó quên khi thưởng thức hương vị thơm ngon của bánh phồng tôm Hàng Vịnh, các hộ dân ở làng nghề luôn chú trọng đến chất lượng nguyên liệu đầu vào, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất.

Bánh phồng tôm Hàng Vịnh từng bước khẳng định thương hiệu đối với người tiêu dùng nội địa, nhờ cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề trăn trở của người dân xã Hàng Vịnh là việc mở rộng thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Do vậy, việc phát triển làng nghề làm bánh phồng tôm cần được các ngành chức năng quan tâm quy hoạch, đầu tư đúng mức.

Ông Võ Văn Hành - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau cho biết tới đây, xã Hàng Vịnh tuyên truyền, vận động các hộ dân vào tổ hợp tác để hỗ trợ sản xuất, giúp làng nghề phát triển bền vững.

Chính quyền địa phương đã đề nghị Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh tiếp tục đầu tư công nghệ máy móc chế biến bánh phồng tôm và tôm khô; đồng thời sớm xem xét công nhận nhãn hiệu tập thể sản phẩm bánh phồng tôm Hàng Vịnh.

Bánh phồng tôm Hàng Vịnh không chỉ mang hương vị miền biển Cà Mau, mà còn là một sản phẩm đặc trưng của cư dân Nam Bộ vào những ngày giáp Tết.

Ngày nay, tuy có nhiều món ăn sơn hào hải vị, làm cho văn hóa ăn thêm phần thịnh soạn, sang trọng nhưng đâu đó trong mỗi người dân Nam Bộ nói chung và cư dân miền biển Cà Mau nói riêng, không thể quên hương vị đậm đà của miền quê ở các làng nghề mỗi độ Tết đến, Xuân về./.

Kim Há (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục