Nhu cầu dùng máy gặt đập liên hợp ngày càng cao

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 88 máy gặt đập liên hợp và 31 máy gặt lúa xếp dãy (tăng khoảng 30% số máy so với vụ đông xuân trước).
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Hậu Giang, toàn tỉnh hiện có 88 máy gặt đập liên hợp và 31 máy gặt lúa xếp dãy (tăng khoảng 30% số máy so với vụ đông xuân trước), trong đó huyện Vị Thủy có số lượng máy chiếm 50% của tỉnh.

Ưu điểm nổi bật của máy gặt đập liên hợp là thu hoạch nhanh, giải phóng được sức lao động nặng nhọc cho nông dân, giải quyết được bài toán khan hiếm công lao động, giảm chi phí sản xuất.

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến Ngư tỉnh Hậu Giang cho biết khi nông dân thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp thì chi phí thu hoạch sẽ giảm được 1/3 so với chi phí thu hoạch lúa thủ công bằng tay.

Cụ thể như thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa và chuyển lúa hạt đến tận bờ kênh chỉ tốn từ 280.000 đồng đến 300.000 đồng/công ruộng, tức từ 2,8 triệu đến 3 triệu đồng/ha.

Trong khi tiền thuê nhân công gặt bằng tay, tiền công cắt, gom lúa, công suốt, chuyển lúa hạt ra bờ kênh… tổng cộng phải mất khoảng 4,5 triệu đồng/ha (tăng hơn gấp rưỡi so với thu hoạch bằng máy).

Do nhu cầu sử dụng máy gặt đập liên hợp ngày càng cao, nhiều bà con chấp nhận cho các chủ máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa cả ban đêm như ở thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy.

Hiện toàn tỉnh đã thu hoạch được 20.000 ha lúa đông xuân, chiếm gần 25% diện tích gieo cấy của tỉnh, năng suất bình quân đạt 7,3 tấn/ha, cao hơn cùng kỳ gần 0,5 tấn/ha./.

Ngọc Thiện (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục