Những điểm cần cân nhắc khi CPTPP tiếp nhận thêm thành viên mới

Hiện nay, có ba nền kinh tế đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định này, đó là Vương quốc Anh sau tròn một năm rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Những điểm cần cân nhắc khi CPTPP tiếp nhận thêm thành viên mới ảnh 1Logo của CPTPP (Nguồn: Reuters)

Chưa đầy một tuần sau khi Trung Quốc chính thức đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngày 22/9, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã đưa ra một tuyên bố tương tự, đồng thời thông báo cho tất cả các nước thành viên hiệp định để tìm kiếm sự ủng hộ.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao nhất thế giới, bao gồm 11 nước thành viên có quy mô dân số 500 triệu người, chiếm 13% tổng lượng kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, có ba nền kinh tế đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định này, đó là Vương quốc Anh sau tròn một năm rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Đài Loan.

Một số chuyên gia kinh tế nhận xét Trung Quốc có trình độ thương mại chưa đạt tiêu chuẩn của CPTPP. Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau khi ký hiệp định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ tích cực xem xét gia nhập CPTPP.

Đến ngày 13-14/9, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Singapore, đích thân truyền tải thông tin Chủ tịch Tập Cận Bình muốn Trung Quốc gia nhập CPTPP và Bộ Ngoại giao Singapore đã thể hiện sự “hoan nghênh” trong tuyên bố chính thức. Trong vòng 3 ngày sau đó, Trung Quốc đã chính thức đệ đơn xin gia nhập.

Quy mô kinh tế lớn của Trung Quốc được cho là có thể ảnh hưởng đến CPTPP và các quy tắc thương mại châu Á, cũng như các trò chơi ngoại giao liên kết quốc tế đang diễn ra.

[Triển vọng mở ra cánh cửa cho Trung Quốc tham gia CPTPP]

Trước bối cảnh này, nhiều nhà bình luận đã nhấn mạnh rằng các nước thành viên CPTPP đang đối diện với tình thế khó khăn khi phải “chọn bên.”

Trong khi đó, Đài Loan đã thể hiện mong muốn gia nhập CPTPP từ rất sớm. Trong bài diễn văn nhậm chức năm 2015, người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn nhấn mạnh mong muốn dẫn dắt Đài Loan gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và RCEP.

Tháng 3/2018, khi 11 nước thành viên chính thức ký kết CPTPP, bà Thái Anh Văn lại chỉ thị dốc toàn lực, chuẩn bị sẵn sàng tham gia. Tuy nhiên ba năm sau đó, Đài Loan đã không có hành động thực tế nào.

Đối với việc Đài Loan tuyên bố nộp đơn xin gia nhập CPTPP, nhà bình luận Đường Tương Long cho rằng điều này một phần do tác động từ phía Nhật Bản.

Theo nhà bình luận này, tờ Thời báo Tài chính đã công bố một báo cáo độc quyền, trong đó trích dẫn phàn nàn của Nhật Bản đối với việc Đài Loan chậm trễ không chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP.

Nhật Bản là nền kinh tế lớn nhất kiêm Chủ tịch luân phiên năm nay của CPTPP. Một quan chức ngoại giao của Nhật Bản đã nói với tờ Thời báo Tài chính rằng Tokyo rất muốn thông qua vị trí Chủ tịch luân phiên để hỗ trợ Đài Loan nhanh chóng gia nhập CPTPP.

Vị quan chức này cho biết thêm mặc dù Đài Loan luôn sẵn sàng tham gia CPTPP, nhưng toàn bộ quá trình gia nhập có thể mất một năm hoặc dài hơn. Việc Nhật Bản phát đi tín hiệu nói trên rõ ràng có ý gia tăng cảm giác cấp bách của Đài Loan, đồng thời khiến Đài Loan đối diện với áp lực từ xã hội, là một biện pháp nhằm gây sức ép gián tiếp.

Tuy nhiên, trên thực tế việc Đài Loan gia nhập CPTPP lại đối mặt với nhiều khó khăn. Trước hết là vấn đề mở của nhập khẩu đối với nông sản, đặc biệt là gạo đối với các nước ký kết hiệp định. Điều này sẽ gây nên sức ép chính trị nội bộ, liệu chính quyền Đài Loan có thể đối phó hay không?

Tuần trước, việc Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP đã gây khó xử cho các đồng minh của Mỹ. Thị trường của Trung Quốc khiến người khác rất khó từ chối, nhưng Australia và Canada đều đang có xung đột với Bắc Kinh, trong khi Nhật Bản vừa không thể chỉ trích Trung Quốc lại vừa không muốn làm mất lòng Mỹ.

Bình luận của tờ Nihon Keizai Shimbun cho rằng đơn xin phép của Trung Quốc chính là một đường bóng vòng cung phân hóa Mỹ-Nhật Bản. Tóm lại, CPTPP trở thành một “sàn đấu” khác của cuộc đọ sức Mỹ-Trung.

Trong bối cảnh như vậy, Nhật Bản đã trực tiếp liên lạc với Mỹ. Theo Kyodo News ngày 22/9, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã có cuộc hội đàm riêng với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại New York, hối thúc nước này quay trở lại hiệp định.

Theo phân tích, rất có thể hai Ngoại trưởng đã trao đối ý kiến về vấn đề Trung Quốc Đại lục và Đài Loan đệ đơn xin gia nhập CPTPP.

Điều đáng quan tâm hơn cả là Singapore sẽ trở thành nước Chủ tịch luân phiên CPTPP vào năm 2022, ngay sau Nhật Bản. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại liên quan đã bị chính trị hóa rất nhiều, ba nền kinh tế đang xếp hàng chờ gia nhập CPTPP đều cần nước Chủ tịch xem xét cẩn thận.

Trong môi trường quốc tế ngày càng phức tạp hiện nay, việc thực hiện các kỹ năng ngoại giao, xử lý vấn đề khách quan sẽ ngày càng trở nên quan trọng đối với Singapore./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục