Những điểm mấu chốt về Mỹ Latinh trong báo cáo của Mỹ về khủng bố

Như dự đoán của hầu hết các chuyên gia, Mỹ lại đưa ra lập trường đối địch với Cuba và Venezuela trong báo cáo thường niên về khủng bố của họ.
Những điểm mấu chốt về Mỹ Latinh trong báo cáo của Mỹ về khủng bố ảnh 1Cảnh sát Mỹ (Ảnh: Reuters)

Ngày 24/6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo thường niên với đánh giá về chính sách và hành động của các nước trong cuộc chiến chống khủng bố trong năm 2019.

Văn bản này được Quốc hội Mỹ sử dụng làm một trong nhiều căn cứ tham khảo trong việc quyết định chính sách viện trợ nước ngoài.

Hãng thông tấn EFE (Tây Ban Nha) đã tổng kết những điểm mấu chốt liên quan tới các nước trong khu vực Mỹ Latinh mà báo cáo này đề cập như sau:

Như dự đoán của hầu hết các chuyên gia, Mỹ lại đưa ra lập trường đối địch với Cuba và Venezuela trong báo cáo thường niên về khủng bố của họ. Tuy nhiên, lần này Washington không đi tới mức đưa La Habana và Caracas vào hạng mục các nước bảo trợ khủng bố, "thứ hạng" mà họ vẫn dành cho Iran, Sudan, Syria và Triều Tiên.

Thay vào đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng cả Cuba lẫn Venezuela đều duy trì một "môi trường dễ dãi" với một số nhóm khủng bố.

Đối với Venezuela, Washington cáo buộc Tổng thống Nicolás Maduro "sử dụng các hoạt động tội phạm để duy trì quyền lực một cách trái phép," đồng thời ca ngợi những nỗ lực chỉ ra vấn đề của thủ lĩnh đối lập Juan Guaidó - người mà Washington công nhận là "tổng thống lâm thời."

Mỹ bày tỏ lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng tại Venezuela của nhóm du kích Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN) cũng như sự phối hợp của nhóm này với nhánh ly khai của nhóm đã giải giáp và trở thành chính đảng Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC). Washington còn cảnh báo về một số bộ phận "hậu thuẫn" nhóm Hezbollah của Liban.

Trong trường hợp Cuba, Mỹ nhấn mạnh quan hệ của La Habana với Triều Tiên và Iran mà theo Washington là hai nước "bảo trợ khủng bố" cũng như sự có mặt của các thành viên nhóm khủng bố ELN - những người từng tới đảo quốc Caribe này hồi năm 2017 để tham dự các cuộc hòa đàm với Chính phủ Colombia mà sau đó đi vào bế tắc.

Trên thực tế, với kinh nghiệm làm trung gian hòa đàm lâu năm, ngay từ khi chấp nhận làm cơ sở cho cuộc hòa đàm trên sau khi Ecuador từ chối, Cuba đã yêu cầu hai bên đàm phán của Colombia và nước bảo trợ hòa đàm khác là Na Uy ký kết Quy tắc ứng xử, trong đó đảm bảo quyền trở về nước an toàn của nhóm thương lượng ELN ngay cả khi đối thoại đổ vỡ.

Tuy nhiên, ngay khi cuộc hòa đàm đang diễn ra, tháng 1/2018, một bộ phận của ELN - nhóm du kích có tổ chức khá lỏng lẻo và thiếu nhất quán về cơ cấu trục dọc - đã đánh bom một học viện cảnh sát tại thủ đô Bogota khiến 22 thiếu sinh quân thiệt mạng và ngay lập tức Chính phủ Colombia đã tuyên bố không chấp nhận tư cách đàm phán của ELN và yêu cầu La Habana dẫn độ các thành viên phái đoàn ELN như các phần tử khủng bố. Đây là điều mà Chính phủ Cuba từ chối vì đi ngược lại thỏa thuận ban đầu và thông lệ quốc tế.

[Mỹ tăng gấp đôi tiền thưởng để bắt thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo]

Tháng 5 vừa qua, dựa trên sự từ chối này, Washington đã "xếp hạng" Cuba vào số các nước "không hợp tác đầy đủ" trong cuộc chiến chống khủng bố.

Dù không phải lần đầu tiên diễn ra nhưng lời cáo buộc trong hoàn cảnh khó khăn này dường như đã khiến Chính phủ Cuba nổi giận vì tình thế "làm phúc phải tội" của họ và công khai bày tỏ sự phẫn nộ qua thông cáo chỉ trích đòi hỏi dẫn độ phi lý của Bogota và yêu cầu Chính phủ Colombia thể hiện rõ lập trường về vai trò các nhà trung gian hòa đàm.

Trong tuyên bố sau đó, Tổng thống Colombia Iván Duque dù ca ngợi đóng góp của Cuba cho tiến trình hòa bình của quốc gia Nam Mỹ này nhưng đề nghị La Habana đặt quan hệ song phương lên trên quan hệ với nhóm du kích và khẳng định không tác động tới các quyết định trừng phạt của đồng minh Washington.

Điểm nhấn thứ hai liên quan tới khu vực Mỹ Latinh trong báo cáo về khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ là nhận định ELN đã mở rộng được phần lãnh thổ kiểm soát tại một số địa phương hẻo lánh của Colombia qua việc tận dụng những khoảng trống mà FARC để lại.

Giới chức Colombia ước tính hiện ELN có khoảng 3.000 thành viên đang hoạt động, 1.400 trong số đó là tại các vùng biên giới trên bộ với Venezuela và khoảng 2.600 cựu du kích thuộc nhánh ly khai của FARC.

Báo cáo không có bất cứ chỉ trích nào đối với Tổng thống Iván Duque mà chỉ nhấn mạnh quan hệ hợp tác chặt ché giữa Washington và Bogota.

Trên thực tế, những khoảng trống mà FARC để lại khi giải giáp là vấn đề đã được nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo từ trước, chỉ có điều thay vì đề cập tới nguy cơ mở rộng hoạt động của nhiều nhóm tội phạm buôn bán ma túy có vũ trang, Washington đổi hết "tội vạ" lên đầu ELN - nhóm du kích mà Mỹ luôn giữ trong danh sách các nhóm khủng bố ngay cả khi đồng minh Bogota chấp nhận hòa đàm, lập trường cho phép cả họ lẫn đồng minh này có thể "lật kèo" khi thấy có lợi và trên thực tế đã làm như vậy.

Một trong những hoạt động khủng bố nổi cộm tại Colombia trong vài năm qua là hàng loạt vụ sát hại các nhà hoạt động xã hội khiến cả các quan chức Liên hợp quốc nhiều lần lên tiếng nhưng không được Washington nhắc tới trong báo cáo này. Tuy nhiên, đây cũng không phải là điều bất ngờ nếu xét tới "tiêu chuẩn kép" truyền thống của Mỹ trong vấn đề nhân quyền.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo về "sự hiện diện của các phần tử Hezbollah" tại vùng ngã ba biên giới giữa Argentina, Paraguay và Brazil, đồng thời khẳng định "Mỹ vẫn tiếp tục giám sát những cá nhân liên kết với các nhóm khủng bố như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và mạng lưới al-Qaeda, những nhóm từng có âm mưu khai thác khu vực ngã ba biên giới này."

Văn bản này cho biết hồi tháng 8/2019, các quan chức Brazil đã bắt đầu điều tra một công dân Ai Cập được cho là có liên hệ với mạng lưới al-Qaeda, sống tại Brazil và lên kế hoạch tấn công Mỹ và cuộc điều tra này hiện vẫn đang được tiến hành.

Mặt khác, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh quan hệ hợp tác với Argentina trong các lĩnh vực tình báo tại khu vực ngã ba biên giới, đồng thời hoan nghênh quyết định năm 2019 của Buenos Aires coi Hezbollah là nhóm khủng bố.

Về Paraguay, Washington nhấn mạnh rằng nhóm du kích Quân đội Nhân dân Paraguay (EPP), được thành lập hồi năm 2008, tiếp tục "các hành vi phá hoại và ám sát" với ví dụ điển hình là cuộc đánh bom ngày 18/10/2019 vào 2 xe ôtô tại bang miền Bắc Concepción nhưng không gây thương vong.

Rõ ràng những hoạt động khủng bố này không xứng tầm với sự quan tâm sát sao trong nhiều năm của Mỹ mà lời giải thích hợp lý hơn là vị trí chiến lược của vùng tam giác gần các khu vực giàu có tài nguyên này.

Cho dù là báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng do liên quan tới hoạt động khủng bố nên báo cáo này thường được cho là thể hiện những ưu tiên và định hướng vận động mang tính quân sự của Mỹ. Với những điểm nhấn trên, Mỹ Latinh cũng không phải là ngoại lệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục