Những đôi mắt thần

Những đôi mắt thần canh gác biển ở đảo Hòn Tre

Cuộc sống đầy gian khó mà có đến tận nơi mới cảm nhận được, nhưng họ vẫn không nản lòng-những “đôi mắt thần” bảo vệ Tổ quốc.
Không sống giữa biển đảo với sóng vỗ ngày đêm, gió mang hơi muối mặn mòi, những chiến sỹ hải quân trẻ thuộc đoàn 451 lại ở trên những chóp núi cao để hướng mắt canh biển.

Thượng tá Đào Giang Hải, Phó Chính Ủy Trung đoàn 451, Vùng 4 hải quân cho hay: Vùng 4 hải quân có 4 trạm radar tại các đảo Chóp Chài (Tuy Hòa, Phú Yên), Hòn Tre (Nha Trang, Khánh Hòa), Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hòa) và Phú Quý (Bình Thuận.) Nhiệm vụ chính của các trạm này là phát hiện và kiểm tra tất cả các mục tiêu lạ trên biển và trên tầm thấp của bầu trời để có phản ứng kịp thời.
 
Nói về các trạm này, thượng tá Hải tỏ ra rất tự hào khi khẳng định họ là những đôi mắt thần của lực lượng hải quân Vùng 4.

Trong số các trạm radar này, tột cùng khó, tột cùng khổ có lẽ không đâu bằng trạm 565 trên đỉnh Hòn Tre. Cả trạm có 21 chiến sỹ, sỹ quan. Người trẻ nhất cũng chỉ mới vào lính chưa đầy nửa năm. Trạm nằm trên độ cao 282 m so với mực nước biển.

Từ điểm cao này,  thiếu úy trẻ Phạm Tá Lê dùng ống nhòm tiêu cự lớn để quan sát kỹ vùng biển rộng lớn loang loáng ánh bạc trong ánh nắng mai. Lê cho hay, nhiệm vụ hàng ngày của các chiến sỹ trong trạm 565 là kiểm tra những diễn biến nhỏ nhất trên vùng biển bạt ngàn phía trước.

Chiếc chảo rađa trên nóc nhà của trạm liên tục quay tròn, quét “tia mắt thần” đi xa hàng chục hải lý, từ đó truyền những tín hiệu “bắt” được về trung tâm để các sĩ quan chỉ huy, trắc thủ rađa, nhân viên tiêu đồ, chiến sĩ thông tin, kỹ thuật cơ điện... giải mã.  Nhịp sống của cả trạm 565 gắn chặt với những tín hiệu sóng trên màn hình quan sát.

Nhưng, cũng vì ở trên chót cùng của đảo Hòn Tre, nên mọi sinh hoạt của cả trạm cũng khác rất nhiều những điều người ta hay hình dung về lính hải quân. Dù chỉ cách thành phố Nha Trang mấy giờ đi ghe, lại chênh chếch nhìn sang Hòn Ngọc Việt hoa lệ, nhưng tới Hòn Tre, chúng tôi như tới một thế giới khác biệt.

Con đường độc đạo dẫn lên trạm được xây dựng từ trong chiến tranh, nay nứt nẻ khiến chiếc xe tải chở phóng viên hục hặc, phì phò trong gần nửa giờ đồng hồ mới lên tới đỉnh. Đường há mõm, đường nứt ngang, đường hõm sâu xuống khiến người trên xe cũng nao nao như mới hồi nào còn lênh đênh trên sóng lớn. Rồi gió, khô và rát táp thẳng vào mặt người. Và nắng như tháng 5 ngoài Bắc, hầm hập, chói chang. Thời tiết khô và nóng điển hình khiến cả rặng cây mây mọc đầy ven đường cũng phải rũ ra, xơ xác.

Điều đặc biệt nhất, vào khoảng thời gian này của năm, trời Hòn Tre hầu như không mưa. Mặc dù ngay sát bên là biển lớn, nhưng sườn núi ở đây lại chẳng đủ cao để mây tụ. Nước ngọt tại trạm được quý như nước sinh hoạt ở Trường Sa.

Chỉ tay vào hệ thống bệ xi măng dọc trạm, Trung Úy Dương, “anh nuôi” 565 phân trần: “Một năm ở Hòn Tre chỉ có mưa vào tháng 9, tháng 10. Toàn bộ nước phải được trữ vào giai đoạn này, rồi chia ra dùng suốt mấy tháng còn lại.”

Ngay cả phương án vận chuyển nước từ đất liền ra Hòn Tre cũng vấp phải rất nhiều cái khó. Theo trạm trưởng Thiếu tá Nguyễn Anh Quân, trên đảo Hòn Tre không có bất cứ phương tiện vận tải lớn nào hoạt động. Ngay cả chuyến xe hồi chiều chở đoàn công tác lên đỉnh cũng là xe đơn vị tự thuê của doanh nghiệp đang tiến hành làm công trình gần đó. Có những thời điểm, khi các doanh nghiệp không hoạt động, cả đảo tịnh không thấy khói xe.

“Thêm vào đó, giá thuê xe rất đắt. Với trường hợp cực cần thiết, chúng tôi phải bỏ tiền mướn xe từ bên Hòn Ngọc Việt qua phà sang đây,” trạm trưởng Quân tâm sự.

Bởi vậy, dẫu nước ngọt có được chở vào, các chiến sỹ cũng chỉ biết nhìn nhau vì xuống xách tay thì quá xa mà thuê xe lại… quá đà.

Vậy là, chỉ còn cách “thiết quân luật” với nước. Nước quý như vàng. Các chiến sỹ hải quân phải dè sẻn từng giọt một. Kể cả khách lẫn chủ, muốn tắm rửa phải đi bộ xuống núi chừng 2 cây số đến vụng nước tự nhiên.

Thế nên mới có chuyện, hai phóng viên VTV3, hăm hở cùng anh em đi tắm, nhưng đi hoài, đi mãi vẫn chẳng thấy vũng nước đâu. Nghĩ bụng, có đến nơi, tắm xong, leo lại lên trạm cũng đủ vã mồ hôi, họ quay về.

Cực nhất là vào quãng tháng 3, tháng 4. Lúc này, toàn bộ hệ thống nước ngọt dự trữ đã cạn kiệt. Để tồn tại, 100% quân số của trạm buộc phải cắt rừng, vào khe để “cõng” nước về.

Chiến sỹ Lê Anh Thoại, người Sài Gòn gốc, mới lên trạm từ tháng 7/2012 nhưng cũng thấm thía nỗi cực nhọc khi lấy nước từ khe sâu về. Dẫn tôi băng qua một đoạn dốc lởm chởm đá, Thoại dừng lại trước một hõm nước sâu độ nửa mét. Nước ngọt tích trên lá cây thấm xuống đất, ri rỉ chảy theo rãnh đá vào hõm. Phía dưới cơ man nòng nọc, rêu xanh. “Cứ độ tháng 3, tháng 4, sáng và chiều, chúng em mỗi người 2 can loại 10 lít tới đây để múc nước đưa lên đơn vị,” Thoại cho hay.

Chỉ cần hình dung lại đoạn đường dốc đá vừa đi, tôi đã thấy toát mồ hôi về hành trình mang nước lên đỉnh Hòn Tre trạm 565.

Khổ vì thiếu nước vào mùa nắng, nhưng mùa mưa với các chiến sỹ của trạm cũng chẳng sung sướng gì. Đường lên núi toàn đèo dốc, khúc khuỷu, trơn trượt nên việc tiếp phẩm cho đơn vị gặp không ít khó khăn. Sĩ quan, chiến sĩ của trạm thường dùng thực phẩm, lương khô dự trữ.

Đối mặt với từng ấy khó khăn, nhưng hơn 20 chàng trai ngày đêm bám trụ tại chót cùng 282 m trên mặt biển Nha Trang vẫn chẳng nản lòng. Bởi nói như trạm trưởng Quân, “Chúng tôi gặp khó khăn nhưng chẳng đáng gì so với những khó khăn của đồng đội ở Trường Sa. Ở đất liền, chúng tôi có điều kiện hơn nên phải luôn thắp cháy ngọn lửa quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.”

Đêm xuống sâu hơn. Vọng gác 565 bắt đầu lẫn loãng hơi sương. Gió lộng lên 4 bề. Phía xa xa, biển Nha Trang đang ầm ì vỗ sóng vào chân đảo Hòn Tre…/.

Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục