Những giải pháp nào để điều hành giá xăng dầu phù hợp hơn?

Giá xăng tăng cao ở mức kỷ lục có thể gây ra những tác động lớn tới ngành vận tải, giá cả hàng hóa tiêu dùng, chi phí sản xuất của doanh nghiệp…, đặc biệt khi những tác động của COVID-19 vẫn còn đó.
Những giải pháp nào để điều hành giá xăng dầu phù hợp hơn? ảnh 1Kinh doanh xăng dầu. (Nguồn: TTXVN)

Lần tăng giá xăng dầu gần đây đã đẩy giá xăng dầu trong nước lên mức cao nhất trong 8 năm qua khi xăng RON95 vượt 25.000 đồng/lít. Xăng tăng do giá dầu thế giới tăng hay còn nguyên nhân nào khác? Phải chăng sự điều hành thiếu chủ động và thiếu linh hoạt của cơ quan quản lý cũng là một trong những tác nhân đẩy giá xăng tăng “sốc”?

Điều 27, Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu là ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hằng tháng. Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Tuy nhiên, đợt điều chỉnh giá lần này (ngày 11/2) đã chậm 10 ngày so với thông thường, do ngày 1/2 rơi vào mùng 1 Tết và theo Nghị định 95 sẽ chuyển sang kỳ điều hành tiếp theo.

Phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng nếu kỳ điều hành đầu tháng Hai vẫn diễn ra bình thường hoặc Bộ Công Thương linh hoạt khi thị trường bất thường thì biên độ tăng giá xăng sẽ không "sốc" như vậy và cũng không có tình trạng găm hàng, chờ tăng giá như đã thấy thời gian qua.

"Nếu chúng ta điều hành linh hoạt hơn, điều chỉnh xăng dầu vào ngày mùng 2 hoặc mùng 3 thì sẽ không có hiện tượng này," ông Thịnh nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết hiện nay, Việt Nam áp dụng cơ chế điều hành giá theo quy trình 10 ngày một lần, trong khi đó, tất cả các doanh nghiệp đều đã biết tình hình giá cả thế giới. Vì vậy, nếu giá thế giới tăng và nhà nước điều hành giá, họ sẵn sàng găm hàng lại.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp ngày 9/2 mới đây cũng đã cho rằng cần có sự linh hoạt hơn trong điều hành giá xăng dầu, như không nhất thiết phải chờ đúng 10 ngày như quy định, mà có thể 3 hoặc 5 ngày điều chỉnh.

Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ, đề nghị cho phép Liên Bộ Công Thương-Tài chính linh hoạt hơn trong điều hành, để giá mặt hàng này tiệm cận thế giới.

Giá xăng tăng cao ở mức kỷ lục có thể gây ra những tác động lớn tới ngành vận tải, giá cả hàng hóa tiêu dùng, chi phí kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp…, đặc biệt khi những tác động của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đó.

Đương nhiên, việc giá xăng tăng mạnh cũng xuất phát từ giá dầu thô thế giới tăng cao lên gần 100 USD/thùng, cùng với việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất vừa qua khiến nguồn cung thiếu hụt.

Song, ngoài sự thiếu linh hoạt trong điều hành như các chuyên gia nhận định không thể không bàn đến những bất cập trong việc dự trữ lưu thông xăng dầu.

Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu trước đây yêu cầu doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày; doanh nghiệp sản xuất dự trữ 30-60 ngày, phòng khi có sự cố bất ngờ, như sự cố Nghi Sơn giảm công suất vừa qua, để tránh đứt gãy nguồn cung, đảm bảo phục vụ thị trường.

Tuy nhiên, tại Nghị định 95 có hiệu lực từ đầu năm nay, mức dự trữ lưu thông với xăng dầu thành phẩm được rút xuống chỉ còn 20 ngày. Điều này dẫn tới rủi ro thiếu hụt nguồn cung khi các nhà máy lọc hóa dầu trong nước gặp sự cố.

Rõ ràng, để thị trường trong nước dần tiếp cận kinh tế thị trường, minh bạch trong quản lý, điều hành, Nghị định 95 cần có những quy định cụ thể hơn về mức tăng giá bao nhiêu phần trăm, quỹ bình ổn, sự chủ động của doanh nghiệp khi tăng giá…

Cũng theo góp ý của đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83, vụ này đã nhiều lần kiến nghị bỏ cấp giấy phép và bỏ loại hình thương nhân phân phối xăng dầu đang được quy định tại Nghị định 83, vì thương nhân phân phối xăng dầu là loại hình trung gian, nhiều tầng nấc, không phải dạng doanh nghiệp đầu mối - nơi phát nguồn hàng hóa xăng dầu. Điều này giúp giảm thiểu được tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tránh được tình trạng khi thiếu nguồn cung trong nước, bởi loại hình thương nhân này chỉ mua từ các đầu mối và bán lại cho các đại lý.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu. 33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ bị thanh tra trong đợt này.

[Bộ Tài chính lên tiếng lý giải về việc giá xăng tăng cao kỷ lục]

Đoàn kiểm tra sẽ làm rõ vấn đề về giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu; hợp đồng phân phối xăng dầu của thương nhân với tổng đại lý, đại lý bán lẻ, thương nhân nhận quyền bán lẻ..., kể cả việc mua xăng dầu với các đối tác trong và ngoài nước và cả hợp đồng mua xăng dầu từ các nhà máy sản xuất xăng dầu, các thương nhân đầu mối trong nước...

Thanh kiểm tra là một chuyện nhưng về lâu dài, đã đến lúc Việt Nam cần có quỹ xăng dầu lớn hơn để trong trường hợp đặc biệt có thể xả quỹ dự trữ, đáp ứng trong thời gian nguồn cung trong nước thiếu hụt như vừa qua.

Nguồn dự trữ này có thể đáp ứng tiêu dùng ít nhất trong từ 3-6 tháng, thậm chí là 1 năm, mới có thể đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai vững chắc.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng từng kiến nghị, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho phép Liên Bộ Công Thương, Tài chính được linh hoạt điều hành giá xăng dầu trong nước để tiệm cận giá thế giới.

Những giải pháp nào để điều hành giá xăng dầu phù hợp hơn? ảnh 2Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh xăng dầu trên đường Trần Khát Trân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trong điều kiện nguồn cung ở thời điểm nào đó gặp khó khăn thì cho phép được sử dụng quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia khi cần thiết và kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức dự trữ xăng dầu bằng hiện vật…

Cũng theo ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), Bộ luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để theo dõi giá xăng dầu thế giới, giá cả trong nước, lạm phát…; từ đó tham mưu, báo cáo các cấp thẩm quyền tìm giải pháp điều hành giá xăng dầu, điều tiết từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Về quan điểm các khoản thuế đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá xăng dầu, ông Tuấn cho rằng chính sách thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nên tính ổn định tương đối cao, áp dụng trong thời gian dài. Trong khi đó, giá xăng dầu được điều chỉnh liên tục theo kỳ 10 ngày 1 lần, biên độ điều chỉnh lớn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

"Chúng tôi luôn chủ động theo dõi diễn biến giá xăng dầu để đề xuất giải pháp, trình cấp thẩm quyền quyết định; trong đó có xét tới yếu tố thuế nhưng đây là cả quá trình”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục