Những hồi chuông báo động đối với nền kinh tế Hong Kong

Tình hình kinh tế của Hong Kong giờ đây thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều so với thời kỳ suy thoái của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Những hồi chuông báo động đối với nền kinh tế Hong Kong ảnh 1Một góc Hong Kong. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo bài viết đăng trên The Straits Times, các cuộc biểu tình ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đang gây ra tổn thất nặng nề cho kinh tế Hong Kong, vốn đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Nếu các hoạt động biểu tình tiếp tục diễn ra, điều này có thể ảnh hưởng đến việc quản lý nền kinh tế của Chính quyền Hong Kong.

Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, mới đây cho biết tình hình kinh tế của Hong Kong giờ đây thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều so với thời kỳ suy thoái của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Cơ quan du lịch Hong Kong cho biết lượng khách du lịch đến Hong Kong đã giảm ở mức 2 con số trong nửa cuối tháng 7/2019.

Còn theo Hiệp hội quản lý bán lẻ Hong Kong, doanh số bán lẻ cũng có thể chứng kiến mức giảm 2 con số trong năm nay, nếu các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra.

Liên đoàn thương mại Hong Kong thông báo tỷ lệ đặt phòng khách sạn giảm 40% trong tháng Bảy.

Nền kinh tế Hong Kong đã gặp khó khăn trước khi các cuộc biểu tình xảy ra. Sau khi tăng trưởng 3% trong năm 2018, Hong Kong chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 0,6% trong nửa đầu năm nay. Điều này xóa mờ mục tiêu tăng trưởng 2-3% trong năm 2019 mà Chính quyền Hong Kong đã đề ra.

Các nhà kinh tế dự đoán Hong Kong có thể tăng trưởng chậm lại, trong khi một số người cảnh báo về nguy cơ suy thoái.

Kinh tế Hong Kong gắn chặt với nền kinh tế Trung Quốc. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hong Kong, tiếp nhận hơn một nửa tổng hàng hóa xuất khẩu của Khu hành chính đặc biệt này.

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết, kinh tế Hong Kong khó có khả năng nhanh chóng phục hồi trở lại như các cuộc khủng hoảng trước đây.

Như bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã chỉ rõ, sự phục hồi kinh tế “sẽ mất một thời gian rất dài."

Các phòng thương mại nước ngoài đã bày tỏ lo ngại về cách giải quyết khủng hoảng và xử lý tình huống của Chính quyền Hong Kong. Một số chủ kinh doanh dự định đóng cửa hàng và rời khỏi thành phố này, trong khi các dịch vụ tư vấn về di cư lại đang bùng nổ.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin số lượng đơn xin di cư đến Canada, Mỹ, Australia, các nước thuộc Liên minh châu Âu và Singapore tăng mạnh.

Các sàn giao dịch bất động sản ở Singapore cho biết nhu cầu mua nhà của người dân Hong Kong đã tăng 30-40% trong ba tháng vừa qua, trong khi một số trường quốc tế ở Singapore thông báo số lượng đơn xin học của người dân Hong Kong tăng 50-60%. Các văn phòng luật sư và tư vấn cho gia đình cũng trở nên bận rộn hơn.

Tháng trước, hãng Bloomberg đưa tin các ngân hàng tư nhân tràn ngập câu hỏi tìm hiểu thông tin từ các nhà đầu tư ở Hong Kong. Họ lo lắng về những tác động trong dài hạn.

Những diễn biến này có thể chỉ phản ánh tâm lý phòng ngừa đơn thuần của một bộ phận người dân Hong Kong. Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện nguy cơ của làn sóng di cư việc làm và vốn với quy mô lớn có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với kinh tế Hong Kong.

Chính quyền Hong Kong duy trì chính sách tỷ giá cố định, với đồng đôla Hong Kong (HKD) "neo" ở mức 7,8 HKD đổi 1 USD kể từ năm 1983, nhưng trong tình hình hiện nay, việc duy trì tỷ giá cố định này là điều không thể. Vấn đề này đã được đưa ra tranh luận tại Cơ quan tiền tệ Hong Kong (HKMA), cũng như giữa một số nhà kinh tế độc lập.

Về cơ bản, họ chỉ ra rằng Hong Kong có mức thặng dư tài chính cũng như dự trữ ngoại hối (hiện khoảng 450 tỷ USD) đủ để duy trì việc giữ ổn định tỷ giá này.

Một số chuyên gia lập luận rằng dự trữ ngoại hối của Hong Kong cũng sẽ cần được sử dụng cho những mục đích khác và sẽ không đủ để giữ ổn định tỷ giá nếu xảy ra những tình huống như sự tháo chạy ồ ạt của dòng vốn hay sức ép nghiêm trọng lên hệ thống ngân hàng của Hong Kong.

Điều đáng chú ý là trước khi các cuộc biểu tình xảy ra, cựu lãnh đạo HKMA Joseph Yam cũng đã kêu gọi chấm dứt việc neo giá cố định đồng HKD với đồng USD.

Ông chỉ ra rằng khi Trung Quốc tiếp tục nới lỏng kiểm soát vốn, nền kinh tế Hong Kong sẽ liên tục phải xử lý lượng tiền khổng lồ ra vào Đại lục thông qua Hong Kong. Điều này có nghĩa là Hong Kong sẽ cần linh hoạt hơn về tỷ giá hối đoái để hạn chế nguy cơ đầu cơ tiền tệ. Việc neo giá cố định sẽ không có được sự linh hoạt như vậy.

[Hong Kong công bố gói hỗ trợ kinh tế trị giá hơn 2 tỷ USD]

Tuy nhiên, các nhà chức trách Hong Kong vẫn tiếp tục duy trì chính sách tỷ giá cố định vì họ tin rằng nó đã hoạt động tốt trong 36 năm qua. Dù vậy, họ cũng không thể phủ nhận rằng chính sách này đã dẫn đến một số “méo mó” nghiêm trọng trong nền kinh tế những năm gần đây, trong đó, phải kể đến việc Hong Kong trở thành nơi có bong bong bất động sản lớn nhất trên thế giới.

Việc neo giá cố định vào đồng USD có nghĩa là Hong Kong phải duy trì chính sách tiền tệ tương ứng như của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Từ năm 2008 đến năm 2016, lãi suất của Mỹ gần bằng 0, Hong Kong cũng vậy. Kết quả là giá bất động sản tăng vọt, và một phần cũng là do người Trung Quốc Đại lục sang mua ở Hong Kong.

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về Hong Kong được công bố hồi tháng 1/2019, từ năm 2009 đến giữa năm 2018, giá bất động sản đã tăng hơn 260% và giá thuê nhà tăng gấp đôi, trong khi lương tăng chưa đến 50%.

Giá nhà trung bình ở Hong Kong tháng 6/2019 là gần 3.300 USD/m2, trong khi giá nhà cao cấp cao hơn gấp gần 4 lần. Một gia đình ở Hong Kong cần tiết kiệm trong 21 năm mới mua được một căn hộ, trong khi một gia đình ở Singapore tiết kiệm trong 4,6 năm và gia đình Mỹ cần 3,9 năm. Không gian sống trung bình ở Hong Kong chỉ là 16m2, tương đương không gian đỗ xe ở một số thành phố.

Sự bùng nổ về bất động sản của Hong Kong đã dẫn đến tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và của cải gia tăng. Hệ số Gini (hệ số đánh giá tiêu chuẩn về mức độ bất bình đẳng kinh tế) của Hong Kong là 0,54 - mức yếu kém nhất trong 45 năm qua. Con số càng gia tăng (trong khoảng 0-1), tình trạng bất bình đẳng càng lớn.

Bên cạnh đó, lãi suất thấp do chính sách tỷ giá cố định mang lại cũng dẫn đến tình trạng các ngân hàng tăng mạnh hoạt động cho vay qua bên giới. Hong Kong giờ đây có một hệ thống ngân hàng quá khổ, với tài sản ngân hàng tương đương khoảng 850% GDP, nằm trong hàng cao nhất thế giới. Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính. Phần lớn các khoản cho vay qua biên giới ở Hong Kong là sang Trung Quốc Đại lục.

Theo đánh giá của IMF, 39% các khoản cho vay của các ngân hàng Hong Kong là đáp ứng nhu cầu khách hàng ở Đại lục, trong đó có bất động sản. Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang, chất lượng của một số khoản vay này sẽ giảm mạnh.

Kinh tế Hong Kong phải đối mặt với rủi ro trên nhiều mặt trận. Tình trạng bất ổn sẽ khiến Khu hành chính đặc biệt này khó có thể vượt qua được cơn bão tài chính, nhất là nếu chính sách tỷ giá cố định bị "tấn công" như trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Hiện nay, tình hình Hong Kong còn nguy hiểm hơn nhiều so với năm 1997. Hệ thống ngân hàng của Hong Kong dễ bị tác động mạnh không chỉ bởi bong bóng thị trường bất động sản trong nước, mà còn do nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc.

Trong khi đó, kết cấu xã hội của Hong Kong cũng mong manh hơn so với năm 1997, với mức độ bất bình đẳng cao hơn. Nếu các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra, lòng tin của người dân cũng như doanh nghiệp đối với chính quyền sẽ suy giảm. Tất cả những điều này sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho Hong Kong trong việc đối phó với nguy cơ suy giảm kinh tế nghiêm trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục