Những kinh nghiệm và kiến thức cần thiết khi du lịch Ấn Độ

Để tránh tình trạng này phụ nữ nên đeo nhẫn cưới (ngay cả khi chưa kết hôn) và sử dụng kính râm, tai nghe điều này giúp cho bạn hạn chế việc bị trêu đùa hay ánh mắt soi mói của những người đàn ông.

Khách du lịch thăm đền Taj Mahal ở Agra, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Khách du lịch thăm đền Taj Mahal ở Agra, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ấn Độ là một quốc gia đa dạng về văn hóa, lịch sử, địa lý và tôn giáo. Nằm ở Nam Á, Ấn Độ chiếm phần lớn bán đảo và giáp biên giới với nhiều nước láng giềng như Pakistan, Trung Quốc, Nepal, Bhutan, Bangladesh và Myanmar.

Ấn Độ là quốc gia có diện tích lớn thứ 7 trên thế giới nhưng lại là quốc gia đông dân nhất trên thế giới.

Điểm tham quan này sở hữu nền văn minh cổ xưa nhất thế giới có lịch sử hơn 5.000 năm. Đây được xem là nơi khởi nguồn của nhiều tôn giáo lớn. Ngoài ra, quốc gia này cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều nền văn hóa khác.

Vì thế khi đi du lịch Ấn Độ, bạn sẽ nhận thấy rằng đây là một quốc gia đa ngôn ngữ, đa sắc tộc, đa tôn giáo và sở hữu sự phong phú, đa dạng trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, ẩm thực, kiến trúc và phong tục.

Tuy nhiên, du lịch Ấn độ cũng tiềm ẩn những rủi ro. Để có chuyến du lịch an toàn, du khách cần tự trang bị cho mình những kinh nghiệm du lịch và kiến thức cần thiết.

du lich an do2.jpg
(Ảnh: Getty images)

Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Ấn Độ

Do đặc điểm về địa hình và khí hậu, thời tiết Ấn Độ được chia thành 3 mùa là mùa Hè, mùa mưa và mùa Đông.

Mùa hè ở Ấn Độ sẽ kéo dài từ tháng 3-5, thời tiết lúc này cực kỳ nóng, đỉnh điểm có thể lên tới hơn 40 độ C. Vì thế, bạn không nên thực hiện chuyến đi vào giai đoạn này.

Mùa mưa của Ấn Độ sẽ bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 10. Lúc này nhiệt độ đã mát mẻ hơn nhưng những cơn mưa cũng sẽ khiến chuyến đi của bạn gặp nhiều cản trở.

Nếu như những nơi khác không khuyến khích khách du lịch đến vào mùa Đông, thì ngược lại đây là thời điểm đẹp nhất để đến với đất nước của sông Hằng.

Mùa đông Ấn Độ kéo dài từ khoảng tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Vì thế, bạn có thể đi vào khoảng thời gian này. Đây cũng là mùa của những lễ hội hoành tráng như Diwali, Holi hay Pongal. Bạn có thể thưởng thức những món ăn ngon, ngắm nhìn các công trình kiến trúc độc đáo và tận hưởng không khí vui vẻ, náo nhiệt của đường phố Ấn Độ.

ttxvn-du lich an do2.jpg
Pháo hoa lung linh trong lễ hội ánh sáng Diwali tại Amritsar, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lưu ý về hộ chiếu

Hộ chiếu của bạn phải còn hạn ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh nếu bạn không muốn bị trục xuất trong khi đang du hí ở Ấn Độ. Bạn nhớ luôn luôn mang theo hộ chiếu khi đi bất cứ đâu bởi hầu hết các điểm tham quan, du lịch ở Ấn Độ đều yêu cầu xuất trình hộ chiếu.

ho chieu.JPG
(Ảnh: Getty images)

Mua bảo hiểm du lịch

Bảo hiểm du lịch là điều cần thiết cho chuyến du lịch tới đất nước này. Ở đây, các bệnh viện công với cơ sở vật chất yếu, còn các bệnh viện tư nhân rất đắt đỏ. Bảo hiểm cũng sẽ đảm bảo bạn được bảo vệ trong trường hợp khẩn cấp cũng như bất kỳ hoạt động phiêu lưu nào mà bạn tham gia.

Nếu bạn không may trở thành nạn nhân của một vụ tội phạm, hãy liên hệ với đồn cảnh sát địa phương hoặc gọi đến số điện thoại khẩn cấp của quốc gia: 112 hay 100.

Mua SIM trước khi đi du lịch

Mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn nếu bạn có thẻ SIM điện thoại của địa phương. Mang theo một chiếc điện thoại có thể lắp SIM và yêu cầu cửa hàng điện thoại địa phương đăng ký giúp bạn gói cước.

Để đăng ký được, bạn sẽ cần mang theo hộ chiếu.

Hành lý khi du lịch Ấn Độ

Ấn Độ chủ yếu có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm. Do đó khi du lịch Ấn Độ bạn nên ưu tiên những loại quần áo rộng, thoáng, thấm hút mồ hôi và có thể che kín tay chân. Kem chống nắng và mũ rộng vành cũng nên nằm trong hành lý của bạn bởi thời tiết nắng nóng.

Những loại hàng hóa như mỹ phẩm, thuốc lá có thể được coi là hàng lậu và sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian hơn khi đi qua các trạm kiểm soát. Hãy chuẩn bị chỗ trống trong vali cho chuyến trở về với nhiều món quà lưu niệm ở Ấn Độ.

hanh ly.jpg
(Ảnh: Getty images)

Đặt phòng khách sạn

Ở Ấn Độ nạn “cò mồi” khách sạn rất phổ biến hãy yêu cầu tài xế đưa bạn đến đúng khách sạn đã đặt để xác nhận cho bạn xuống một địa điểm cụ thể và đặt phòng từ đó. Nên mang theo ổ khóa nhỏ để khóa cửa phòng khách sạn cho an toàn khi đi ngủ, vì ổ khóa của khách sạn cũng tương đối lỏng lẻo và dễ phá.

Đặc biệt, hãy mang theo pin sạc dự phòng vì điện ở Ấn Độ không được ổn định, có khi chỉ có điện 30 phút trong một ngày.

Bảo quản đồ cá nhân

Bạn nên bảo quản đồ đạc quan trọng như tiền, hộ chiếu trong một chiếc túi mỏng đeo ngang bụng bên dưới lớp quần áo đang mặc. Chỉ nên để một ít tiền lẻ trong ví để tiêu, không bao giờ để cho người khác biết nơi bạn cất tiền. Hạn chế khoe tiền hay những thiết bị điện tử đắt tiền nếu không muốn thu hút sự chú ý của trộm cướp.

an do.jpg
(Ảnh: Getty images)

Dùng tiền mặt là chủ yếu

Tại các thành phố, bạn có thể quẹt thẻ tại các trung tâm thương mại, nhà hàng... nhưng khi tới các thị trấn nhỏ, nên tránh sử dụng thẻ để thanh toán mọi thứ. Cách tốt nhất là nên trữ sẵn tiền mặt.

Ở Ấn Độ Rupee là loại tiền được sử dụng chủ yếu. Vậy nên khi đặt chân tới sân bay Ấn bạn có thể đổi tiền ở ngay tại đây hoặc đổi ở các khách sạn nơi bạn nghỉ. Nếu không thông thạo tiếng, bạn có thể nhờ hướng dẫn viên đổi giúp.

Cách chào hỏi ở Ấn Độ

Khi bạn đi du lịch ở Ấn Độ cũng giống như việc bạn trở thành người nổi tiếng. Mọi người sẽ muốn bắt chuyện và chụp ảnh cùng bạn ở bất cứ đâu.

Kiểu chào theo phong tục của Ấn Độ là “Namaste” (chào bạn). Nó được sử dụng cả cho lời chào gặp mặt hay chia tay. Còn khi gặp người Hồi giáo, hãy nói “salaam alaikum” (bình an cho bạn) - câu trả lời đúng là “alaikum salaam”.

Bắt tay là văn hóa giao tiếp trong kinh doanh giữa nam giới, nhưng nam giới với nữ giới hiếm khi bắt tay nhau. Ngoài ra, nếu bạn được mời đến nhà của người Ấn Độ, hãy mang theo một món quà nhỏ (bó hoa hoặc đồ ngọt) và cần cởi giày trước khi bước vào.

Một điều cấm kị tại Ấn Độ bạn nên biết đó là khi đưa hoặc nhận một vật gì đó từ người bản địa tuyệt đối không được dùng tay trái. Đây được xem là hành động bất lịch sự, kém văn minh.

Giao thông

Hãy cẩn thận với giao thông ở Ấn Độ, nhất là ở nhà ga và trên tàu hỏa khi dạo quanh đất nước này. Giao thông trên đường phố vào giờ cao điểm là nỗi sợ của bất kỳ du khách nào. Hãy chọn các chuyến bay nội địa để có chuyến đi an toàn và thuận tiện. Bạn hãy lưu ý việc kiểm tra an ninh tại sân bay khá gắt gao, kiểm tra riêng theo giới tính.

tuktuk.jpg
(Ảnh: Getty images)

An toàn vệ sinh thực phẩm

Khám phá ẩm thực là điều tuyệt vời khi du lịch. Tuy nhiên, khi đến Ấn Độ, bạn cần cẩn trọng với những món ăn đường phố kém vệ sinh và cay nồng.

Những kinh nghiệm du lịch Ấn Độ an toàn hữu ích để thưởng thức ẩm thực địa phương tốt nhất không nên uống nước từ ao hồ hay các vòi nước không có hệ thống lọc mà hãy sử dụng nước đóng chai. Bạn cũng nên tự mang theo một đôi đũa.

Do tập tục ăn uống bằng tay, cũng như vấn đề vệ sinh thực phẩm đường phố còn kém tại một số địa phương, du khách dễ mắc các bệnh về tiêu hóa như đau bụng, khó tiêu, hoặc tệ hơn là ngộ độc thực phẩm. Chính vì thế, hãy tự chuẩn bị cho mình các loại thuốc về tiêu hóa, dạ dày.

Ấn Độ là đất nước tôn giáo vì vậy họ không ăn thịt bò và thịt lợn. Đồ ăn chủ yếu là thịt gà, thịt dê và thịt cừu. Nếu không ăn được thịt cừu và không hợp khẩu vị với đồ Ấn thì bạn nên chuẩn bị sẵn mì tôm, ruốc, thịt bò khô... ở nhà mang đi tránh trường hợp đi du lịch Ấn Độ mà phải nhịn đói.

am thuc an do.jpg
(Ảnh: Getty images)

Làm quen với tiếng Anh của người Ấn Độ

Tuy không liên quan đến vấn đề tôn giáo, nhưng đây cũng là một điều đáng lưu ý cho chuyến du lịch Ấn Độ của bạn được suôn sẻ hơn. Tiếng Anh của người Ấn tương đối khó nghe nên nếu có thể, bạn hãy làm quen trước thông qua phim ảnh/video để không quá bỡ ngỡ khi ở xứ người bạn nhé.

Không thể hiện tình cảm thân mật chỗ công cộng

Việc thể hiện tình cảm nơi công cộng không được người dân đồng tình, vì coi đó là điều riêng tư. Nếu bạn có hành động này, việc bị nhìn chằm chằm là điều khó tránh khỏi. Hãy cố gắng tránh việc nắm tay, sử dụng những cử chỉ âu yếm thái quá nơi công cộng.

Đôi khi, tại một số bang, điều này còn khiến bạn gặp rắc rối với chính quyền, vì vi phạm quy tắc liên quan đến đạo đức, thuần phong mỹ tục.

Trang phục kín đáo

Là một quốc gia đa tôn giáo, nền văn hóa Ấn Độ đa dạng với những quy tắc bảo thủ, bạn nhớ che kín vai và chân mỗi khi ra đường.

Hãy mặc những trang phục kiểu Ấn Độ như là áo kurta hoặc bộ đồ shalwar kameez đảm bảo cho sự an toàn của bạn. Điều này sẽ tránh cho bạn khỏi sự chú ý của đàn ông địa phương, không thu hút sự chú ý hiếu kỳ không cần thiết.

Ngoài ra, bạn hãy lên kế hoạch mang những trang phục nào cho phù hợp khi du lịch Ấn Độ. Với khí hậu ở Ấn Độ có thời tiết nóng và ẩm nhưng bạn cần mặc kín đáo để phù hợp với tôn giáo. Chuẩn bị khăn quàng cổ, quần và áo dài che thân và lưu ý với bạn rằng khi vào đền chùa, ở Ấn Độ có phong tục cởi giày.

du lich an do3.jpg
(Ảnh: Getty images)

Tránh nhìn vào mắt người khác

Khi đi trên đường phố Ấn Độ, bạn sẽ thấy có rất nhiều đàn ông. Họ thường tập trung thành nhóm hay tốp người hoặc đi lại thơ thẩn và dành những ánh mắt hiếu kỳ cho khách du lịch.

Tâm lý muốn cởi mở khi tham quan nước bạn thường không tránh khỏi, nhưng với Ấn Độ thì điều này là không nên. Việc bạn nhìn lại họ hay mỉm cười xã giao sẽ khiến họ nghĩ bạn có tình ý gì đó. Vậy nên, đừng để ý tránh tiếp xúc và hãy tỏ ra bình thường tập trung vào việc của mình.

Cẩn trọng ngôn ngữ cơ thể

Ngoài việc không để ý đến những cái nhìn xung quanh thì bạn cũng nên lưu ý ngôn ngữ cơ thể của mình. Chỉ một cử chỉ, hành động không đúng có thể mang lại những rắc rối khi ở Ấn Độ. Hạn chế những cái bắt tay thân mật, chạm vào người đối diện, chỉ trỏ tốt nhất là tránh tiếp xúc nhất có thể.

Một kinh nghiệm cho bạn khi quan sát người dân Ấn Độ là khi họ lắc đầu từ trái sang phải nghĩa là “ok” đồng tình với lời nói của bạn, lắc nhiều cái nhưng nhẹ nghĩa là “có thể” không dám chắc là nó đúng. Còn nếu họ lắc đầu mạnh với khuôn mặt nghiêm nghị tức họ “không đồng ý” và khá tức giận.

bat tay.jpg
(Ảnh: Getty images)

Quy luật của những bàn tay

Bất cứ gì cần sử dụng bằng một tay (như đưa quà, một ly trà hay những tài liệu quan trọng) bạn nhất định phải được dùng bằng tay phải, tay trái chủ yếu chỉ được dùng trong việc vệ sinh.

Trong một bữa ăn truyền thống của Ấn Độ, không có những dao nĩa của phương Tây do người Ấn ăn bằng tay thì tay trái bạn nên giữ khay của mình, tay phải được sử dụng để lấy cơm, thịt và rau củ dùng kèm với bánh mỳ.

Nạn quấy rối

Tin tức về nạn hiếp dâm, quấy rối tình dục phụ nữ trên truyền thông khiến Ấn Độ trở thành địa điểm không an toàn với du khách nữ. Phụ nữ được khuyên không nên du lịch một mình đến Ấn Độ.

Để tránh tình trạng này phụ nữ nên đeo nhẫn cưới (ngay cả khi chưa kết hôn) và sử dụng kính râm, tai nghe điều này giúp cho bạn hạn chế việc bị trêu đùa hay ánh mắt soi mói của những người đàn ông trên phương tiện giao thông công cộng.

Nếu bạn gặp rắc rối, hãy tạo sự chú ý của mọi người đến bạn - những người khác sẽ đến giúp đỡ bạn; tránh lên taxi hoặc xe tuk-tuk mà không có bất kỳ ai khác ngoài tài xế; tránh đi bộ một mình ở những khu vực yên tĩnh, đặc biệt vào ban đêm; bạn không nên nhận đồ ăn hoặc thức uống từ người lạ.

Mang khăn giấy, khăn ướt

Điều khiến khách du lịch bất ngờ khi đến du lịch Ấn Độ là nhà vệ sinh ở đây không hề có giấy. Người Ấn chỉ dùng nước để rửa, vì vậy bạn nên chú ý chuẩn bị khăn giấy khô và khăn ướt từ nhà mang đi. Ở Ấn Độ khăn giấy không được sử dụng nhiều vì vậy việc bán khăn giấy rất hạn chế, bạn cũng khó tìm mua khăn giấy ở quốc gia này.

giay an.JPG
(Ảnh: Getty images)

Mặc cả khi mua hàng

Khách du lịch đến Ấn Độ thường bị nói giá cao hơn bình thường nên bạn cần biết cách mặc cả. Nếu cả 2 bên không hài lòng về giá cả, hãy lịch sự từ chối và mua hàng ở một nơi khác.

Không dùng chân chạm vào sách

Ở Ấn Độ, trẻ em được dạy từ nhỏ rằng sách là nền tảng tri thức. Họ thậm chí còn có Nữ thần tri thức, âm nhạc, nghệ thuật, lời nói, trí tuệ & học tập Saraswati. Vì vậy, việc chạm vào sách bằng chân hoặc thậm chí đá vào cặp sách đầy vở được coi là hành vi thiếu tôn trọng. Dụng cụ học tập cũng được coi trọng, và không được dùng chân chạm vào như bút chì, bút mực...

Hy vọng những kinh nghiệm trên sẽ giúp bạn có thêm kiến thức cũng như sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trình du lịch Ấn Độ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục