Những ngôi sao “xịt”

Những ngôi sao “xịt” của thể thao Việt Nam 2010

Nhiều ngôi sao, vốn là niềm hy vọng "vàng" của thể thao nước nhà nhưng năm qua đã khiến người hâm mộ thất vọng bởi  các lý do khác nhau.
Thể thao Việt Nam đã trải qua năm 2010 đầy sóng gió. Bên cạnh những thành công rực rỡ, chúng ta cũng có những thất bại ê chề, đặc biệt là tại ASIAD 16 và AFF Suzuki Cup 2010. Nhiều ngôi sao, là những niềm hy vọng "vàng" của thể thao nước nhà đã khiến người hâm mộ thất vọng bởi rất nhiều lý do khác nhau.

Á quân Olimpic và "nghi án doping"

Ngôi sao đáng thất vọng nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2010 phải kể tới trường hợp của đương kim Á quân Olympic Bắc Kinh 2008-Hoàng Anh Tuấn. Toàn thể giới chuyên môn và người hâm mộ đã rất choáng váng khi Tuấn dính “nghi án doping” trước thềm ASIAD 16...

Thất bại tại SEA Games 25 khiến Tuấn chỉ thiếu chút nữa giải nghệ nhưng mọi người xung quanh đã động viên và khuyên anh nên… làm lại từ đầu để chuộc lỗi lầm. Ngành thể thao cũng đã đầu tư rất mạnh tay khi cho Tuấn sang Trung Quốc tập huấn ngay từ đầu năm.
 
Sau gần 1 năm tập luyện ngốn cả đống tiền với mục tiêu có huy chương tại ASIAD 16, Anh Tuấn lại không được góp bởi dính “nghi án doping”. Sự thật của vụ việc này vẫn chưa được làm sáng tỏ nhưng chắc chắn sau “sự cố” này, sự nghiệp với Hoàng Anh Tuấn gần như đã chấm hết.

Kết thúc năm 2010 với bảng thành tích rất bết bát, Tuấn cũng không được tham dự Đại hội Thể dục Thể Thao toàn quốc tại Đà Nẵng. Giờ đây sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của “niềm hy vọng vàng” một thời đang trở nên mờ ảo như niềm tin của người hâm mộ với lực sĩ đất Kinh Bắc.

Thất bại vì quá tự tin?

“Danh hiệu thùng rác vàng” của thể thao Việt Nam trong năm 2010 tiếp theo phải kể tới kình ngư số 1 Nguyễn Hữu Việt. Mang trên mình niềm hy vọng huy chương của nước nhà mỗi khi đi thi đấu ở các giải ngoài địa phận Việt Nam nhưng Việt Nam đã không thể đáp ứng được niềm mong mỏi của mọi người.

Được liên đoàn tập trung đầu tư kinh phí lớn để đi tập luyện trong cũng như ngoài nước để có được huy chương ở đại hội thể thao châu Á. Trong khoảng thời gian tập luyện Hữu Việt đã có thành tích rất ấn tượng. Những kỷ lục liên tục được xác lập khiến nhiều chắc mẩm Việt sẽ có huy chương tại ASIAD.

Tuy nhiên, khi bước vào thi đấu, Hữu Việt đã khiến người hâm mộ vô cùng thất vọng khi phạm lỗi sơ đẳng ngay cả một “kinh ngư nghiệp dư” cũng ít khi mắc phải ngay tại đấu trường cấp châu lục.

Trượt chân trong pha bật nhảy xuất phát để rồi bị các đối thủ cho “ngửi khói” tại ASIAD 16,  bị loại ở nội dung 100m ếch là một thất bại vô cùng lớn đối với bộ môn bơi lội Việt Nam năm 2010. Giới chuyên môn về bơi lội cho rằng Việt đã quá tự tin về khả năng của mình nên đã mắc lỗi ngay cả khi chưa xuống nước.

Trường hợp gây thất vọng tiếp theo phải kể tới xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Được mọi người nhận định là tương lai sáng của bộ môn bắn súng Việt Nam sau thế hệ Mạnh Tường, Cao Sơn… Vinh cũng đã thể hiện được rất nhiều trong kỳ Sea Games 24, 25.

Năm 2010 được cho là rất quan trọng đối với Vinh khi anh được mọi người kỳ vọng sẽ tạo bất ngờ lớn tại ASIAD 16. Tuy nhiên Vinh đã tuột Huy chương vàng trong viên cuối vì bắn trượt bia làm cho người hâm mộ và giới chuyên môn một cú sốc quá lớn. Trước lượt bắn cuối cùng, mọi người đều nghĩ tấm huy chương vàng đã thuộc về chúng ta nhưng Vinh đã đánh mất đi tất cả khi phát đạn cuối cùng đã đi rất kém chính xác.

Là một trong những tay súng xuất sắc nhất của Việt Nam tại thời điểm này, tuy nhiên Xuân Vinh đã không thể giúp đội tuyển bắn súng Quốc gia có được những thành tích lớn trong năm 2010. Thất bại tại đại hội thể thao Châu Á, Vinh cũng không có được cho mình thành tích ấn tượng trong suốt năm 2010.

Thiếu thành tích vì gặp "bão chấn thương"


Phải khẳng định năm 2010 là một năm “không như ý muốn” của thể thao Việt Nam. Thất bại nặng nề tại Đại hội thể thao châu Á 16, mất cúp tại AFF Suzuki Cup… Nguyên nhân xuất phát từ rất nhiều yếu tố, tuy nhiên cũng phải kể tới việc rất nhiều ngôi sao thể thao Việt Nam đã không thể tỏa sáng trong năm 2010.

Trường hợp của chàng tiền đạo số 1 Việt Nam-Lê Công Vinh. Dính chấn thương ngay tại đầu mùa giải đã khiến tiền đạo số 1 của đội tuyển Việt Nam bỏ lỡ đi rất nhiều giải đấu quan trọng của cả cấp câu lạc bộ và đội tuyển.

Rồi đến Hoàng Thị Ngân của bộ môn Karatedo-là hi vọng vàng của nội dung kata của bộ môn karatedo Việt Nam tại ASIAD 16. Với tấm huy chương vàng trong giải karatedo Thế giới năm 2007 cùng phong độ rất cao trong năm 2010, giới chuyên gia của bộ môn karatedo châu lục đánh giá tâm huy chương vàng ASIAD 16 khó lọt khỏi tay Ngân.

Tuy nhiên mọi hy vọng đã bị phá sản hoàn toàn khi Hoàng Ngân đã không thể tham dự đấu trường lớn nhất khu vực bởi gặp chấn thương. Không thể tham dự ASIAD 16 là điều vô cùng đáng tiếc đối với Ngân cũng như karatedo Việt Nam.

Những ngôi sao tiêu biểu khác như Đoàn Kiến Quốc ở bộ môn Bóng bàn; Lưu Thị Thanh-Cầu mây… dù đã được đi thi đấu nhưng cũng không có được phong độ cao nhất.

Thật may mắn tại ASIAD, cô gái trẻ Lê Bích Phương đã mang về cho thể thao nước nhà tấm huy chương vàng duy nhất. Cô gái chưa bước qua tuổi 20 đã vớt vát được phần nào cho sự "khiêm tốn quá mức" của các đội tuyển của chúng ta.

Không thể lọt vào Top 20 tại Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 16, chắc chắn những nhà chuyên môn cũng như quản lý về ngành thể thao sẽ phải đau đầu để tìm đi những hướng đi mới trong năm 2011. Một tia sáng đáng mừng là chúng ta vẫn còn đó những "ngôi sao trẻ" như Bích Phương, Quang Liêm, Tiến Minh... Họ sẽ là niềm hy vọng của nền thể thao Việt Nam trong tương lai tới./.

Ngọc Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục