Những nhiệm vụ cấp thiết của chính phủ mới ở Thái Lan

Nhiệm vụ đầu tiên mà Chính phủ của ông Prayuth phải đối mặt là dẹp bỏ hình ảnh của một chính quyền quân sự và khôi phục lại uy tín của Thái Lan trong cộng đồng quốc tế.
Những nhiệm vụ cấp thiết của chính phủ mới ở Thái Lan ảnh 1Thủ tướng lâm thời Thái Lan Prayuth Chan-ocha. (Nguồn: Reuters)

Thủ tướng lâm thời Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã hoàn tất việc thành lập chính phủ lâm thời để điều hành đất nước trong vòng một năm trước khi Thái Lan có thể tổ chức các cuộc bầu cử vào cuối năm tới.

Không có gì đáng ngạc nhiên về thành phần trong Nội các mới của ông Prayuth khi đa phần trong số đó đều xuất phát từ lực lượng vũ trang. Điều này được coi là sự đảm bảo cho tiến trình cải cách Thái Lan đi theo đúng định hướng mà những người làm đảo chính đặt ra.

Các vị trí bộ trưởng quan trọng như ngoại giao, quốc phòng, nội vụ, tư pháp, giao thông và giáo dục được trao cho những sỹ quan quân đội, trong khi ghế bộ trưởng kinh tế và tài chính do các nhận vật dân sự thân quân đội đảm nhận.

Một hội đồng cải cách đất nước gồm 250 thành viên cũng đang dần được hình thành, với đa số xuất thân từ quân đội và họ sẽ có nhiệm vụ đề xuất những ý tưởng cải cách trong 11 lĩnh vực trong thời gian chính phủ của ông Prayuth hoạt động.

Nhiệm vụ đầu tiên mà ông Prayuth phải đối mặt là dẹp bỏ hình ảnh của một chính quyền quân sự và khôi phục lại uy tín của Thái Lan trong cộng đồng quốc tế.

Hiện tại, Hội đồng trật tự hòa bình, cơ quan vẫn tồn tại song với chính phủ, đang tạm thời đình chỉ mọi cuộc bầu cử ở cấp chính quyền và hội đồng địa phương. Tại Bangkok, một ủy ban do Bí thư thường trực Bộ Nội vụ đứng đầu đã được lập ra để làm các nhiệm vụ thay thế, trong khi ở địa phương sẽ có các ủy ban cấp tỉnh kiểu này thay thế.

Điều này được dư luận Thái Lan đánh giá là một trong những nỗ lực nhằm tập trung quyền lực và loại trừ mọi ảnh hưởng của các chính trị gia đối với chính quyền địa phương.

Chính phủ của ông Prayuth cũng cần phải đề ra một chiến lược hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề tham nhũng và khuyến khích người dân tham gia công việc tăng cường tính minh bạch. Để thực hiện được điều này, sự phối hợp giữa các cơ quan chính quyền của Thái Lan cần phải được cải thiện nhằm mang lại tính hiệu quả cao hơn.

Một vấn đề quan trọng nữa mà chính phủ mới phải đối mặt là giải quyết sự chia rẽ nghiêm trọng trong lòng xã hội Thái Lan hiện nay.

Nhiều cơ quan của Thái Lan hiện vẫn đang được Hội đồng trật tự hòa bình giao nhiệm vụ thúc đẩy lộ trình hòa giải dân tộc. Chính Hội đồng này cũng đang thực hiện chương trình "Lễ hội khôi phục niềm hạnh phúc cho người dân" ở Bangkok và một số tỉnh lân cận nhằm đặt được sự hòa hợp. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có báo cáo về tính hiệu quả của các chương trình này.

Theo truyền thông Thái Lan, việc bổ nhiệm tướng Prawit Wongsuwan làm Phó thủ tướng phụ trách an ninh kiêm Bộ trưởng Quốc phòng là một động thái nhằm thực hiện hiệu quả việc hòa giải dân tộc. Ông Prawit có các mối quan hệ với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và điều này sẽ giúp mang lại kết quả cho những nỗ lực đạt được sự hòa giải.

Việc khôi phục kinh tế cũng là một nhiệm vụ quan trọng của chính phủ. Ông Prayuth đã tin tưởng giao trách nhiệm này cho Phó thủ tướng Pridiyathorn Devakula, với hy vọng sẽ giải quyết được những khó khăn hiện nay cho Thái Lan.

Ông Pridiyathorn là trưởng Ban cố vấn kinh tế của chính quyền quân sự và cũng từ là Phó thủ tướng phụ trách kinh tế trong chính phủ sau đảo chính 2006 của Thủ tướng Surayud Chulanont. Ông này hiện đang được giới lãnh đạo ngành công nghiệp rất ủng hộ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục