Những nữ phi công lái “chim sắt” ăn Tết… trên trời

Với mỗi phi công nữ, họ chưa bao giờ được đón Tết trọn vẹn cùng gia đình bởi lịch bay dày đặc, giờ giấc và thời tiết thay đổi liên tục.
Những cánh đào khoe sắc thắm báo hiệu một mùa Xuân mới đang về. Với mỗi phi công nữ, họ chưa bao giờ được đón Tết trọn vẹn cùng gia đình bởi lịch bay dày đặc, giờ giấc và thời tiết thay đổi liên tục.

Ấy thế mà, nhiều bóng hồng vẫn dũng cảm dấn thân, gắn bó với hành trình đi mây về gió chỉ vì giấc mơ được điều khiển máy bay trên bầu trời.

“Ma lực” điều khiển “chim sắt”

Dáng người khỏe khoắn, mái tóc cắt ngắn, chiếc răng khểnh duyên dáng mỗi khi cười, nữ cơ phó Nguyễn Kim Châu là cô gái nhỏ tuổi nhất Đoàn bay 919 của Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nhưng đã có thâm niên thực hiện được gần 1.000 giờ bay an toàn.

Giọng nói xen lẫn chút tự hào, Châu kể về duyên cớ dấn thân theo nghiệp bay.

Học hết cấp 3, trong thời gian đợi đi du học, chỉ vì đọc qua một mẩu tin Tổng công ty Hàng không Việt Nam tuyển phi công, cả nam và nữ trên trang báo, cuộc sống của cô gái 18 tuổi khi đó rẽ ngay sang hướng khác.

Phải mất hơn 1 tuần ra sức thuyết phục gia đình đồng thời để bố mẹ cô cũng tin rằng con gái vượt qua được các vòng thi thể lực và giấc mơ lái máy bay là hoàn toàn nghiêm túc.

Để có thể trở thành phi công, Châu đã phải “hạ gục” nhiều thí sinh khác qua những chuỗi ngày căng thẳng, chịu đựng gian khổ và rèn luyện cao ở các vòng kiểm tra thể lực nhịp tim huyết áp, bài thi trắc nghiệm, phỏng vấn kiểm tra phản xạ, tư duy logic, độ nhạy cảm, quyết đoán khi giải quyết tình huống khẩn cấp, vòng loại tiếng Anh chuyên ngành và kiến thức hàng không.... Sau đó, cô tiếp tục đi huấn luyện ở nước ngoài với hơn 200 giờ bay và hoàn thành một số bài thi để trở thành cơ phó.

“Một ngày làm việc có thể bắt đầu từ 4 giờ sáng, mải miết đến 24 giờ. Thời gian nghỉ, phi công đều phải tự ép mình vào những bài tập khắt khe để đảm bảo sức khỏe,” Châu thành thật.

Những ngày tháng rèn luyện nơi đất khách làm Kim Châu trở nên chững chạc, rắn rỏi hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Kim Châu tự tâm niệm với bản thân, là phụ nữ, tâm lý không thể rắn rỏi, cơ thể không thể khỏe mạnh như nam giới nên chỉ còn cách phải nỗ lực gấp nhiều lần bởi trong nghề bay không có sự ưu ái dành cho bất kỳ ai.

Bắt đầu mỗi chuyến bay, Kim Châu luôn phải tự lường trước mọi tình huống xấu và cách xử lý bất trắc như động cơ hỏng, không thu được càng, mất liên lạc với không lưu…. đồng thời cũng phải đảm nhiệm công việc cầm lái, theo dõi biến đổi của thời tiết, áp suất, phương hướng, tính toán tốc độ, độ cao, nhiệt độ của động cơ.

“Tay điều khiến, mắt nhìn, miệng trao đổi, đầu phán đoán. Suốt hành trình bay, lúc nào mình cũng trong tình trạng vừa nói, vừa làm, vừa suy nghĩ một cách nhịp nhàng, chuẩn xác. Chỉ cần một phút lơ là, người cầm lái máy bay sẽ phải trả giá bằng tính mạng của hàng trăm người trên mỗi chuyến bay,” Kim Châu chia sẻ.

Học để trở thành một phi công đã khó, với nữ giới, giữ được nghề càng khó hơn. Khoảng thời gian mang thai và sinh con là giai đoạn thử thách của nữ phi công. Một khi muốn quay lại nghề, họ phải trải qua đợt huấn luyện, kiểm tra khắt khe chẳng khác nào trở về vạch xuất phát.

Ăn tết trên tận “trời”

Là con cả trong gia đình, từ khi trở thành phi công, chưa bao giờ Kim Châu đón Tết trọn vẹn cùng ba mẹ và 2 em gái. Dịp Tết nào Châu cũng phải xa nhà, dù chỉ là những chuyến bay ngắn trong 3 ngày Tết.

“Tết vẫn vậy, phải có những người làm để nhịp sống vẫn giữ được thăng bằng, để những chuyến bay là cầu nối đưa hành khách về sum họp gia đình,” Châu nói chậm rãi.

Lần đầu phải đón Tết trong khoang lái đóng chặt cửa, cô gái độc thân ấy không khỏi chạnh lòng lòng với rất nhiều cảm xúc lạ và nỗi nhớ nhà.

Gương mặt đượm buồn, Châu chia sẻ: “Trực Tết và cầm lái những chuyến bay bao giờ cũng khác. Làm ăn cả năm mà không được nghỉ, đến Tết không được về quê, bạn bè cứ trách móc.”

Kể đến đây Châu ngậm ngùi, "hôm tổ chức ăn Tết sớm, mấy đứa cháu con nhà bác cứ thắc mắc sao nhà mình lại ăn Tết sớm thế."

Đêm chuyển giao năm mới, người người tụ họp hàn huyên chuyện cũ thì với Châu, khoảnh khắc giao thừa có khi chỉ là những đốm sáng nhỏ lóe lên rồi vụt tắt của chùm pháo hoa trên bầu trời, là tiếng ù ù bên tai của động cơ, là sự rung lắc của máy bay khi đi vào vùng gió…

“Thấy mọi người quây quần bên nhau trong ngày Tết lại thấy nhớ nhà đến nao lòng, thấy trống trải lắm. Đêm đêm, nhà nhà sum họp, cùng nâng ly rượu gửi lời chúc tân xuân thì những phi công vẫn lại chênh vênh trên trời. Nhưng mình hiểu, niềm vui của phi công là chuyến bay an toàn, giúp hành khách đoàn tụ cùng gia đình,” Kim Châu chia sẻ.

Đã từ lâu, những nữ phi công trong Đoàn bay 919 không còn khái niệm ngày cuối tuần hay lễ Tết. Họ tính ngày tháng theo khái niệm ngày bay, ngày không bay, xa bố mẹ, chồng con.

Khi được hỏi các phi công nữ có chia tay nghề không thì tất cả đều lắc đầu nói rằng, mỗi người đều có sự lựa chọn về nghề nghiệp riêng. Ở đó, tôi bắt gặp những ánh mắt dù mạnh mẽ, quyết đoán đến mấy thì nỗi buồn, khoảng trống trong sâu thẳm người phụ nữ vẫn không thể khỏa lấp. Tuy vậy, vốn đã thành bản năng, cứ bước vào khoang lái, những cô gái này không bao giờ để tình cảm chi phối.

Và, riêng những nữ phi công làm nghề lái “chim sắt” trên trời dường như cũng gắn chặt với những đám mây, khoảng trời xanh ngắt hết ngày này qua ngày khác. Bóng dáng họ ngồi trong khoang lái trên cao dõi đôi mắt nhìn xa xăm về khoảng không mênh mông và tôi tự hỏi liệu có bao nhiêu người đủ sức chịu đựng, đủ lòng yêu nghề để có thể làm việc trên con đường vốn không trải hoa hồng./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục