Những rắc rối pháp lý xung quanh vụ sa thải bất ngờ cựu CEO OpenAI

Vì là một tổ chức phi lợi nhuận nên những người duy nhất có thể buộc Hội đồng Quản trị OpenAI từ chức hoặc thay đổi là các thẩm phán hoặc Tổng chưởng lý cấp bang.

Cựu Giám đốc Điều hành của OpenAI Sam Altman. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cựu Giám đốc Điều hành của OpenAI Sam Altman. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo các chuyên gia pháp lý, rất ít người có thể buộc OpenAI thay đổi cách quản trị tại công ty trí tuệ nhân tạo (AI) đang gặp khủng hoảng này.

Ngay cả người đứng đầu Microsoft, “đại gia” công nghệ chống lưng cho công ty này, cũng đang gặp khó.

Ông Alexander Reid, luật sư tại công ty BakerHostetler chuyên tư vấn cho các tổ chức phi lợi nhuận, cho biết vì đây là một tổ chức phi lợi nhuận nên những người duy nhất có thể buộc Hội đồng Quản trị OpenAI từ chức hoặc thay đổi là các thẩm phán hoặc Tổng chưởng lý cấp bang.

Tổng chưởng lý có quyền giám sát, điều tra và yêu cầu các tổ chức phi lợi nhuận thực hiện cải cách.

Tổng chưởng lý có thể ban hành mọi yêu cầu, từ thay đổi lãnh đạo đến đóng cửa hoàn toàn một tổ chức. Những yêu cầu đó thường được đưa ra sau khi phát hiện hành vi gian lận hoặc xung đột lợi ích.

Hershey Co là một ví dụ. Quỹ tín thác kiểm soát hãng sản xuất kẹo Hershey hồi năm 2016 đã đồng ý thay thế một số thành viên hội đồng quản trị, sau khi Tổng chưởng lý bang Pennsylvania phản đối việc chi tiêu của quỹ tín thác.

Bên cạnh đó, ông Darryll Jones, Giáo sư luật tại Đại học Florida A&M, cho biết Sở Thuế Mỹ cũng là một bên khác có khả năng can thiệp.

Vị giáo sư lưu ý việc giám sát hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận đang khá lỏng lẻo, nhưng phần lớn các tổ chức tự kiểm soát khá tốt để tránh những vụ bê bối có thể ảnh hưởng đến việc kêu gọi đóng góp tài chính của họ.

Chi nhánh vì lợi nhuận của OpenAI nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của một tổ chức phi lợi nhuận. Đây là một thỏa thuận nhằm bảo vệ công nghệ có tiềm năng lớn như AI khỏi bị chi phối bởi lòng tham.

Do đó, các nhà đầu tư đã rót hàng tỷ USD vào công ty khởi nghiệp này sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc kiện hội đồng quản trị do vụ sa thải ông Sam Altman, mặc dù các nguồn tin nói với báo giới rằng một số người đang xem xét đưa ra những hành động pháp lý như vậy.

Theo quy định của OpenAI, chỉ các giám đốc mới có thể loại bỏ hoặc bầu thành viên hội đồng quản trị mới.

Ông Reid cho biết sự sắp xếp này được gọi là hội đồng tự duy trì và rất phổ biến trong thế giới phi lợi nhuận.

Hiện tại có bốn người trong hội đồng quản trị: ba giám đốc độc lập và nhà khoa học trưởng của OpenAI Ilya Sutskever.

Ông Sutskever đã cùng với các thành viên hội đồng quản trị khác đưa ra quyết định loại cựu Giám đốc điều hành (CEO) Altman và cựu Chủ tịch Greg Brockman, nhưng sau đó ông cho biết "vô cùng hối hận" về hành động này.

Ngoài những quan chức cấp chính phủ, ông Sutskever có thể là người duy nhất hiện có quyền chính thức phản đối quyết định của hội đồng quản trị.

Ông Reid cho biết thành viên hội đồng quản trị có thể trực tiếp hoặc thay mặt tổ chức kiện một thành viên khác vì không thực hiện nhiệm vụ của mình.

Nhưng thông thường, những cuộc kiện tụng ra tòa như vậy chỉ diễn ra khi có nghi ngờ về hành vi sai trái liên quan đến chi tiêu hoặc bồi thường.

Trong các cuộc tranh chấp về cách thức chỉ đạo hoặc quyền kiểm soát của tổ chức, kịch bản phổ biến hơn là tổ chức bị chia tách. Ông Reid nói rằng họ chỉ cần thành lập một tổ chức phi lợi nhuận khác với cách thức hoạt động hơi khác một chút.

OpenAI đã sống sót sau một lần chia tách như vậy. Những người đồng sáng lập một công ty AI đáng chú ý khác là Anthropic một thời cũng đảm nhiệm vị trí quản lý cấp cao của OpenAI cho đến năm 2020. Họ đã chia tay với công ty cũ vì những bất đồng về cách đảm bảo sự phát triển và quản trị an toàn AI.

Giới quan sát nhận định câu trả lời cho việc liệu OpenAI có tồn tại được sau sự rạn nứt giữa hội đồng quản trị và nhân viên hay không nhiều khả năng sẽ được xác định trong vài ngày tới.

Hội đồng phi lợi nhuận giám sát nhà phát triển chatbot ChatGPT đình đám đã gây chấn động khắp Thung lũng Silicon vào ngày 17/11, khi đột ngột thông báo sa thải CEO Sam Altman.

Chỉ 24 giờ sau đó, OpenAI lại đưa ra đề nghị để ông Altman quay lại trở lại trước sức ép từ nhân viên và các nhà đầu tư.

Nhưng rồi vào ngày 19/11, hội đồng quản trị OpenAI đã tuyên bố sẽ không để vị cựu CEO quay trở lại, nhấn mạnh “cha đẻ” ChatGPT cần ra đi để công ty này có thể tiếp tục phát triển.

Điều khiến làng công nghệ thế giới bất ngờ hơn là Microsoft đã mời ông Altman về làm việc. Ông dự kiến sẽ lãnh đạo một bộ phận nghiên cứu AI của “đại gia” công nghệ này.

Gần như tất cả 700 nhân viên của OpenAI sau đó đã ký một lá thư đe dọa nghỉ việc nếu hội đồng quản trị không từ chức.

CEO Microsoft, ông Satya Nadella, cũng lên tiếng kêu gọi OpenAI thay đổi cách quản trị.

Tình trạng hỗn loạn còn khiến các nhà đầu tư của OpenAI phải cân nhắc các lựa chọn pháp lý chống lại hội đồng quản trị hiện thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục