Những thách thức đe dọa đà tăng trưởng của châu Á

Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo lạm phát và dòng vốn nóng là 2 thách thức lớn đe dọa đà tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm 2011.
IMF cảnh báo lạm phát và dòng vốn nóng sẽ là hai thách thức lớn đe dọa đà tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm 2011 này.

Trả lời phỏng vấn Tạp chí trực tuyến Nghiên cứu IMF, Giám đốc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Anoop Singh, nhấn mạnh dù sức mạnh tăng trưởng của châu Á tích cực song nó vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát. Nguyên nhân là do sự tăng trưởng chậm hơn của nền kinh tế toàn cầu và lượng tiền nóng từ các nền kinh tế phát triển đang tràn ngập tại châu lục này.

Quan chức IMF cho rằng nguy cơ trên cần được xử lý thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng và sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái một cách linh hoạt. Đặc biệt, các nước cần xây dựng một cơ cấu kinh tế nhằm đảm bảo dòng vốn nóng tạo được động lực cho đầu tư và có sự phối hợp chặt chẽ hơn để ổn định tài chính nhằm tái cân bằng nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Ngoài ra, chính phủ các nước châu Á cần xử lý thận trọng thời điểm ngừng các chương trình kích thích kinh tế nhằm tránh nguy cơ tăng giá tiền tệ.

Tuy nhiên, ông Singh cho rằng bức tranh tăng trưởng kinh tế châu Á trong năm 2011 vẫn rất hứa hẹn. Các động lực thúc đẩy phát triển kinh tế châu Á phục hồi mạnh mẽ trong năm qua, bao gồm các chính sách sáng suốt, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu dùng trong nước... sẽ tiếp tục được phát huy trong năm 2011. Kinh tế châu lục này tiếp tục đóng vai trò ngày càng quan trọng thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Cùng ngày, người phát ngôn của IMF, bà Caroline Atkinson, đã hoan nghênh các biện pháp kiểm soát vốn, đang được các nền kinh tế mới nổi (bao gồm cả Brazil và Ấn Độ) áp dụng, cho rằng đây là công cụ hữu hiệu giúp hạn chế dòng vốn nóng đang ồ ạt đổ vào các nước này.

Hiện Brazil quy định các ngân hàng thương mại nước này phải đặt cọc bằng tiền mặt, khoảng 60%, nếu lượng ngoại tệ trên 3 tỷ USD, hoặc khi giao dịch lớn hơn lượng tài sản mà ngân hàng nắm giữ nhằm hạn chế việc đồng nội tệ tăng giá so với đồng USD, khiến xuất khẩu - động lực phát triển kinh tế chính - bị suy giảm.

Dòng vốn nóng là lượng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào các nước, có thể giúp tăng đầu tư và phát triển đối với các nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu lượng tiền này đổ vào quá nhanh, quá nhiều và không lâu dài, nó có thể tạo ra nhiều bất ổn đối với kinh tế các nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục