Những tín hiệu thay đổi chiến lược với thị trường sản phẩm hữu cơ Pháp

Những năm gần đây, hệ thống phân phối thực phẩm Pháp đã tập trung đầu tư vào phân khúc "ăn ngon" và "ăn lành mạnh" để tìm kiếm một chỗ đứng vững chắc trong thị trường sản phẩm hữu cơ.
Những tín hiệu thay đổi chiến lược với thị trường sản phẩm hữu cơ Pháp ảnh 1Một gian hàng bán sản phẩm hữu cơ trong siêu thị của Pháp. (Nguồn: bordbia.ie)

Báo Le Monde mới đây có bài viết về những nguy cơ đe dọa thị trường sản phẩm hữu cơ Pháp, trong đó nhận định rằng trong tình trạng giá cả tăng cao và sự hấp dẫn của các sản phẩm thông thường, người tiêu dùng Pháp đang quay lưng lại với sản phẩm hữu cơ.

Hệ thống phân phối cũng như các cửa hàng đặc sản phải xây dựng chiến lược mới để tránh nguy cơ sụt giảm về doanh số.

Theo bài viết, những năm gần đây, hệ thống phân phối thực phẩm Pháp đã tập trung đầu tư vào phân khúc "ăn ngon" và "ăn lành mạnh" để tìm kiếm một chỗ đứng vững chắc trong thị trường sản phẩm hữu cơ.

Thị trường này đặt cược vào việc thay đổi mô hình tiêu dùng và không muốn để các cửa hàng hữu cơ đơn độc trong một thị trường có mức tăng trưởng hai con số.

Hướng đi mới với sản phẩm hữu cơ

Để tìm kiếm động lực tăng trưởng và tiếp cận các nhà cung cấp sản phẩm hữu cơ, các tập đoàn phân phối đã tiếp cận những đối tác chuyên biệt.

Chẳng hạn, tập đoàn Carrefour đã mua lại mạng lưới thương hiệu So.bio năm 2018, và hai năm sau mua tiếp Bio c’Bon, sau một "cuộc chiến" gay gắt với các đối thủ cạnh tranh.

[Dược mỹ phẩm nguồn gốc thảo dược của Việt Nam tấn công thị trường Anh]

Trong khi đó, tập đoàn Les Mousquetaires (nắm hệ thống siêu thị Intermarché, Netto...) đã mua cổ phần thiểu số của thương hiệu Les Comptoirs de la Bio, có mạng lưới cửa hàng độc lập chuyên bán sản phẩm hữu cơ, vào năm 2018.

Đồng thời, trên các gian hàng trong hệ thống siêu thị, các thương hiệu cũng phát triển nhiều sản phẩm mang nhãn mác riêng nhằm "dân chủ hóa sinh học" và đảm bảo giá cả dễ tiếp cận hơn.

Vấn đề đặt ra hiện nay là sau vài năm ổn định, xu hướng lạm phát không ngừng gia tăng có buộc các tập đoàn phải cải tổ các "chủ bài" kinh doanh trong thị trường sản phẩm hữu cơ hay không?

Cơ quan thống kê quốc gia Pháp (INSEE) ước tính trong tháng 4/2022, giá thực phẩm ở Pháp tăng trung bình 3,8% trong hơn một năm, cao hơn nhiều so với hồi tháng 3 (2,9%). Một số nhà phân phối dự đoán lạm phát sẽ đạt mức 8-10% trong những tháng tới.

Xu hướng này liệu có tác động tiêu cực đến các sản phẩm hữu cơ, vốn luôn đắt đỏ hơn so với sản phẩm thông thường, khi ví tiền của người tiêu dùng Pháp đang ngày một mỏng đi?

Những dấu hiệu thay đổi

Dấu hiệu thay đổi bắt đầu được cảm nhận từ cuối năm 2021, với sự xuất hiện của một lựa chọn thay thế cho sản phẩm hữu cơ.

Giá cả là điều người tiêu dùng đặt lên hàng đầu, trong khi sản phẩm sinh học bắt đầu phải cạnh tranh với nhiều mặt hàng được sản xuất tại các địa phương, hiện cũng được dán nhãn "chất lượng môi trường cao," hoặc các sản phẩm khác được dán tem "không có thuốc bảo vệ thực vật."

Trong mắt người tiêu dùng Pháp, thị trường trong nước đang có một cuộc cạnh tranh thực sự giữa sản phẩm địa phương với sản phẩm hữu cơ.

Cathy Collart Geiger, Giám đốc điều hành của tập đoàn Picard chuyên kinh doanh bán lẻ các sản phẩm thực phẩm đông lạnh, thừa nhận: "Dường như đang có một phong trào hướng về hàng địa phương, trong đó người tiêu dùng ngày càng có niềm tin hơn so với các sản phẩm hữu cơ nhiều khi có xuất xứ từ một quốc gia khác."

Doanh thu của các sản phẩm hữu cơ đã sụt giảm nhanh chóng kể từ đầu năm 2022. Theo Viện nghiên cứu và đổi mới Pháp (IRI), nơi đã dành nhiều công sức quan sát việc mua hàng của người tiêu dùng tại các siêu thị và đại siêu thị, doanh thu bán hàng hữu cơ tại những nơi này đã giảm 6,6% trong quý 1/2022 so với cùng kỳ năm trước, bất chấp khủng hoảng y tế đã trôi qua.

Allon Zeitoun, Giám đốc điều hành thương hiệu Naturalia chuyên về phân phối nông sản hữu cơ, đánh giá: "Những tháng gần đây, thị trường trong nước Pháp có vẻ phức tạp hơn so với trước kia, nhưng chưa thể rút ra kết luận từ một tình huống mới diễn ra chỉ vài tháng."

Tất nhiên, khó khăn được ghi nhận nhiều hơn ở các cửa hàng trong đô thị lớn như Paris, nơi mà yêu cầu làm việc từ xa và "ngôi nhà thứ hai" đã khiến một bộ phận khách hàng ưa thích sản phẩm hữu cơ đích thực phải lui về các tỉnh để chạy trốn COVID-19.

Là một nhà phân phối sản phẩm hữu cơ lớn thứ ba tại Pháp, tập đoàn La Vie Claire đang thực sự gặp khó khăn, với kết quả kinh doanh năm 2021 giảm 7,4% so với năm 2019 và tình trạng tồi tệ vẫn tiếp diễn trong những tháng đầu năm 2022.

Những thay đổi chiến lược

Trong bối cảnh đó, việc thay đổi chiến lược kinh doanh và tìm ra một phương tiện để tái khởi động guồng máy đang được coi là mệnh lệnh đối với các tập đoàn phân phối lớn.

Một số thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua các hoạt động khuyến mại rộng khắp. Một số khác chọn cách đơn giản là giảm bớt nguồn cung trong hệ thống, chẳng hạn tập đoàn Carrefour đã quyết định "giảm 10% tổng lượng sản phẩm hữu cơ trong các đại siêu thị và siêu thị" của mình.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng nghiên cứu sắp xếp lại sản phẩm trong hệ thống cửa hàng.

Năm 2021, Carrefour đã thử nghiệm đưa các sản phẩm được đóng dấu "hữu cơ" trở lại gian hàng cổ điển. Điều này đã cho thấy một tác động tích cực đến doanh số bán hàng.

Các siêu thị cũng có sự thay đổi trong cách bố cục hàng hóa, cho phép người tiêu dùng có sự lựa chọn, thay vì xếp riêng các sản phẩm hữu cơ vào một không gian dành cho sản phẩm hữu cơ như thể chúng là những mặt hàng xa xỉ.

"Trước đây, các sản phẩm hữu cơ được nhóm lại với nhau ở cùng một nơi. Hiện tại, chúng tôi xếp phân tán ra nhiều quầy, phục vụ người tiêu dùng hỗn hợp chứ không phải riêng những người đam mê thực phẩm hữu cơ," Cathy Collart Geiger, đại diện của Picard, cho biết.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực sinh học, sự xâm nhập ồ ạt của các sản phẩm hữu cơ vào các hệ thống bán lẻ đôi khi gây ra những tác động tiêu cực. Biocoop, mạng lưới hàng đầu tại Pháp, cho rằng việc phân phối theo quy mô hàng loạt đã tạo ra một hình ảnh xấu đối với những sản phẩm đóng dấu "hữu cơ."

Theo tập đoàn này, "các đối thủ cạnh tranh theo kiểu cơ hội đã không tuân thủ cam kết của chính họ, thậm chí còn là nguồn gốc của những điều đáng lo ngại..."

Điều này khiến sản phẩm hữu cơ dần bị tầm thường hóa. Do đó, cần có sự minh bạch để người tiêu dùng biết rõ sự khác biệt giữa các sản phẩm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục