Nhiều dư địa xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Pháp

Theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, điểm yếu mà các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải là những lô hàng đầu tiên có chất lượng rất tốt nhưng lại gặp khó khăn khi đảm bảo chất lượng ổn định, đồng đều.
Nhiều dư địa xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Pháp ảnh 1Vải thiều Thanh Hà được bán tại siêu thị ở Paris (Pháp). (Ảnh: Linh Hương/TTXVN)

Theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, mặc dù các mặt hàng thực phẩm, nông sản của Việt Nam có tính bổ trợ cho thị trường Pháp nhưng hiện chỉ có 50/500 mã hàng có giá trị xuất khẩu cao. Điều này cho thấy các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh sang thị trường này.

Thống kê cho thấy mỗi năm, nông sản và thực phẩm nhập khẩu của Pháp cung cấp tới 20% lượng tiêu dùng nội địa nước này. Giá trị nhập khẩu đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua, từ 28 tỷ euro năm 2000 lên 56 tỷ euro trong năm 2019.

Hơn nữa, trên tổng số hơn 9.200 mặt hàng nông sản nhập khẩu của Pháp, có đến hơn 900 mặt hàng có giá trị thâm hụt thương mại hơn 50 triệu euro cho mỗi mặt hàng cụ thể; trong đó, nhóm hàng rau quả, thủy hải sản và nông nghiệp hữu cơ đứng đầu danh sách thâm hụt thương mại của Pháp.

Cụ thể, mặc dù là cường quốc đại dương lớn thứ hai thế giới song Pháp chỉ đứng thứ 24 thế giới trong số các nước xuất khẩu thủy sản, giá trị xuất khẩu chỉ tương đương 1/4 giá trị nhập khẩu của nhóm hàng này.

Chẳng hạn như cá hồi thâm hụt thương mại đạt 776 triệu euro; tôm đạt 635 triệu euro. Theo số liệu, gần 2/3 lượng tôm, cá tiêu thị tại Pháp được nhập khẩu. Đặc biệt, đối với nhóm hàng rau quả và trái cây, cán cân thương mại với nhóm hàng này cũng thâm hụt trong nhiều năm qua.

[Thương vụ Việt tại Pháp: Cần tham chiếu quy định của nước nhập khẩu]

Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho rằng ngoài lý do diện tích trồng trọt liên tục giảm, một trong những lý do quan trọng khác là sự gia tăng không ngừng nhu cầu của thị trường đối với nhóm hàng nước trái cây và trái cây ngoại lai như trái bơ, xoài, thanh long... Theo số liệu, hơn một nửa lượng rau, quả tiêu dùng tại Pháp được nhập khẩu.

Trong khi đó, dù là quốc gia đứng đầu châu Âu về canh tác hữu cơ, là thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp lớn thực phẩm hữu cơ (BIO) số 2 tại châu Âu, nhưng với nhu cầu tăng cao, nguồn cung vẫn chỉ đủ cung cấp cho 67% nhu cầu nội địa. Vì vậy, việc 1/3 thực phẩm hữu cơ tiêu dùng nội địa phải nhập khẩu cho thấy tiềm năng thị trường từ nhu cầu nội địa của Pháp là rất lớn.

Đơn cử, Pháp là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất, chiếm 35% khu vực EU với nhu cầu hằng năm khoảng 600.000 tấn nhưng sản lượng gạo Việt vào được thị trường Pháp mới chiếm khoảng 2,1% thị phần.

Như vậy, tiềm năng đến từ cấu trúc và dư địa thị trường vẫn chưa được khai thác, còn nhiều dư địa để gia tăng thị phần mặt hàng nông sản, thực phẩm sang thị trường này. Tiềm năng lớn là vậy song để tiếp cận và thâm nhập thị trường EU nói chung và Pháp nói riêng không phải là bài toán dễ đối với doanh nghiệp.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, một cách tiếp cận đơn giản nhưng có hiệu quả cao là tham gia các hội chợ bán lẻ, hội chợ chuyên ngành. Đây là khởi đầu cần thiết cho bất cứ một doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn lần đầu tiên tham gia vào thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng nhanh chóng tận dụng cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại. Thực tế cho thấy nhiều đối tác là các hệ thống phân phối nước ngoài đang cân nhắc, theo nhiều hình thức khác nhau, tăng hàm lượng hàng hóa Việt Nam trong hệ thống của họ mà trong đó, rất nhiều hàng hóa đã được hưởng thuế quan 0% từ trước.

Cùng với việc tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA, tham gia các hội chợ, triển lãm, việc đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm nói chung, nhất là nông sản tươi khi nhập khẩu vào Pháp và EU là yêu cầu tiên quyết.

Ông Vũ Anh Sơn - phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp, nhấn mạnh điểm yếu từ trước đến nay mà các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải là những lô hàng đầu tiên có chất lượng rất tốt nhưng lại gặp khó khăn khi đảm bảo chất lượng ổn định, đồng đều. Do vậy, các doanh nghiệp cần không ngừng kiểm soát chất lượng để đảm bảo uy tín và đảm bảo thị phần lâu dài của mình.

Bởi lẽ EU và Pháp kiểm soát rất chặt tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường và có thể áp lệnh hạn chế nhập khẩu khi phát hiện các sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định.

Trong thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Thương vụ Pháp đã tích cực tham gia triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020." Một loạt các hoạt động quảng bá, giới thiệu trực tiếp nông sản Việt Nam trong các hệ thống siêu thị, phân phối và trong các chợ đầu mối, bán sỉ cũng như những hoạt động kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp đã được Thương vụ tổ chức.

Nhiều dư địa xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Pháp ảnh 2Gian hàng hoa quả sấy khô của Việt Nam tại Hội chợ quốc tế nông nghiệp 2022 (SIA 2022) ở thủ đô Paris. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Các hoạt động này đã tạo tiền đề để các nhà nhập khẩu bán sỉ gia tăng đơn hàng nhập khẩu hàng Việt Nam và người tiêu dùng Pháp được biết đến nhiều hơn về nông sản Việt Nam.

Đặc biệt, trong khuôn khổ các Chương trình kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải và nông sản do Bộ Công Thương phối hợp với các tỉnh tổ chức, Thương vụ Pháp đã cùng với Cục Xúc tiến thương mại chọn lọc những doanh nghiệp có sản phẩm tốt, có năng lực cung ứng và kết nối thành công với những đối tác nhập khẩu quan trọng, đưa trái vải Việt Nam chính thức quay lại thị trường Pháp.

Thời gian tới, Thương vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước đẩy mạnh khâu quảng bá hình ảnh nông sản Việt Nam, đặc biệt chú trọng tới các hoạt động như: tổ chức Tuần hàng Việt Nam; các chương trình ẩm thực nông sản Việt; tăng cường tuyên truyền hình ảnh nông sản Việt Nam thông qua các ấn phẩm, tờ rơi trực tiếp tới người tiêu dùng…

Bên cạnh đó, Thương vụ còn xây dựng mạng lưới đối tác là những nhà nhập khẩu, hệ thống siêu thị đồ châu Á tại Pháp; giới thiệu và đề xuất các kênh phân phối tại Pháp tham quan, tìm hiểu tình hình sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, hướng tới mục đích kêu gọi đầu tư vào vùng trồng chất lượng, dây chuyền xử lý và bảo quản, bao bì, chú trọng cập nhật sự thay đổi về chính sách, nhu cầu của thị trường một cách liên tục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục