Những vấn đề đằng sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên

Dư luận đặt câu hỏi, tại sao Triều Tiên lại thử tên lửa vào lúc này? Đây chỉ là một hành động khiêu khích và đe dọa hay là để khẳng định lập trường phải thừa nhận Bình Nhưỡng là cường quốc hạt nhân?
Triều Tiên thử nghiệm hệ thống tên lửa phóng từ tàu hỏa ngày 15/9/2021. (Ảnh: KCNA/TTXVN)
Triều Tiên thử nghiệm hệ thống tên lửa phóng từ tàu hỏa ngày 15/9/2021. (Ảnh: KCNA/TTXVN)

Theo AP, carnegieendowment.org và RFI,  sau nhiều tháng im ắng, hạn chế phô trương hoạt động quân sự để tập trung vào đối phó với đại dịch COVID-19, Triều Tiên lại khiến cộng đồng quốc tế xôn xao với tuyên bố đưa ra ngày 13/9 cho biết nước này đã thử thành công một loại tên lửa hành trình tầm xa, và trên lý thuyết, có khả năng đánh trúng mục tiêu tại nhiều quốc gia trong khu vực.

Đây là hành động khiêu khích mới khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại.

Như thường lệ dư luận quốc tế lại đặt câu hỏi: Tại sao chế độ Bình Nhưỡng lại thử tên lửa vào lúc này? Đây chỉ là một hành động khiêu khích và đe dọa hay là để khẳng định lập trường Triều Tiên phải được thừa nhận là cường quốc hạt nhân?

Từ tháng Ba năm nay người ta không ghi nhận bất kỳ vụ thử vũ khí nào của Triều Tiên, trong bối cảnh Kim Jong-un tập trung các nỗ lực nhằm đối phó với dịch COVID-19 và chèo lái một nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, lũ lụt thiên tai suốt cả mùa Hè và các đường biên đóng cửa để ngăn dịch lây lan.

Theo AP, các chuyên gia cảnh báo rằng tình hình kinh tế tại Triều Tiên đang rất nghiêm trọng, dù các nhóm giám sát vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu cho thấy nạn đói xảy ra trên diện rộng hay bất ổn nào đáng chú ý.

Thông tin về vụ thử tên lửa hồi đầu tuần được công bố chỉ một ngày trước thời điểm đại diện đặc biệt về Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhà ngoại giao Sung Kim, có cuộc gặp với các nhà đồng cấp tại Hàn Quốc và Nhật Bản để thảo luận về tình trạng ngoại giao bế tắc với Triều Tiên.

Nằm trong tính toán

Đài RFI nhận định rằng như thường lệ, các hoạt động quân sự mang tính chất khiêu khích đều được tiến hành trong tính toán của chế độ Bình Nhưỡng, nhất là khi xét đến thời điểm được công bố.

Giới quan sát đều nhận thấy sự “khiêu khích” của Bình Nhưỡng lần này có chừng mực vì đó không phải loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn vươn tới nước Mỹ.

Theo chuyên gia về hạt nhân và bán đảo Triều Tiên Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp (FRS), “những vụ bắn thử tên lửa này là rất đáng lo ngại, cho dù đó không phải là tên lửa liên lục địa, thì đó là mối đe dọa trực tiếp đối với Hàn Quốc và Nhật Bản.”

Đó cũng là hai nước mà Mỹ có đặt các căn cứ quân sự với hàng chục nghìn binh sĩ đồn trú thường trực.

RFI cho rằng “Bình Nhưỡng đã khôn khéo tính toán cho hành động khiêu khích của mình. Tên lửa vừa bắn thử là loại tên lửa hành trình, không phải là loại tên lửa đạn đạo thuộc diện bị cấm theo các nghị quyết của Liên hợp quốc, nhưng độ nguy hiểm thì không kém vì có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân loại nhỏ.”

Tên lửa được thử thành công có tầm bắn 1.500km, chủ yếu nhắm vào Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong một thông cáo phát đi ngày 12/9, Lầu Năm Góc đánh giá “hoạt động này càng cho thấy Triều Tiên vẫn phát triển liên tục chương trình hạt nhân đe dọa các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.”

Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cho biết đang theo sát tình hình cùng các đồng minh và rằng các hoạt động của Triều Tiên phản ánh thực tế là quốc gia này vẫn tiếp tục tập trung vào việc phát triển chương trình quân sự và mối đe dọa đối với các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế.

Quân đội Hàn Quốc cũng đang phân tích các thông tin xung quanh vụ phóng dựa vào thông tin tình báo từ Mỹ và Hàn Quốc.

Một tuần trước khi thử tên lửa, Triều Tiên gây sự chú ý với giới quan sát khi đưa ra những tín hiệu thay đổi theo chiều hướng tích cực, dù chỉ là bên ngoài.

Để chào mừng ngày Quốc khánh, lần thứ ba trong năm Bình Nhưỡng tiến hành duyệt binh, song lần này không có màn phô trương sức mạnh quân sự của các cỗ xe quân sự hay những mẫu tên lửa đồ sộ mà thay vào đó là các máy cày, máy kéo nông nghiệp và xe cứu hộ, cứu thương.

Diễn văn của lãnh đạo Triều Tiên cũng vắng các ngôn từ hiếu chiến đe dọa, công kích các thế lực vẫn bị chế độ Cộng sản này coi là thù nghịch, đặc biệt là Mỹ.

Giữa khủng hoảng y tế vì dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm khó khăn kinh tế, dường như Triều Tiên cũng muốn được sự quan tâm chú ý của cộng đồng quốc tế.

Trong khi Mỹ và các đồng minh nỗ lực để nối lại đàm phán về hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, Bình Nhưỡng muốn đánh tiếng khẳng định Triều Tiên đã và vẫn là một cường quốc vũ khí hạt nhân, đó là một thực tế phải được tính đến trong các cuộc thương lượng trong tương lai.

Không thể chủ quan

Theo hãng tin AP, Kim Jong-un không xuất hiện tại các cuộc thử nghiệm. KCNA đưa tin cho biết quan chức quân sự hàng đầu của nước này Pak Jong-chon đã giám sát các vụ phóng và kêu gọi các nhà khoa học quốc phòng Triều Tiên “nỗ lực hết sức mình” để nâng cao năng lực quân sự cho đất nước.

Kim Yo-jong, người em gái quyền lực của Kim Jong-un hồi tháng trước từng bóng gió nói rằng Triều Tiên sẵn sàng khôi phục các cuộc thử nghiệm vũ khí, đồng thời ra tuyên bố chỉ trích Mỹ và Hàn Quốc vì tiếp tục các cuộc tập trận chung, điều mà bà cho là “biểu hiện rõ ràng nhất cho chính sách thù địch của Mỹ.”

[Mỹ lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vi phạm nghị quyết LHQ]

Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, các cuộc thử nghiệm đã thành công: ít nhất một trong số các tên lửa thử nghiệm đã bay được hơn hai giờ và di chuyển được khoảng 1.500km (khoảng 930 dặm).

Học viện Khoa học Quốc phòng Quốc gia cho rằng Triều Tiên đã cho thử nghiệm một động cơ phản lực cánh quạt mới được phát triển nhằm cung cấp năng lượng cho tên lửa hành trình.

Không giống như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình được thiết kế để di chuyển trong bầu khí quyển của Trái Đất và sử dụng động cơ khí động học trong phần lớn thời gian bay của chúng.

Những vấn đề đằng sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên ảnh 1Triều Tiên tuyên bố thực hiện thành công các vụ phóng tên lửa hành trình tầm xa (ảnh) và tên lửa từ tàu hỏa, nhằm tăng khả năng ứng phó với hành động tấn công đe dọa đất nước. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Hầu hết các tên lửa hành trình đều sử dụng một thiết bị đẩy rắn và nhỏ, cho phép chúng đạt đủ độ cao và tốc độ để vận hành ổn áp.

Về quỹ đạo bay, tên lửa hành trình khá giống máy bay không người lái, song vận hành rất khác so với các tên lửa đạn đạo điển hình.

Ví dụ, tên lửa hành trình hoạt động ở tầm thấp hơn tên lửa đạn đạo, có nghĩa là các nhà phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa có thể cần phải định hướng lại các cảm biến, bao gồm cả radar, để phát hiện và theo dõi đường bay của các tên lửa này.

Nhiều tên lửa của Triều Tiên được thử nghiệm trong những năm gần đây đã thể hiện những đặc điểm như vậy khiến việc phòng thủ tên lửa trở nên khó khăn hơn.

Theo trang mạng của Quỹ Carnegie, nhìn vào những diễn biến vừa qua và việc Triều Tiên công khai tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, thể hiện rõ quyết tâm tiếp diễn chương trình tên lửa, đòi hỏi giới hoạch định chính sách Mỹ phải lưu tâm tới 3 vấn đề.

Thứ nhất, dù các nghị quyết hiện có của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm Triều Tiên phát triển và thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), Mỹ và các đồng minh nên đặt ra tiền lệ và diễn giải nghị quyết này theo hướng làm rõ rằng tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân cũng nằm trong các danh mục bị cấm.

Thứ hai, chính quyền Biden cần tiếp tục nỗ lực để giải quyết các thách thức xung quanh khả năng phát triển hạt nhân của Triều Tiên bằng con đường ngoại giao.

Trong khi Triều Tiên tiếp tục bác bỏ các động thái hướng đến các cuộc gặp mang tính thăm dò và vô điều kiện của chính quyền Biden, Mỹ vẫn nên làm rõ những lựa chọn có thể đưa lên bàn đàm phán nếu Triều Tiên tuân theo những hạn chế có thể kiểm chứng được đối với việc phát triển và thử nghiệm các hệ thống tên lửa mới, bên cạnh các nhượng bộ khác từ Bình Nhưỡng.

Thứ ba, việc Triều Tiên phiên chế tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân cho các lực lượng vũ trang sẽ đặt ra những thách thức mới cho các liên minh của Mỹ trong khu vực.

Mỹ cần tham vấn Seoul và Tokyo về tác động từ các năng lực mới của Bình Nhưỡng để có sự chuẩn bị về mặt quân sự cho liên minh, và kiểm soát tình hình trên bán đảo Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục