Ninh Thuận: Chuyển mình bứt phá, hướng đến phát triển năng động

Kinh nghiệm, bản lĩnh và thành quả có được trong chặng đường 30 năm đầy gian khó sẽ giúp cho Ninh Thuận tiếp tục có thêm động lực, khí thế và tầm nhìn chiến lược mới.
Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm chuyển mình phát triển mạnh mẽ sau 30 năm đổi mới. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm chuyển mình phát triển mạnh mẽ sau 30 năm đổi mới. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ngay từ khi tái lập, Ninh Thuận là tỉnh nghèo của cả nước và gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng, vượt qua mọi thử thách, cùng nỗ lực phấn đấu để chuyển mình phát triển; qua đó đã đạt được nhiều thành tựu to lớn đáng tự hào.

Quyết tâm vượt khó

Tại kỳ họp thứ 10 ngày 26/12/1991, Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập với 4 huyện, thị xã là Phan Rang - Tháp Chàm và Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: Khi mới tái lập, tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức như tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ cấp tỉnh mới hình thành chưa đồng bộ, vừa thiếu lại vừa yếu; xuất phát điểm nền kinh tế quá thấp, phát triển chưa vững chắc, chưa đồng đều giữa đồng bằng với miền núi và chưa ổn định trong sản xuất; cơ sở hạ tầng kỹ thuật của tỉnh còn nghèo nàn, lạc hậu.

Là tỉnh thuần nông nhưng quanh năm Ninh Thuận luôn đối mặt với khô hạn, hồ đập kênh mương thủy lợi chưa được đầu tư. Các ngành công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ bé, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Nguồn thu ngân sách không đủ chi, nguồn lực tích lũy từ dân cư thấp, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Trung ương, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cùng với điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng của công cuộc đổi mới, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã mang lại nhiều cơ hội cho xây dựng và phát triển Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, trong những ngày đầu xây dựng tỉnh mới, Ninh Thuận đã quyết tâm thi đua, phát huy truyền thống đoàn kết, nắm bắt thời cơ, vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn địa phương. Trong đó, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đi trước mở đường, các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, đề ra nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn cho từng giai đoạn phát triển và đã đưa tỉnh đi lên một cách vững chắc.

Chuyển mình bứt phá

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, chặng đường 10 năm đầu tái lập (từ năm 1992-2000) là thời kỳ tỉnh phải đối diện với nhiều thử thách, tập trung khắc phục khó khăn, định hình hướng đi, cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ để xây dựng và kiến thiết tỉnh.

Bước vào thập niên đầu của thế kỷ XXI (2001-2010), tỉnh Ninh Thuận thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; qua đó đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá và tương đối toàn diện, quy mô nền kinh tế năm 2010 đạt 8.833 tỷ đồng, tăng gấp 5,7 lần so với năm 2000, tăng bình quân 8,31%/năm.

Ninh Thuận: Chuyển mình bứt phá, hướng đến phát triển năng động ảnh 1Lĩnh vực năng lượng tái tạo phát triển và có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Mười năm trở lại đây, Ninh Thuận đã nâng tầm vị thế, phát triển toàn diện theo hướng nhanh, bền vững cùng chiến lược, quy hoạch, tư duy mới. Đặc biệt, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 đã tạo cú hích, biến những khó khăn, thách thức của tỉnh thành tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư, nhất là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết, trong ba năm gần đây, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng tỉnh Ninh Thuận vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GRDP thuộc nhóm đứng đầu cả nước, đứng thứ 4 trong số 63 tỉnh, thành phố.

[Tỉnh Ninh Thuận nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi biển]

Đến cuối năm 2021, GRDP bình quân đầu người trong tỉnh đạt 68,4 triệu đồng/người, gấp gần 50 lần so với năm 1992 (1,37 triệu đồng/người), rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước của tỉnh duy trì ở mức tăng cao, tăng từ 33,3 tỷ đồng năm 1992 lên 4.343 tỷ đồng vào năm 2021, tăng trên 130 lần, bình quân tăng 19%/năm. Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 67,8 tỷ đồng năm 1992 lên 29.920 tỷ đồng năm 2021, tăng 441 lần, bình quân tăng 23,4%/năm.

Trải qua chặng đường phát triển, diện mạo của tỉnh Ninh Thuận đã thay đổi nhanh chóng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng được tập trung đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, đồng bộ; hình thành nhiều khu đô thị, tạo không gian, diện mạo mới. Đến nay, Ninh Thuận đã có 7 huyện, thành phố; trong đó thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã được công nhận đô thị loại II vào năm 2015; Ninh Phước và Ninh Hải được công nhận là hai huyện nông thôn mới.

Từ một tỉnh có cơ sở hạ tầng yếu kém, đến nay Ninh Thuận đã có cảng biển, đường sắt, đường bộ, hệ thống thủy lợi; hình thành và đang trở thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Ngành du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều điểm du lịch đang được quy hoạch thành khu du lịch quốc gia. Các khu, cụm công nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, thu hút nhiều dự án đầu tư. Các vùng kinh tế động lực được hình thành ngày càng rõ nét.

Song song với quá trình phát triển, tỉnh Ninh Thuận luôn chú trọng và quan tâm chăm lo phát triển con người, công tác an sinh xã hội... Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ gần 28,1% (những năm đầu tái lập tỉnh) xuống còn 4,56%. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được tập trung nguồn lực đầu tư; nhiều chỉ số về phúc lợi xã hội nổi trội so với mặt bằng chung của cả nước; qua đó ngày càng tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ và chính quyền tỉnh.

Đồng thời, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quốc phòng-an ninh, đối ngoại của tỉnh đều đạt được những kết quả toàn diện, tạo sự thống nhất cao về ý chí, hành động. Sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, dân chủ được phát huy, quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm.

Hướng đến phát triển năng động

Trong giai đoạn 2021-2030, Ninh Thuận đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,84%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 200 triệu đồng; kinh tế biển chiếm từ 45-46% GRDP; kinh tế đô thị chiếm 70% GRDP. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và thủy sản chiếm 18-19% vào năm 2025 và 12-13% vào năm 2030. Công nghiệp-xây dựng chiếm 42-43% vào năm 2025 và chiếm 47-48% vào năm 2030. Các ngành dịch vụ chiếm 39-40% vào năm 2025 và chiếm 40-41% vào năm 2030 trên tổng GRDP của tỉnh.

Ninh Thuận: Chuyển mình bứt phá, hướng đến phát triển năng động ảnh 2Ninh Thuận phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản tại các địa phương vùng biển. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện các giải pháp, biện pháp duy trì, cải thiện các chỉ số PCI, SIPAS, PAPI, PAR-INDEX của tỉnh. Ninh Thuận hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng, nhất là năng lượng, năng lượng tái tạo, du lịch đẳng cấp cao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế đô thị, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông đa mục tiêu, có tính kết nối cao, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển, nhất là các ngành, lĩnh vực, vùng động lực. Tỉnh ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển, thủy lợi, đô thị, khu cụm công nghiệp, truyền tải điện, thông tin số, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ông Trần Quốc Nam, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hoàn thành đường nối từ cao tốc Bắc-Nam với Quốc lộ 1A và Cảng biển tổng hợp Cà Ná; hệ thống kết nối, liên thông các hồ chứa, cảng biển tổng hợp Cà Ná; dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná; dự án Cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics...

Ninh Thuận tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, đột phá. Đồng thời, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện, có nét đặc sắc riêng, nhất là văn hóa của đồng bào Raglai, Chăm; thực hiện tốt các chính sách xã hội, giải quyết việc làm, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững.

Kinh nghiệm, bản lĩnh và thành quả có được trong chặng đường 30 năm đầy gian khó sẽ giúp cho Ninh Thuận tiếp tục có thêm động lực, khí thế và tầm nhìn chiến lược mới; qua đó sớm hiện thực được mục tiêu đề ra đưa tỉnh tiếp tục phát triển trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục