Nợ quốc gia trên toàn cầu có thể tăng tới 45%

Tổng nợ quốc gia toàn cầu có thể tăng tới 45% trong giai đoạn 2007-2010, lên 49.000 tỷ USD do các nước phải đối phó với khủng hoảng.
Theo ước tính sơ bộ của hãng xếp hạng tín dụng hàng đầu Moody's, tổng nợ quốc gia trên toàn cầu có thể tăng tới 45% trong giai đoạn 2007-2010, lên 49.000 tỷ USD.

Nguyên nhân của tình trạng này là do các chính phủ đã và đang chi mạnh tay để đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế được coi là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi đầu những năm 1930.

Trong một tuyên bố đưa ra tuần trước, nhà phân tích Jaime Reusche của Moody's nhận xét: "Các tính toán sơ bộ cho thấy tổng nợ quốc gia của thế giới sẽ tăng 45%, tương đương 15.300 tỷ USD (10.200 tỷ euro) trong giai đoạn từ năm 2007 tới 2010".

Theo ông, con số này gấp hơn 100 lần so với chi phí (đã được điều chỉnh theo lạm phát) cho Kế hoạch Marshall - một chương trình đầu tư khổng lồ do Mỹ triển khai để khôi phục nền kinh tế châu Âu sau Thế chiến thứ hai.

Theo ông Reusche, khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào khu vực tăng trưởng âm trong năm 2009, gánh nặng nợ nần sẽ trở nên khó có thể chịu đựng được hơn.

Báo cáo của Moody's ước tính tổng nợ toàn cầu sẽ chạm mức hơn 49.000 tỷ USD vào năm 2010, với G7 sẽ chiếm hơn 3/4 mức tăng trên, trong bối cảnh nền tài chính của các nước thành viên nhóm này bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái.

Một vài nền kinh tế chủ chốt, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Đức, đã trỗi dậy từ suy thoái trong những tháng gần đây, song giới quan sát đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ đối với đà phục hồi này, chủ yếu do nợ ngày càng chồng chất giữa lúc các chính phủ phải chi nhiều để giải quyết khủng hoảng kinh tế.

Moody's cho rằng khi các chính phủ trên thế giới đương đầu với món nợ khổng lồ trong nỗ lực xoa dịu những hiệu ứng của suy thoái kinh tế, tỷ lệ nợ toàn cầu trên GDP sẽ tăng từ mức 63% GDP năm 2008 lên lên 80% GDP vào năm 2010./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục