Nobel Kinh tế: Động lực dẫn đến lệch giới trong thị trường lao động

Giáo sư Goldin đã chứng minh sự tham gia của Nữ giới vào thị trường lao động không có xu hướng gia tăng trong suốt thời gian 200 năm qua, mà thay vào đó theo mô hình chữ U.
Nobel Kinh tế: Động lực dẫn đến lệch giới trong thị trường lao động ảnh 1Lễ công bố Công trình Nghiên cứu đoạt giải Nobel Kinh tế 2023 của Nhà kinh tế học người Mỹ Claudia Goldin tại Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ở Stockholm, ngày 9/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chiều 9/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố Giải Nobel Kinh tế 2023 thuộc về Giáo sư người Mỹ Claudia Goldin vì nỗ lực của bà trong việc nâng cao hiểu biết về những đóng góp của Nữ giới cho thị trường lao động.

Công trình Nghiên cứu của Giáo sư Goldin đã phát hiện những động lực chính dẫn đến sự chênh lệch giới trong thị trường lao động. Thông qua nghiên cứu của mình, bà đã đưa ra báo cáo toàn diện đầu tiên về thu nhập cũng như quá trình tham gia vào thị trường lao động của Nữ giới trong nhiều thế kỷ qua.

Nghiên cứu của Giáo sư Goldin đã vạch ra các nguyên nhân của những thay đổi và nguyên nhân chính dẫn đến khoảng cách giới.

Ông Jakob Svensson, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế, nhấn mạnh hiểu được vai trò của phụ nữ trong thị trường lao động có ý nghĩa quan trọng đối với toàn xã hội. Theo ông, nhờ nghiên cứu mang tính đột phá của Giáo sư Goldin, thế giới đã hiểu nhiều hơn về các yếu tố cơ bản và những rào cản có thể cần phải giải quyết trong tương lai.

Nghiên cứu dựa trên dữ liệu tại Mỹ trong 200 năm qua, qua đó cho phép Giáo sư Goldin chứng minh cách thức và lý do dẫn tới sự thay đổi theo thời gian về thu nhập và việc làm của Nam giới và Nữ giới.

Bà đã chứng minh sự tham gia của Nữ giới vào thị trường lao động không có xu hướng gia tăng trong suốt thời gian này, mà thay vào đó theo mô hình chữ U. Đặc biệt, sự hiện diện trong thị trường lao động của phụ nữ sau khi họ lập gia đình lại giảm khi thế giới bước vào quá trình chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp vào đầu thế kỷ 19.

[Giải thưởng Nobel Kinh tế tôn vinh nghiên cứu về vai trò của nữ giới]

Tuy nhiên, sau đó, sự phát triển của ngành dịch vụ vào đầu thế kỷ 20 đã thúc đẩy tăng tỷ lệ nữ giới trong thị trường lao động. Giáo sư Goldin giải thích mô hình này là kết quả của sự thay đổi cơ cấu và các chuẩn mực xã hội ngày càng phát triển liên quan đến trách nhiệm của phụ nữ trong gia đình.

Trước đó, Giáo sư Goldin được đánh giá là một trong số những ứng cử viên sáng giá cho Giải Nobel Kinh tế năm nay. Bà hiện làm việc tại Đại học Harvard (Mỹ), là chuyên gia về lịch sử lao động và kinh tế.

Với giải thưởng năm nay, Giáo sư Goldin là Nhà Nữ khoa học thứ 3 được trao Giải Nobel Kinh tế. Trước đó, đã có 2 tác giả nữ được nhận giải thưởng cao quý này là Elinor Ostrom (năm 2009) và Esther Duflo (năm 2019). Giáo sư Goldin sẽ được nhận phần thưởng trị giá 11 triệu crown Thụy Điển (986.000 USD).

Có tên gọi đầy đủ là Giải thưởng của Ngân hàng Sveriges Riksbank dành cho Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel, Giải Nobel Kinh tế không nằm trong hệ thống 5 Giải Nobel được lập theo di nguyện của Nhà khoa học người Thụy Điển này vào năm 1895. Đây là giải thưởng do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển sáng lập và tài trợ bắt đầu từ năm 1968 để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng này và cũng để tưởng nhớ Alfred Nobel.

Từ năm 1969 tới năm 2022, đã có 54 Giải Nobel Kinh tế được trao cho 92 cá nhân. Người trẻ tuổi nhất từng đoạt giải thưởng danh giá này là bà Esther Duflo (khi đó 46 tuổi), trong khi người cao tuổi nhất từng được vinh danh là Nhà kinh tế học Leonid Hurwicz (ở tuổi 90)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục