Cứ gần ngày Tết Độc lập, dòng người từ khắp nơi trên cả nước đổ về Ba Đình ngày một đông. Hòa vào dòng người tấp nập là những lão nông miệt rừng, bà má miền sông nước Nam Bộ tóc bạc trắng, lưng trĩu nặng thời gian nhưng khuôn mặt luôn tươi tắn lấp lánh lạ kỳ.
Với họ, 65 năm rồi nhưng ký ức vẫn còn nguyên vẹn như mới ngày hôm qua. Những con người đi qua hai thế kỷ lại hướng về lăng Bác, trái tim cả nước, với lòng mến thương và cảm thức trong trẻo trong tiết thu Hà Nội.
Khoảnh khắc thiêng liêng
Đã thành thông lệ, cứ dịp cuối tuần, quảng trường Ba Đình người đông như hội. Vườn cỏ và sân trước lăng Bác nhộn nhịp người đứng. Nắng sớm lên. Khuôn viên mướt cây lá sát bên quảng trường Ba Đình cũng rộn ràng tiếng chân người.
5 giờ 45 phút, đứng dưới ánh hừng đông của ngày mới, bà má Nam Bộ cứ hướng ánh mắt già nua về phía cột cờ. Năm nay đã 82 tuổi, trải qua nửa thế kỷ trong bom đạn, gương mặt má đã hằn sâu những vết gấp của thời gian. Má Sáu bảo, những năm trước mỗi độ thu về, mặc dù không ra được với Thủ đô nhưng lòng má lại xôn xao những cảm thức lạ kỳ.
Từ phía lăng, tiếng nhạc quân hành đã nổi lên từ những bộ loa lớn gắn trên hàng đèn điện chạy dọc quảng trường. Ba phía sân trước lăng đã tề tựu những đoàn người đứng nghiêm trang hướng về không gian phía trước. Hòa mình vào dòng người ấy, má Sáu thấy mình như trẻ lại.
Tiếng kèn, nhạc mỗi lúc một hối hả hơn. Từ phía sau lăng Bác, đội danh dự trong lễ phục màu trắng bồng súng tiến về phía kỳ đài theo nhịp trống khua. Nhìn người lính bưng ngang ngực lá cờ đỏ, má Sáu im lặng. Toàn bộ thân hình đã gần bị thời gian đè cong xuống giờ cứ cố vươn thẳng lên. Không gian quanh má như ngưng đọng.
Cả một bầu không gian xanh như ngọc bích vẫn tràn ngập tiếng nhạc trầm hùng. Mỗi lúc, lá quốc kỳ được kéo lên một chút, mắt má Sáu lại hướng dần lên cao. Quốc ca kết thúc. Lá cờ đỏ đã cuồn cuộn bay trên đỉnh cao. Má Sáu vẫn cứ ngó trân trân, tay giữ chặt trên lồng ngực.
Bỏm bẻm nhai trầu, má bảo để ra Thủ đô dịp này gia đình má đã thu xếp trước đấy hàng tháng. Ở độ tuổi gần đất xa trời, tâm nguyện cuối cùng trong cuộc đời má là được đứng ở Ba Đình dự lễ thượng cờ và vào lăng viếng Bác.
“Lúc đầu, lũ chúng cũng ngăn ghê lắm. Nhưng tui bảo, đây là tâm nguyện cuối cùng của tui, chúng cũng phải cho,” má vừa cười vừa nói.
Má bảo, thật ra, má muốn ra Bắc thăm Bác lâu lắm rồi, từ những ngày chồng má ra Bắc tập kết. Ngày ấy, má vừa đào hầm, vừa nuôi sắp nhỏ lớn lên mà lòng vẫn không nguôi niềm khát khao ra Hà Nội. “Vừa là để biết nơi chồng đã sống, vừa để thăm Bác và đồng bào miền Bắc” như lời má bảo.
Nhưng, phải đến tận bây giờ, má mới có dịp thực hiện ước mơ nhỏ ấy. Đứng trước sân Lăng thênh thang gió, má Sáu bảo rằng như được sống lại những cảm xúc ngọt ngào năm xưa ước ao một lần được đặt chân ra Thủ đô.
Tết Độc lập từ ngã ba biên giới đến lòng Thủ đô
Mấy ngày trước Tết Độc lập của cả nước, chúng tôi bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại từ tận Cực Tây xa xôi. Bí thư của cái xã tận cùng khó, tận cùng sâu miền rừng A Pa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), Pờ Dần Xinh ngỏ ý muốn được hưởng ngày Tết đặc biệt này ngay tại Thủ đô.
Chỉ mấy ngày sau cuộc điện thoại, lão nông người Hà Nhì ấy đã khăn gói xuống Thủ đô thật. Ngay khi vừa “chạm ngõ” Hà Nội, lão đã nằng nặc bắt chúng tôi đưa thẳng về Lăng Bác. Gạt mồ hôi đầm đìa trên gương mặt xạm đen vì nắng, Pờ Dần Xinh bảo, mọi năm, lão vẫn có thói quen tự tổ chức Tết độc lập cho cả bản Hà Nhì miền Cực Tây.
Bản Tả Khố Khừ ngày này vui như tết, ông lão lại cùng dân bản xắn tay giết bò, mổ lợn chia thịt cho mọi người. Không khí huyên náo lan tỏa khắp mọi nơi. Nhìn lá cờ đỏ rực phần phật đầu bản, lòng lão lại dậy lên những cảm thức thiêng liêng nhất về đất nước.
Lão say mê kể về những lần đi cùng bộ đội biên phòng dọc ngã ba biên giới, thuộc từng lối mòn, ngọn núi, góc rừng nơi chóp cùng Tổ quốc ấy. Lão cũng không quên niềm tự hào khi cứ đến ngày Độc lập, lại có rất nhiều anh em từ Bắc chí Nam cũng lên chung vui cùng người Hà Nhì.
Ngất ngây trong hơi rượu rừng, lão không hề giấu diếm với những vị khách đường xa niềm khao khát được về Thủ đô đúng ngày Độc lập.
Và năm nay, Pờ Dần Xinh đã tạm bỏ bản, bỏ núi rừng lại sau lưng để lên đường về trái tim cả nước. Nhìn lão vẫn tráng kiện như những ngày còn ở bản.
Gương mặt già nua của lão Xinh tươi tắn lạ kỳ khi kể với chúng tôi dự định về những ngày ở lại Thủ đô. Ông lão bảo, nhất định phải vào lăng viếng Bác và dự lễ Thượng cờ trong sáng 2/9 này.
“Mọi năm, anh em dưới xuôi đã lên bản cùng chung vui. Năm nay, tôi sẽ xuống núi, đi thăm Bác rồi vào tận mũi Cà Mau nhận đồng bào,” lão nông Hà Nhì tráng kiện cười lớn bảo.
Nhìn vào gương mặt rắn rỏi của lão, nhìn vào niềm vui đang ánh lên ở trong đó, chúng tôi chợt nghĩ, lão đã mang theo cả Tết Độc lập từ tận ngã ba biên giới xa xôi về Thủ đô chung vui với đồng bào cả nước.
Hòa lẫn vào dòng người đổ về lăng Bác ngày một đông khi sắp tới ngày quốc khánh, chúng tôi cũng bắt gặp người cha, người mẹ tay dắt con trang nghiêm lẫn trong dòng người vào viếng lăng.
Anh Nguyễn Thanh Hùng, quê Thạch Thất, Hà Nội muốn tranh thủ những ngày trước khai giảng đưa con vào thăm lăng để tạo động lực cho cháu bước vào năm học mới. Anh Hùng chia sẻ, cách dạy con tốt nhất là đến các di tích để nói với con về những điều lớn lao trong cuộc đời hướng đến.
Và năm nay, trước khi bé Nguyễn Thanh Hưng bước vào cấp trung học cơ sở anh chọn lăng Bác là điểm đến. Với anh, Lăng Bác cũng chính là địa điểm thiêng liêng nhất, nơi con anh có thể học được rất nhiều điều về tình yêu Tổ Quốc.
Dòng người càng đến gần cửa lăng càng trở nên tĩnh lặng và nghiêm trang hơn. Hàng trăm người con, trẻ có, già cũng có thành kính thăm lại nơi vị cha già yên giấc. Bên ngoài, cuộc sống vẫn ồn ào những dòng xe hối hả./.
Với họ, 65 năm rồi nhưng ký ức vẫn còn nguyên vẹn như mới ngày hôm qua. Những con người đi qua hai thế kỷ lại hướng về lăng Bác, trái tim cả nước, với lòng mến thương và cảm thức trong trẻo trong tiết thu Hà Nội.
Khoảnh khắc thiêng liêng
Đã thành thông lệ, cứ dịp cuối tuần, quảng trường Ba Đình người đông như hội. Vườn cỏ và sân trước lăng Bác nhộn nhịp người đứng. Nắng sớm lên. Khuôn viên mướt cây lá sát bên quảng trường Ba Đình cũng rộn ràng tiếng chân người.
5 giờ 45 phút, đứng dưới ánh hừng đông của ngày mới, bà má Nam Bộ cứ hướng ánh mắt già nua về phía cột cờ. Năm nay đã 82 tuổi, trải qua nửa thế kỷ trong bom đạn, gương mặt má đã hằn sâu những vết gấp của thời gian. Má Sáu bảo, những năm trước mỗi độ thu về, mặc dù không ra được với Thủ đô nhưng lòng má lại xôn xao những cảm thức lạ kỳ.
Từ phía lăng, tiếng nhạc quân hành đã nổi lên từ những bộ loa lớn gắn trên hàng đèn điện chạy dọc quảng trường. Ba phía sân trước lăng đã tề tựu những đoàn người đứng nghiêm trang hướng về không gian phía trước. Hòa mình vào dòng người ấy, má Sáu thấy mình như trẻ lại.
Tiếng kèn, nhạc mỗi lúc một hối hả hơn. Từ phía sau lăng Bác, đội danh dự trong lễ phục màu trắng bồng súng tiến về phía kỳ đài theo nhịp trống khua. Nhìn người lính bưng ngang ngực lá cờ đỏ, má Sáu im lặng. Toàn bộ thân hình đã gần bị thời gian đè cong xuống giờ cứ cố vươn thẳng lên. Không gian quanh má như ngưng đọng.
Cả một bầu không gian xanh như ngọc bích vẫn tràn ngập tiếng nhạc trầm hùng. Mỗi lúc, lá quốc kỳ được kéo lên một chút, mắt má Sáu lại hướng dần lên cao. Quốc ca kết thúc. Lá cờ đỏ đã cuồn cuộn bay trên đỉnh cao. Má Sáu vẫn cứ ngó trân trân, tay giữ chặt trên lồng ngực.
Bỏm bẻm nhai trầu, má bảo để ra Thủ đô dịp này gia đình má đã thu xếp trước đấy hàng tháng. Ở độ tuổi gần đất xa trời, tâm nguyện cuối cùng trong cuộc đời má là được đứng ở Ba Đình dự lễ thượng cờ và vào lăng viếng Bác.
“Lúc đầu, lũ chúng cũng ngăn ghê lắm. Nhưng tui bảo, đây là tâm nguyện cuối cùng của tui, chúng cũng phải cho,” má vừa cười vừa nói.
Má bảo, thật ra, má muốn ra Bắc thăm Bác lâu lắm rồi, từ những ngày chồng má ra Bắc tập kết. Ngày ấy, má vừa đào hầm, vừa nuôi sắp nhỏ lớn lên mà lòng vẫn không nguôi niềm khát khao ra Hà Nội. “Vừa là để biết nơi chồng đã sống, vừa để thăm Bác và đồng bào miền Bắc” như lời má bảo.
Nhưng, phải đến tận bây giờ, má mới có dịp thực hiện ước mơ nhỏ ấy. Đứng trước sân Lăng thênh thang gió, má Sáu bảo rằng như được sống lại những cảm xúc ngọt ngào năm xưa ước ao một lần được đặt chân ra Thủ đô.
Tết Độc lập từ ngã ba biên giới đến lòng Thủ đô
Mấy ngày trước Tết Độc lập của cả nước, chúng tôi bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại từ tận Cực Tây xa xôi. Bí thư của cái xã tận cùng khó, tận cùng sâu miền rừng A Pa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), Pờ Dần Xinh ngỏ ý muốn được hưởng ngày Tết đặc biệt này ngay tại Thủ đô.
Chỉ mấy ngày sau cuộc điện thoại, lão nông người Hà Nhì ấy đã khăn gói xuống Thủ đô thật. Ngay khi vừa “chạm ngõ” Hà Nội, lão đã nằng nặc bắt chúng tôi đưa thẳng về Lăng Bác. Gạt mồ hôi đầm đìa trên gương mặt xạm đen vì nắng, Pờ Dần Xinh bảo, mọi năm, lão vẫn có thói quen tự tổ chức Tết độc lập cho cả bản Hà Nhì miền Cực Tây.
Bản Tả Khố Khừ ngày này vui như tết, ông lão lại cùng dân bản xắn tay giết bò, mổ lợn chia thịt cho mọi người. Không khí huyên náo lan tỏa khắp mọi nơi. Nhìn lá cờ đỏ rực phần phật đầu bản, lòng lão lại dậy lên những cảm thức thiêng liêng nhất về đất nước.
Lão say mê kể về những lần đi cùng bộ đội biên phòng dọc ngã ba biên giới, thuộc từng lối mòn, ngọn núi, góc rừng nơi chóp cùng Tổ quốc ấy. Lão cũng không quên niềm tự hào khi cứ đến ngày Độc lập, lại có rất nhiều anh em từ Bắc chí Nam cũng lên chung vui cùng người Hà Nhì.
Ngất ngây trong hơi rượu rừng, lão không hề giấu diếm với những vị khách đường xa niềm khao khát được về Thủ đô đúng ngày Độc lập.
Và năm nay, Pờ Dần Xinh đã tạm bỏ bản, bỏ núi rừng lại sau lưng để lên đường về trái tim cả nước. Nhìn lão vẫn tráng kiện như những ngày còn ở bản.
Gương mặt già nua của lão Xinh tươi tắn lạ kỳ khi kể với chúng tôi dự định về những ngày ở lại Thủ đô. Ông lão bảo, nhất định phải vào lăng viếng Bác và dự lễ Thượng cờ trong sáng 2/9 này.
“Mọi năm, anh em dưới xuôi đã lên bản cùng chung vui. Năm nay, tôi sẽ xuống núi, đi thăm Bác rồi vào tận mũi Cà Mau nhận đồng bào,” lão nông Hà Nhì tráng kiện cười lớn bảo.
Nhìn vào gương mặt rắn rỏi của lão, nhìn vào niềm vui đang ánh lên ở trong đó, chúng tôi chợt nghĩ, lão đã mang theo cả Tết Độc lập từ tận ngã ba biên giới xa xôi về Thủ đô chung vui với đồng bào cả nước.
Hòa lẫn vào dòng người đổ về lăng Bác ngày một đông khi sắp tới ngày quốc khánh, chúng tôi cũng bắt gặp người cha, người mẹ tay dắt con trang nghiêm lẫn trong dòng người vào viếng lăng.
Anh Nguyễn Thanh Hùng, quê Thạch Thất, Hà Nội muốn tranh thủ những ngày trước khai giảng đưa con vào thăm lăng để tạo động lực cho cháu bước vào năm học mới. Anh Hùng chia sẻ, cách dạy con tốt nhất là đến các di tích để nói với con về những điều lớn lao trong cuộc đời hướng đến.
Và năm nay, trước khi bé Nguyễn Thanh Hưng bước vào cấp trung học cơ sở anh chọn lăng Bác là điểm đến. Với anh, Lăng Bác cũng chính là địa điểm thiêng liêng nhất, nơi con anh có thể học được rất nhiều điều về tình yêu Tổ Quốc.
Dòng người càng đến gần cửa lăng càng trở nên tĩnh lặng và nghiêm trang hơn. Hàng trăm người con, trẻ có, già cũng có thành kính thăm lại nơi vị cha già yên giấc. Bên ngoài, cuộc sống vẫn ồn ào những dòng xe hối hả./.
Sơn Bách-Thông Chí (Vietnam+)