Với hơn 500 món ăn truyền thống trong ẩm thực của người Việt, món nộm, hay còn được gọi là gỏi trong phương ngữ miền Nam, là một trong những món ăn phổ biến nhất.
Nộm là tên gọi chung cho các món rau trộn, với cách chế biến gia vị và nguyên liệu rất linh động và sáng tạo tùy vào khẩu vị của từng vùng miền. Đó là lý do giải thích vì sao ở Việt Nam, món nộm có mặt ở khắp mọi miền từ Nam ra Bắc dọc theo chiều dài đất nước.
Sự xuất hiện của món nộm cũng rất đặc biệt. Người ta có thể nhìn thấy món nộm trên bàn tiệc sang trọng của giới thương gia, chính khách nhưng cũng lại có thể nhìn thấy món nộm trong mâm cơm đạm bạc của người nghèo.
Nộm trở thành món ăn ngang hàng, bình đẳng với các món đặc sản cao cấp khác. Và trở thành một món ăn được mọi tầng lớp, từ giới thượng lưu đến những người dân lam lũ chốn thôn quê đều biết và đều thích.
[Cá linh mùa nước nổi - "món quà" cho người dân miền Tây]
Đến mỗi vùng đất, nộm lại được làm từ nguyên liệu có sẵn với sự sáng tạo kỳ diệu của người dân địa phương đó. Món nộm vì thế mang đặc trưng văn hóa và khẩu vị của các vùng miền khiến nó càng thêm phong phú, đa dạng.
Ngoài những món nộm phổ biến đã ăn sâu vào văn hóa ẩm thực và tồn tại “vĩnh cửu” qua những lớp bụi thời gian, với tính chất sáng tạo không ngừng, nộm vẫn luôn được người yêu ẩm thực Việt không ngừng tô điểm thêm trong khẩu vị và nguyên liệu để phù hợp với sự giao thoa về văn hóa và ẩm thực trong tiến trình hội nhập.
Nộm lườn vịt xông khói là một trong những minh chứng đó. Đó là sự kết hợp giữa món nộm truyền thống, sáng tạo trong nguyên liệu và cách chế biến xông khói của phương Tây.
Lườn vịt được hun đượm khói tới khi chín mềm, thái miếng mỏng và to bản, trộn với húng chó, hành tây, cải tím, rau muống chẻ.
Sau đó, là khâu pha chế nước mắm tỏi, ớt, dấm, chanh, đường cho nổi vị chua ngọt thanh thanh để nêm vào nguyên liệu rồi trộn đều. Cuối cùng là đậu phộng rang thơm, giã rối rắc lên trên cùng.
Thế là đã có một đĩa nộm lườn vịt xông khói khó cưỡng. Nộm, vì thế, không chỉ là món ăn đơn thuần góp phần trong bữa cơm của người Việt, mà hơn hết, đó còn là món ăn mang tâm hồn, văn hóa Việt với một sức sống trường tồn và sáng tạo./.
Bài: Vy Thảo
Ảnh: Trần Thanh Giang