Novavax thử nghiệm vaccine '2 trong 1' ngừa bệnh cúm và COVID-19

Việc kết hợp công dụng ngừa bệnh cúm và COVID-19 của vaccine sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn, đồng thời giúp giảm tác dụng phụ, thay vì phải tiêm hai mũi vaccine riêng rẽ như hiện nay.
Novavax thử nghiệm vaccine '2 trong 1' ngừa bệnh cúm và COVID-19 ảnh 1Nhà khoa học nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 tại phòng thí nghiệm của Novavax ở Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, công ty dược phẩm Novavax vừa bắt đầu quá trình thử nghiệm giai đoạn 2 đối với vaccine ngừa cúm kết hợp ngừa bệnh COVID-19 tại Australia và New Zealand, hứa hẹn sớm mang đến một loại vaccine “2 trong 1” thế hệ mới, mà mọi người có thể sử dụng để tiêm nhắc lại hằng năm.

Khoảng 1.500 người đã đăng ký tham gia tại 25 địa điểm thử nghiệm ở Australia và 9 địa điểm ở New Zealand. Thử nghiệm được thực hiện trong tháng 12/2022.

Phó Chủ tịch điều hành của Novavax, ông John Trizzino, cho biết việc kết hợp công dụng ngừa bệnh cúm và COVID-19 của vaccine sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn, đồng thời giúp giảm tác dụng phụ, thay vì phải tiêm hai mũi vaccine riêng rẽ như hiện nay.

[Novavax chấm dứt thỏa thuận cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho GAVI]

Sau khi thử nghiệm giai đoạn 2 thành công, Novavax sẽ cần tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 nữa trước khi nộp đơn xin phê duyệt lên Cơ quan Quản lý dược phẩm Australia (TGA) để đưa vaccine kết hợp ngừa cúm và COVID -19 (CIC) vào chương trình tiêm chủng quốc gia, cung cấp vaccine miễn phí cho tất cả những người Australia đủ điều kiện.

Phó Chủ tịch Trizzino cho biết kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 dự kiến sẽ được công bố vào giữa năm 2023 và thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ được lên kế hoạch vào cuối năm 2023, triển khai tại nhiều địa điểm trên thế giới, nơi có tỷ lệ cúm và có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 tương đối cao.

Thời gian sớm nhất để vaccine tung ra thị trường là vào mùa Xuân năm 2025 (từ tháng 9-11/2025).

Vaccine CIC của Novavax được tạo ra bằng công nghệ hạt nano, có chứa protein gai của virus SARS-CoV-2 và một loại protein tương tự của virus cúm.

Hai loại protein này được bọc trong tá dược Matrix-M, có tác dụng kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Giáo sư Tony Cunningham, bác sỹ chuyên về bệnh truyền nhiễm và đồng thời là nhà virus học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu virus tại Đại học Sydney (Australia), cho biết nếu các kết quả thử nghiệm lâm sàng được đánh giá là có hiệu quả và được các cơ quan quản lý chấp thuận, việc đưa vaccine CIC vào lưu hành rộng rãi sẽ tăng diện “phủ sóng” của vaccine.

Lần thử nghiệm giai đoạn 1 của vaccine CIC được Novavax thông báo vào tháng 10/2002 với sự tham gia của 642 người Australia khỏe mạnh, trong độ tuổi 50-70.

Kết quả cho thấy vaccine kết hợp ngừa cúm và COVID-19 có khả năng dung nạp tốt và tạo ra phản ứng miễn dịch, bao gồm cả phản ứng kháng thể và tế bào T chống lại virus gây ra bệnh COVID-19 và nhiều chủng cúm khác.

Hiệu quả loại vaccine kết hợp này tương đương với hiệu quả của 2 loại vaccine độc lập ngừa cúm và ngừa COVID-19 của Novavax.

Phó Chủ tịch Trizzino giải thích thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vaccine sẽ tập trung vào việc xem xét liều lượng tối ưu cho cả hai thành phần ngừa cúm và COVID-19 có trong vaccine và đảm bảo rằng cả hai loại này đều phối hợp tốt với nhau.

Hiện một số công ty dược phẩm lớn trên thế giới đang nghiên cứu phát triển vaccine mới kết hợp ngừa bệnh cúm và COVID-19. Cho đến nay, ứng cử viên vaccine tiềm năng nhất là Novavax./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục