“Nước Anh toàn cầu”: Vị trí ở đâu trên bản đồ thế giới?

Theo những cách khác nhau, việc rút quân khỏi Kabul và câu chuyện sữa lắc của McDonalds phơi bày sự ảo tưởng của "nước Anh toàn cầu."
“Nước Anh toàn cầu”: Vị trí ở đâu trên bản đồ thế giới? ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng của Trung tâm Nghiên cứu Carnegie Europe cho rằng ảo tưởng của Anh về mối quan hệ đặc biệt với Mỹ cũng như về một Brexit đã tan vỡ. Sự bất lực của chính phủ Thủ tướng Boris Johnson khiến nước Anh không thể xác định được vai trò mới của mình trên thế giới.

Bất cứ ai có một chút nhân tính cũng không thể đánh đồng sự kiện kinh hoàng ở Kabul với việc McDonalds hết sữa lắc. Tuy nhiên, trong các chương trình tin tức gần đây của Anh, những câu chuyện về tình trạng thiếu một chút lương thực trong nước đã thu hút sự chú ý của người xem như tình cảnh tuyệt vọng của các gia đình cách đó 4.000 dặm.

Theo những cách rất khác nhau, cả hai câu chuyện đều đặt ra sự cấp thiết mới cho một câu hỏi cũ. Đó là Washington đã quay lưng lại với London và London đã quay lưng lại với Brussels: đâu là vị trí của Anh trên thế giới?

Trong những năm gần đây, câu trả lời thường dựa trên hai ảo tưởng mà chính phủ của Boris Johnson đã chiến đấu để duy trì rằng Anh thực sự có mối quan hệ đặc biệt với Mỹ và Brexit sẽ nâng cao sự thịnh vượng trong nước và ảnh hưởng của Anh ở nước ngoài.

Boris Johnson đã tổng hợp hai ý nghĩ mơ hồ này thành chính sách đầy tham vọng mà ông gọi là “Nước Anh toàn cầu.” Theo những cách khác nhau, việc rút quân khỏi Kabul và câu chuyện sữa lắc của McDonalds phơi bày sự ảo tưởng của "nước Anh toàn cầu."

Thuật ngữ này đã trở thành mục tiêu chế giễu, giống như "Con đường thứ ba" của Tony Blair cách đây 20 năm và "Xã hội lớn" của David Cameron 10 năm trước. Công bằng mà nói, cả hai thuật ngữ đó đều có một ý tưởng đáng giá: Tony Blair tìm cách gạt bỏ cuộc đấu tranh lâu đời giữa “cánh tả” và “cánh hữu,” trong khi Cameron muốn mở rộng vai trò của hành động cộng đồng trong đời sống quốc gia.

[Liên minh châu Âu và Anh bất đồng về chi phí dàn xếp ly hôn]

Đối với những khẩu hiệu như vậy, thách thức là phải bám rễ và giành được sự tôn trọng trước khi những người chỉ trích nhấn chìm nó trong sự chế giễu. Blair và Cameron đã thất bại còn Boris Johnson đang trên con đường theo bước họ.

Kết cục ở Afghanistan xảy ra như một cú sốc kép: tốc độ mà Taliban giành quyền kiểm soát đất nước cùng với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra các quyết định quan trọng mà không tham khảo ý kiến các đồng minh.

Anh không phải là nước duy nhất bị gạt ra ngoài. Tuy nhiên, Anh tuyên bố là một trong những nước sở hữu ngành tình báo và ngoại giao tốt nhất thế giới, đồng thời có “mối quan hệ đặc biệt” với Mỹ. Trong những tuần gần đây, cả hai yếu tố này đều không ngăn được sự bẽ mặt.

Thời điểm tồi tệ nhất của Johnson đã đến khi ông triệu tập một cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo G7 để thống nhất hướng giải quyết vấn đề Afghanistan. Mục tiêu chính và được công khai rõ ràng của Boris Johnson là thuyết phục Biden gia hạn thời hạn rút quân ra sau ngày 31/8/2021. Biden thẳng thừng từ chối.

Vấn đề không phải là sự cự tuyệt này thể hiện sự thay đổi đột ngột trong thái độ của Mỹ đối với các đồng minh: điều đó không xảy ra. Thay vào đó, vấn đề là sự khước từ này gây ngạc nhiên cho một vị thủ tướng, người luôn ảo tưởng rằng London có quyền tiếp cận "độc nhất vô nhị" với các hành lang quyền lực của Washington.

Đối với McDonalds và những câu chuyện khác về tình trạng thiếu lương thực ở Anh: cho đến nay, không có cuộc khủng hoảng nào thực sự xảy ra. Đúng là một số nhà hàng đồ ăn nhanh đã đóng cửa vì thiếu gà, nhưng vẫn có sẵn nhiều đồ ăn.

Tuy nhiên, khoảng trống trên các kệ hàng ở siêu thị ngày càng lớn khi số lượng tài xế xe tải giảm. Người dân bắt đầu trở nên gắt gỏng và mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn. Có tin đồn rằng cùng với việc ngày càng có nhiều vấn đề với nguồn cung cấp thực phẩm, gà tây sẽ thiếu hụt vào dịp Giáng sinh năm nay.

Có nhiều lý do đằng sau những câu chuyện này, ít nhất là tác động của đại dịch COVID-19 đối với cuộc sống và công việc của người dân. Nhiều công dân Liên minh châu Âu (EU) lái xe tải ra vào nước Anh cũng như hoạt động ở trong nước đã trở về quê hương của họ. Lực lượng lao động người EU đến Anh hàng năm theo mùa vụ để làm việc trong các trang trại và vườn cây ăn trái của Anh đã không đến trong năm nay.

Tuy nhiên, phần lớn sự thiếu hụt lao động này là hệ quả của Brexit. Khi quyền tự do đi lại chấm dứt, người lao động EU đến Anh cần những công việc nằm trong danh sách các ngành nghề quan trọng.

Danh sách này không bao gồm tài xế xe tải. Các lãnh đạo doanh nghiệp của Anh muốn chính phủ nới lỏng các quy định song cho đến nay, các bộ trưởng Anh đã thẳng thừng từ chối.

Những căng thẳng chính trị mà vấn đề trên gây ra cùng với các vấn đề khác của Brexit đang bắt đầu bộc lộ. Hôm 29/8, tờ Mail - vốn thường có quan điểm ủng hộ chính phủ - đã đăng bài viết của Archie Norman, Chủ tịch hệ thống bán lẻ Marks&Spencer đồng thời là một cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ hàng đầu, trong đó than phiền rằng cùng với sự thiếu hụt tài xế xe tải, các thủ tục rườm ra đang bóp nghẹt hoạt động xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm với EU thời hậu Brexit.

Bài xã luận chính của tờ báo này đã ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Norman. Ông Norman cũng chỉ trích các quy định lỗi thời của EU. Sự thật phũ phàng hơn là Anh đã chọn Brexit mà không đánh giá hết hậu quả của quyết định này.

Với tất cả những điều nói trên, nước Anh hiện nay nên có vị trí như thế nào trên thế giới? Bất cứ ai mong đợi một câu trả lời đầy đủ sẽ thất vọng. Tuy nhiên, một điểm khởi đầu tốt để thảo luận về một con đường phía trước là một bài viết thấu đáo gần đây của William Hague trên tờ The Times.

Hague là Ngoại trưởng Anh từ năm 2010-2014. Ông từng là lãnh đạo đảng Bảo thủ và hiện là một ứng viên cho chức Tổng thư ký NATO.

Khi hoàn toàn phủ nhận khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa ủng hộ Brexit trong đảng của mình cũng như đúc rút những bài học về Afghanistan, William Hague lập luận rằng Anh nên hợp tác chặt chẽ với các nước khác để tìm ra một học thuyết rõ ràng về can dự quốc tế.

Ông kết luận: “Đối với các nền dân chủ phương Tây, quan điểm đúng đắn là sẵn sàng can thiệp khi an ninh của chính chúng ta hoặc nhân loại chung đòi hỏi. Điều đó có nghĩa là phải duy trì các lực lượng vũ trang được trang bị cho hành động như vậy, nhưng điều này cũng đòi hỏi sức mạnh chính trị lâu dài để khiến tất cả những kẻ thù địch với các quốc gia tự do phải sợ hãi với những gì chúng ta có thể làm.”

Trong thực tế, ý niệm mơ hồ về vai trò của nước Anh trong tương lai có ý nghĩa gì? William Hague đưa ra một ví dụ cụ thể: “Nạn cướp biển bắt đầu hoành hành ở Ấn Độ Dương đã bị đánh bại bởi một lực lượng quân sự quốc tế, có sự phối hợp với các nước châu Phi và có trụ sở chính tại Anh.”

Khá đúng. Một thập kỷ trước, cướp biển là một vấn đề nghiêm trọng, làm gián đoạn một trong những tuyến đường vận tài biển chính của thế giới. Chúng ta không còn nghe về vấn đề này nhờ sự thành công của Chiến dịch Atalanta.

Nếu coi đây là khuôn mẫu cho hành động quốc tế trong tương lai, thì William Hague đã bỏ qua hai sự thật đáng nói. Đầu tiên là Chiến dịch Atalanta do EU thiết lập và điều hành.

Thứ hai, chiến dịch này vẫn đang hoạt động song vai trò của Anh đang giảm dần. Kể từ Brexit, trụ sở điều hành chiến dịch Atalanta đã được chuyển đến Tây Ban Nha. Đây chỉ là một ví dụ về cách “Nước Anh toàn cầu” đang hoạt động trong thực tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục