Nước thu nhập thấp đối phó tốt với khủng hoảng

Theo IMF, thu nhập bình quân đầu người tại 2/3 trong số 64 nước thu nhập thấp vẫn tăng và tốc độ tăng trưởng kinh tế đã cao hơn.
Kết quả khảo sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đối với 64 nước thu nhập thấp ở các khu vực Tiểu sa mạc Sahara (châu Phi), Trung Đông, châu Âu, châu Á, Mỹ Latinh và Caribe cho thấy, thu nhập bình quân theo đầu người tại 2/3 trong số này vẫn tăng và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều so với các nước giàu hơn.

Nhà kinh tế lãnh đạo nhóm khảo sát trên, Stefania Fabrizio nhận định kết quả tích cực của các nước thu nhập thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua là nhờ chính sách tài chính hợp lý, giúp họ duy trì lạm phát thấp, thâm hụt tài khoản vãng lai và tài chính đều được quản lý tốt, dự trữ ngoại tệ cao và nợ thấp hơn so với các cuộc khủng hoảng trước đây.

Những lợi thế này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nước thu nhập thấp ổn định tài chính và tăng chi tiêu trong khủng hoảng. Đây là thay đổi đáng hoan nghênh so với xu hướng siết chặt chính sách tài chính trong các cuộc khủng hoảng trước đây.

Bên cạnh đó, chính sách tài chính tốt cũng giúp các nước thu nhập thấp giữ vững được khoản chi quan trọng, chủ yếu dành cho lĩnh vực xã hội và cơ sở hạ tầng, góp phần giảm tác động tiêu cực của khủng hoảng đối với tăng trưởng kinh tế và người nghèo.

Tuy nhiên, nghiên cứu của IMF nhấn mạnh hỗ trợ tài chính tăng cao của IMF cũng có vai trò rất quan trọng giúp các nước thu nhập thấp vượt qua khủng hoảng.

IMF đã cung cấp 5 tỷ USD tín dụng cho các nước này với nhiều ưu đãi kể từ đầu năm ngoái, gấp bốn lần so với mức trung bình trong các cuộc khủng hoảng trước đây.

Theo IMF, kinh tế của các nước thu nhập thấp phục hồi nhanh một phần nhờ sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Song, các nước này vẫn đang đứng trước thách thức lớn là khôi phục không gian tài chính và xây dựng lại quỹ dự trữ, nhưng không được giảm nhu cầu tăng chi tiêu, để thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Khảo sát của IMF cho thấy, khoảng 50% trong số 64 nước được khảo sát có thể vượt qua được một cơn sốc kinh tế khác mà không cần hạn chế việc tăng chi tiêu hoặc chỉ phải điều chỉnh rất ít./.

Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục