Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết nền kinh tế toàn cầu đang cho thấy sự phục hồi nhanh chóng hơn so với dự báo đưa ra cách đây vài tháng, nhờ những tín hiệu lạc quan từ Trung Quốc và Mỹ.
OECD cho biết tăng trưởng kinh tế thế giới đang trên đà giảm 4,5% trong năm nay - mức chưa từng có trong lịch sử gần đây. Tuy nhiên, đây vẫn là một dấu hiệu tích cực khi trong dự báo đưa ra hồi tháng Sáu vừa qua, mức giảm này là 6%.
Báo cáo của tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp) cho biết nếu đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nằm trong tầm kiểm soát, nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 5% trong năm 2021, giảm đôi chút so với mức dự báo 5,2% đưa ra hồi tháng Sáu vừa qua.
Tuy nhiên, trong trường hợp dịch COVID-19 tái bùng phát khiến chính phủ các nước buộc phải tái áp đặt các lệnh hạn chế, tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021 có thể sụt giảm 2-3% so với mức dự báo.
Theo OECD, các dự báo của tổ chức này được xây dựng dựa trên giả định rằng dịch COVID-19 vẫn bùng phát lẻ tẻ tại một số địa phương ở các nước và các biện pháp hạn chế xã hội sẽ được áp đặt ở cấp địa phương, chứ không ban bố rộng khắp trên phạm vi toàn quốc gia.
[IMF cảnh báo cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu "còn lâu mới kết thúc"]
OECD cũng cho rằng vắcxin phòng COVID-19 sẽ không thể được phổ biến rộng rãi ở thời điểm cuối 2021.
OECD đánh giá các biện pháp và chính sách của chính phủ, cũng như các ngân hàng trung ương nhằm hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình và doanh nghiệp đã giúp ngăn chặn tình trạng suy thoái diễn biến tồi tệ hơn.
Theo OECD, triển vọng tươi sáng về tăng trưởng kinh tế cũng sẽ không đồng đều trong các nền kinh tế lớn. Cụ thể, kinh tế Mỹ, Trung Quốc và châu Âu sẽ có phần khởi sắc hơn so với các nền kinh tế khác như Ấn Độ, Mexico và Nam Phi, do cuộc chiến chống COVID-19 tại mỗi nước ở mức độ khác nhau./.