Sáng nay, 26/7, tại Nhà Quốc hội, với sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội khóa XV Vương Đình Huệ, Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo kết quả kiểm phiếu, với 484/484 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 96,99% đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 (từ tháng 4/2021) giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Quốc hội tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ
Cũng trong sáng nay, Quốc hội sẽ thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ.
Trong phiên họp chiều nay, Quốc hội sẽ báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ.
Dự kiến đến 14 giờ 40 phút, Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ nhậm chức./.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, quê quán Quảng Nam, là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, XIV, XV. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng trải qua nhiều vị trí công tác tại Quảng Nam-Đà Nẵng và Trung ương: Là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam các khóa VIII, IX; Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam khóa VI, VII; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Phó Chủ nhiệm Thường trực, Phó Bí thư Đảng ủy rồi Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 vào tháng 4/2021. |