Phải chăng đã đến lúc điều chỉnh liên minh Mỹ-Hàn Quốc?

Việc Mỹ quyết định đặt vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng với Hàn Quốc lên hàng đầu cho thấy sự cần thiết của việc mở rộng đối thoại giữa họ và cân nhắc những điều chỉnh quan hệ đối tác quốc phòng.
Phải chăng đã đến lúc điều chỉnh liên minh Mỹ-Hàn Quốc? ảnh 1Binh sỹ Hàn Quốc và Mỹ tham gia cuộc tập trận chung tại Pohang, Hàn Quốc, ngày 6/7/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin Hàn Quốc là một trong những đối tác trung thành nhất của Mỹ.

Tuy nhiên, điều này không giúp Seoul được Wahington ưu ái  - đặc biệt phải kể đến những yêu cầu mà Mỹ đặt ra cho Hàn Quốc trong các cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí hiện nay.

Mối quan hệ liên minh giữa Hàn Quốc và Mỹ đôi khi vấp phải những căng thẳng là điều bình thường.

Tuy nhiên, việc Washington quyết định đặt vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng giữa Hàn Quốc và Mỹ lên hàng đầu cho thấy sự cần thiết của hai nước trong việc mở rộng đối thoại giữa họ và cân nhắc những điều chỉnh toàn diện với mối quan hệ đối tác quốc phòng.

[Hàn-Mỹ điều chỉnh tập trận chung vì chính sách về Triều Tiên]

Hai bên nên cân nhắc cách thức có thể khiến liên minh tạo điều kiện tốt hơn cho khả năng Hàn Quốc hợp tác với Trung Quốc, một nhân tố không thể thiếu trong vấn đề an ninh liên Triều, trong việc giải quyết một cách hòa bình những chia rẽ trên bán đảo Triều Tiên.

Sự chia rẽ chính trị tại khu vực này không mang lại lợi ích cho bất cứ nước nào, bởi nó chỉ kéo dài thêm "bóng ma" bạo lực dai dẳng và làm suy yếu những cơ hội cho sự hợp tác kinh tế, chẳng hạn như Chính sách phương Bắc Mới của Hàn Quốc.

Washington bề ngoài có vẻ hy vọng bán đảo Triều Tiên sẽ thống nhất và hòa bình, song sự khác biệt tiềm tàng giữa nỗ lực tái thống nhất của Hàn Quốc với những lợi ích của Mỹ trong việc kiềm chế quân đội Triều Tiên đã dần hé lộ từ trước cả khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chìa tay ra với Bình Nhưỡng.

Việc áp đặt mức chia sẻ trách nhiệm lớn hơn về quốc phòng của Hàn Quốc lên vai Seoul có thể khiến vai trò của Mỹ trong vấn đề an ninh Hàn Quốc sẽ giảm đi.

Nó còn có thể giúp Hàn Quốc trở thành nhân tố dẫn dắt các hành động răn đe quân đội Triều Tiên và thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn cần phải duy trì trách nhiệm kiềm chế các năng lực đặc biệt của Bình Nhưỡng trong một liên minh đã được điều chỉnh.

Đây nên là một trong những bổn phận quốc phòng then chốt của Washington đối với Hàn Quốc cho đến khi nào tất cả các bên nhất trí về một sự đáp trả với các năng lực hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy nhiên, nếu so về quân sự, Hàn Quốc hiện có một lực lượng quân đội toàn thời gian với 58.000 lính, cùng với hơn 3 triệu quân dự bị và sở hữu một sự vượt trội về công nghệ với Triều Tiên.

Hàn Quốc cơ bản có thể dựa vào sức mạnh răn đe của bản thân để đối phó với mối đe dọa truyền thống mà Triều Tiên đặt ra, từ đó giảm bớt nhu cầu đối với việc Mỹ triển khai 28.500 lính trên bán đảo Triều Tiên.

Sự tiếp tục hiện diện của các binh lính Mỹ tại Hàn Quốc khiến Trung Quốc tiếp tục coi Triều Tiên là một vùng đệm.

Việc giảm số lượng lính Mỹ triển khai ở Hàn Quốc có thể giúp mở ra một cánh cửa cho sự hợp tác chính sách lớn hơn giữa Trung Quốc và Hàn Quốc trong nỗ lực tái thống nhất một cách hòa bình bán đảo này.

Trung Quốc có thể chấp nhận sự thống nhất dưới sự lãnh đạo của chính phủ Hàn Quốc nếu nó diễn ra một cách hòa bình và không phải bằng một sự đối phó với một sự kiện bất ngờ tại Triều Tiên - một quan điểm hoàn toàn không phù hợp với các lợi ích của Mỹ.

Mỹ có vẻ đang hăng hái tái định hình mối quan hệ quốc phòng của mình với Hàn Quốc, khiến bản thân rơi vào chính sách ngăn chặn của Trung Quốc.

Một lý do then chốt cho sự bất mãn của Washington với ý muốn rút khỏi Thỏa thuận Thông tin An ninh Quân sự Chung với Nhật Bản của Seoul vào cuối năm 2019 chính là vị thế yếu kém của Mỹ trong đối phó với Trung Quốc mà sự rút lui này có thể gây ra.

Nỗ lực đặt mối liên minh Hàn-Mỹ lên tuyến đầu trong cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Bắc Kinh có thể sẽ làm sụp đổ những nỗ lực của Hàn Quốc nhằm hợp tác về an ninh với Trung Quốc.

Xét về sức ảnh hưởng vô song của Trung Quốc với Bình Nhưỡng và những lợi ích của họ trên Bán đảo Triều Tiên, Seoul sẽ phải hợp tác với Trung Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh trên bán đảo này.

Điều này được chứng minh qua sự tái xích lại gần nhau giữa hai bên sau một giai đoạn quan hệ đóng băng vì Mỹ triển khai hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn Cuối.

Việc Mỹ tiếp tục duy trì số lượng lớn binh lính ở Hàn Quốc sẽ khiến bất kỳ sự hợp tác nào giữa Trung Quốc và Hàn Quốc về vấn đề thống nhất sẽ gặp khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi.

Thay vì tập trung vào sự chia sẻ chi phí cho các hạt động triển khai ở Hàn Quốc, chính phủ Mỹ và Hàn Quốc nên tập trung giảm bớt những bổn phận quốc phòng của Mỹ với Seoul, để Seoul có thể hợp tác với cả Bắc Kinh lẫn Washington nhằm thiết lập một nền hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục