“Sự yếu kém của hệ thống giáo dục đào tạo trong việc cung cấp kiến thức, kỹ năng cho doanh nhân đã khiến cho nhiều người Việt Nam không có điều kiện để tự trang bị kiến thức và kỹ năng về kinh doanh.”
Đó là ý kiến đánh giá được đưa ra từ Báo cáo Chỉ số kinh doanh toàn cầu 2013 (GEM), dựa trên kết quả khảo sát 2.000 người trưởng thành và 36 chuyên gia và đây cũng là năm đầu tiên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đại diện cho Việt Nam tham gia nghiên cứu GEM.
Phát triển ở giai đoạn đầu
Theo kết quả nghiên cứu từ Báo cáo, trong khu vực châu Á, Việt Nam cùng Philipines, Ấn Độ là các quốc gia đang ở trong giai đoạn một - giai đoạn phát triển dựa trên yếu tố đầu vào. Trong khi đó các nước khác như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan ở vào giai đoạn 2 - Phát triển dựa trên hiệu quả và Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) đã ở giai đoạn 3 - Phát triển dựa trên đổi mới.
Những phát hiện từ GEM Việt Nam 2013 cho thấy, nhận thức về kinh doanh ở Việt Nam năm 2013, thấp hơn nhiều so với các nước cùng trình độ phát triển. Điều này được phản ánh thông qua tỷ lệ người nhận thấy cơ hội kinh doanh ở Việt Nam thấp, trong khi tỷ lệ người lo sợ thất bại khi kinh doanh lại rất cao.
Cụ thể, có 36,8% người trưởng thành ở Việt Nam nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh và 48,7% cho rằng có năng lực kinh doanh, song đáng nói hơn trong số đó chỉ có 24,1% người có ý định khởi sự kinh doanh trong vòng 3 năm tới. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình ở các nước phát triển ở giai đoạn đầu, lần lượt là 60,8%, 68,7% và 44,7%.
Tiến sỹ Lương Minh Huân, Trưởng nhóm nghiên cứu GEM Việt Nam, Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) phân tích, kết quả này bắt nguồn chủ yếu từ bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong những năm gần đây.
Tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới (năm 2008) đến nay vẫn ở mức thấp (dưới 6%/năm) cộng với sự bất ổn của thị trường tài chính đã khiến việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn trong những năm qua. Thực trạng trên đã khiến cho lòng tin vào kinh doanh ở Việt Nam bị tụt giảm đồng thời sự lo sợ về thất bại đã cản trở người Việt Nam tham gia vào kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Huân cũng chỉ ra một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ lo sợ thất bại khi kinh doanh của người Việt Nam cao là khả năng kinh doanh còn hạn chế, mà phải kể đến sự yếu kém của hệ thống giáo dục đào tạo, khiến cho nhiều người Việt Nam không có điều kiện trang bị kiến thức và kỹ năng về kinh doanh.
Cụ thể, trong năm 2013, cứ 100 người trưởng thành thì có 4 người thực hiện khởi sự kinh doanh, 12 người đang là chủ sở hữu và quản lý những hoạt động kinh doanh mới, có thời gian hoạt động dưới 3,5 năm và 16 người hiện đang là chủ sở hữu và quản lý các hoạt động kinh doanh đã phát triển được từ 3,5 năm trở lên (trong khi các nước cùng trình độ phát triển, các tỷ lệ này lần lượt là 10, 12 và 14 người).
Không quá 1% sử dụng công nghệ cao
Nghiên cứu cũng chỉ ra, các hoạt động kinh doanh chủ yếu là có quy mô siêu nhỏ, mang tính chất cá thể hoặc hộ kinh doanh và chủ yếu hướng đến phục vụ người tiêu dùng (73,5%). Các hoạt động trong lĩnh vực chế biến và phục vụ doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp.
Hơn nữa, các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đa phần không mang tính đổi mới và chủ yếu trong lĩnh vực sử dụng công nghệ thấp. Cụ thể, chỉ có không quá 1% các hoạt động kinh doanh (cả giai đoạn đầu hay đã phát triển) hoạt động trong lĩnh vực sử dụng công nghệ cao và trung bình, thấp hơn so với tỷ lệ bình quân ở các nước giai đoạn 1 là 1,38%.
Ở Việt Nam, chủ nhân hoạt động kinh doanh chủ yếu nhận được những lời khuyên, tư vấn từ bạn bè và gia đình. Các hoạt động kinh doanh ở giai đoạn đầu có đến 73,8% nhận được lời khuyên từ bạn bè; 59,7% nhận lời khuyên từ vợ, chồng; 55,3% nhận được lời khuyên từ các thành viên trong gia đình họ hàng và 52,7% nhận được lời khuyên từ bố mẹ.
Thậm chí, Báo cáo cũng cho thấy chủ nhân các hoạt động kinh doanh đã phát triển cũng tìm kiếm lời khuyên chủ yếu từ bốn nhóm người này.
Trong khi đó, những người làm kinh doanh này lại ít nhận được sự tư vấn, lời khuyên từ những người hay tổ chức có chuyên môn về hỗ trợ kinh doanh như dịch vụ tư vấn công cho doanh nghiệp, luật sư, kế toán, nhà đầu tư, ngân hàng hay một nhà nghiên cứu, sáng chế. Việc tìm kiếm lời khuyên từ những người trong giới kinh doanh như những bạn hàng, nhà cung cấp cũng rất hạn chế.
“Điều này cho thấy những người làm kinh doanh ở Việt Nam rất thiếu các nguồn cung cấp các thông tin tư vấn liên quan các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và thường phải tìm kiếm lời khuyên từ gia đình và bạn bè. Kết quả này cũng cho thấy phần nào sự thiếu hụt các dịch vụ phát triển kinh doanh ở Việt Nam hiện nay,” ông Huân nhấn mạnh.
Ngoài ra, tỷ lệ người trưởng thành từ bỏ hoạt động kinh doanh của mình trong vòng 12 tháng qua là 4,3% (trong đó có 2,5% hoạt động kinh doanh đã phải chấm dứt và 1,8% hoạt động kinh doanh được bán lại cho người khác vẫn tiếp tục hoạt động.) Các tỷ lệ này của Việt Nam đều thấp hơn nhiều so với mức bình quân của các nước ở cùng trình độ phát triển.
Kết quả trên phần nào cho thấy mức độ ổn định về kinh doanh ở Việt Nam cao hơn nhiều so với mức bình quân ở các nước phát triển ở giai đoạn 1.
Các lý do từ bỏ kinh doanh được nêu ra là kinh doanh không có lợi nhuận (15,3%), gặp vấn đề về tài chính (20%) và lý do cá nhân như sức khỏe hay liên quan đến gia đình (35,3%).
“Đây cũng chính là các lý do thường gặp nhất khiến người trưởng thành phải từ bỏ kinh doanh ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, có sự khác biệt nhỏ là tỷ lệ người phải từ bỏ kinh doanh vì không có lợi nhuận thường cao nhất ở các nước tham gia khảo sát năm 2013, bất kể trình độ phát triển kinh tế,” ông Huấn nói./.