"Dự thảo Luật Doanh nghiệp là bước tiến đột phá về thể chế"

"Dự thảo Luật Doanh nghiệp là bước tiến đột phá về thể chế nhằm khai thác hết tiềm năng của doanh nghiệp đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh quốc gia."
"Dự thảo Luật Doanh nghiệp là bước tiến đột phá về thể chế" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 24/7, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), trước đó đã được thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7, khóa XIII vừa qua và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8, khóa XIII tới đây.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, "Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là bước tiến đột phá về thể chế nhằm khai thác hết tiềm năng của doanh nghiệp đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh quốc gia."

Về bản chất của Dự thảo Luật, ông Cung nhấn mạnh, đây là việc chuyển đổi chế độ doanh nghiệp tự do kinh doanh những ngành nghề đã được đăng ký sang tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà luật pháp không cấm.

Ông Cung thẳng thắn nhìn nhận, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi-2005) đến nay đã phát sinh ra những hạn chế, bất cập với nhiều điều khoản chưa tương thích với thông lệ quốc tế, phù hợp với yêu cầu và cam kết hội nhập.

“Mười năm qua, quá trình thực hiện Luật đã chứng kiến sự gia tăng về mức độ của các yếu tố: không cụ thể, không rõ ràng, không hệ thống, không hợp lý, không minh bạch, không tiên liệu trước được, không hiệu quả và không hiệu lực.

Do đó, mục tiêu của Luật (sửa đổi) lần này là giảm những rủi ro thương mại, rủi ro pháp lý, chi phí tuân thủ đồng thời tăng cơ hội và giúp doanh khai thác hết tiềm năng,” ông Cung nhấn mạnh.

Hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo đều đồng tình và cho rằng Dự thảo Luật có rất nhiều đổi mới và đột phá, cải cách mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi đồng thời cụ thể hóa thực thi Hiến pháp.

Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều đại biểu giữ ý kiến, không nên dành riêng nội dung cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp xã hội như vậy chưa thể hiện được tính khách quan về tính bình đẳng trong kinh doanh của các thành phần kinh tế trong xã hội, hay như chế định công tác hậu kiểm cũng cần phải đưa vào trong Luật (sửa đổi)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục