Việc chỉ có một nhúm người mẫu da màu sải bước trên sàn catwalk tại tuần lễ thời trang Rio diễn ra trong tuần này đã làm dấy lên những lời kêu gọi mới về việc áp dụng định mức số lượng người mẫu xét theo chủng tộc, nhằm đảm bảo một sự đa dạng chủng tộc tốt hơn trong ngành này, tại một đất nước có hơn nửa dân số là người gốc Phi. Khoảng 24 thương hiệu thời trang đã phô diễn các thiết kế mới nhất của họ tại Hội chợ thời trang Rio de Janeiro mùa đông 2012, kéo dài từ thứ Tư tới thứ Bảy, và như mấy năm trước đây, đa phần người mẫu trình diễn trang phục đều là dân da trắng. Tuy nhiên Brazil, với quy mô dân số 190 triệu người, đang sở hữu một lượng dân là da màu lớn thứ hai thế giới, sau Nigeria. Các nhà tổ chức đã từng thẳng thừng từ chối giải quyết tình trạng thiếu sự đa dạng sắc tộc, vốn đã kéo dài rất lâu này. Họ cũng tuyên bố "hoàn toàn không có sự phân biệt chủng tộc," tại một ngành công nghiệp mà ai cũng biết rõ tiếng tăm của nó trong việc luôn thiên vị các tiêu chuẩn sắc đẹp theo góc nhìn từ châu Âu. Lần đầu tiên kể từ tháng 6/2009, Tuần lễ thời trang Sao Paulo (SPFW) - sự kiện thời trang số một tại khu vực Mỹ Latin - đã triển khai định mức chủng tộc, theo đó ít nhất 10% người mẫu thời trang phải là da màu hoặc người bản xứ. Sự thay đổi diễn ra sau những sức ép mạnh mẽ từ các nhóm hoạt động vì người da màu và từ phía các công tố viên Brazil, những người đã chỉ trích thái độ thiên vị kéo dài của SPFW, ngả về phía các người mẫu da trắng. Trước đó, chỉ một lượng rất nhỏ người mẫu da màu đã lọt vào danh sách 350 hoặc hơn các người mẫu sải bước trên sàn catwalk - một con số tương đương với chưa đầy 3%. "Thật không may, hồi năm 2010, một công tố viên theo đường lối bảo thủ đã gỡ bỏ định mức này" - cha David, một thầy tu dòng thánh Francisca, người lãnh đạo tổ chức phi chính phủ Educafro vận động cho quyền của người da màu và người bản địa trên thị trường lao động, cho biết. Những người cổ suý cho sự da dạng chủng tộc nói rằng các nhà tổ chức show diễn thời trang và các thương hiệu thời trang đã thường phớt lờ vấn đề định mức chủng tộc và nhấn mạnh rằng chỉ những quy định mang tính bắt buộc mới có thể mang tới sự thay đổi kéo dài. Cha David cho biết ông đã đâm đơn chống lại phán quyết dỡ bỏ quy định về định mức chủng tộc và phiên xử sẽ diễn ra vào ngày 15/1, khoảng 4 ngày trước khi diễn ra lễ khai mạc SPFW. Trong hoạt động giáo dục, Brazil hiện đã triển khai một định mức nhất định, trong đó tạo điều kiện cho những người da màu chịu thiệt thòi được vào đại học. "Người ta không thể phân biệt dân da màu ở Brazil, nơi có tới 51% dân số là người da màu hoặc lai trộn giữa các chủng tộc. Tôi nghĩ rằng hệ thống pháp luật cần phải phản ứng ngả về phía chúng tôi và quyết định này nên có tác động lan toả ra ngành thời trang trên toàn thế giới" - cha David nói. Luana Genot, 1 trong 8 người mẫu da màu nằm trong 200 người mẫu được 40° Models, công ty người mẫu chính của Rio tuyển dụng, đã hé lộ nhiều chi tiết về các trở ngại mà người mẫu da màu phải vượt qua.
Phần lớn số người mẫu dự tuần lễ thời trang Rio là da trắng (Nguồn: AFP)
"Họ chỉ gọi cho chúng tôi mỗi khi chủ đề của show trình diễn có liên quan tới văn hoá da màu" - cô người mẫu 23 tuổi, người hiện là sinh viên ngành quảng cáo ở Đại học Thiên chúa giáo Rio (PUC), cho biết. "Tôi thường phải nhận những câu kiểu như: Tôi phải làm thế nào với tóc của cô dây? Còn trang điểm nữa chữ, tôi luôn là người cuối cùng được trang điểm để họ không bị bẩn các chổi phấn, bởi phải dùng quá nhiều các tông màu tối". Tháng Sáu năm ngoái, trong tuần lễ mang tên Nhận thức về Da màu, Genot đã tổ chức một cuộc hội đàm với chủ đề "đạo đức đa dạng chủng tộc trong thời trang" ở PUC. "Chúng tôi luôn nghe ban tổ chức nói rằng các bộ sưu tập mùa đông là dành cho người mẫu da trắng tới từ châu Âu, hoặc mông của phụ nữ da màu quá to và hông họ thì quá rộng. Tôi rất sốc khi thấy Brazil, nơi có tới nửa dân số là hậu duệ của các nô lệ da đen, lại có quá ít không gian dành cho chúng tôi" - cô nói. "Dân số của Brazil có rất nhiều chủng tộc và điều này phải được phản ánh lại trong lĩnh vực thời trang" - Genot nói. "Các tuần lễ thời trang rất khắt nghiệt với những người mẫu Rio, những người có da tối hơn và tóc xoăn hơn" - người mẫu Sergio Mattos thuộc công ty 40° Models cho nhật báo O Globo biết. Bruna Loureiro, một người mẫu tóc vàng mắt xanh, cũng đã bị loại khỏi buổi trình diễn bởi da của cô "vàng quá", trong khi thương hiệu thời trang muốn người mẫu "có làn da trắng hơi xanh". Các tranh cãi về định mức chủng tộc thậm chí còn xuất hiện trong show truyền hình thực tế "Big Brother Brasil" phát trong đêm thứ Tư. Khi được hỏi về việc liệu có nên ban hành một định mức kể trên trong SPFW, Daniel Echaniz, một người mẫu chuyên nghiệp và là người da màu duy nhất trong số 12 người tham gia, nói rằng anh chống lại sự áp đặt định mức. Đây cũng là quan điểm của một nhóm thiểu số trong cộng đồng người da màu, các cá nhân đánh giá việc áp đặt định mức chỉ khiến "vấn đề chủng tộc trở nên trầm trọng hơn"./.
Gia Bảo (Vietnam+)