Phản ứng trái chiều về kế hoạch của ông Obama

Ông Obama nhấn mạnh, thông điệp mà ông gửi tới các lãnh đạo ngành tài chính là hãy cùng làm việc chứ không phải chống lại điều đó.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa kêu gọi áp dụng các quy định mới nghiêm ngặt hơn đối với các ngân hàng lớn của Mỹ, trong đó có J.P Morgan Chase và Goldman Sachs.

Việc làm trên nhằm hạn chế các ngân hàng này phình to thêm bằng việc hạn chế quy mô cũng như đầu tư hoặc vận hành các quỹ phòng tránh rủi ro hay bất kỳ công cụ đầu tư rủi ro nào khác vì lợi ích của chính họ.

Trong bài phát biểu tại Phòng Lễ tân Ngoại giao ở Nhà Trắng hôm 21/1, ông Obama khuyến cáo "thông điệp của tôi gửi tới các nhà lãnh đạo trong ngành tài chính là hãy cùng phối hợp chứ không phải chống lại chúng tôi".

Ông nói rằng "quyết tâm của tôi nhằm cải cách hệ thống này chỉ càng mạnh thêm khi chứng kiến sự trở lại của các lối hành xử cũ tại chính một số công ty đang chống lại cải cách và thái độ vô trách nhiệm của họ khiến cho cuộc cải cách càng trở nên cần thiết".

Trong khi đó, các nhà chức trách Mỹ ngày 22/1 đã phải đóng cửa thêm 5 ngân hàng, trong đó ngân hàng lớn nhất là Charter Bank có trụ sở tại bang New Mexico, nâng số ngân hàng bị đóng cửa trong ba tuần đầu của năm 2010 lên con số 9.

Vụ đổ vỡ này khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) bị giảm khoảng 532 triệu USD.

Sau khi Chủ tịch FDIC Sheila Bair cảnh báo các vụ rắc rối trong lĩnh vực thương mại sẽ tiếp tục khiến nhiều ngân hàng đổ vỡ trong năm 2010, giới chuyên gia dự đoán hơn 200 ngân hàng Mỹ có thể bị phá sản trong năm 2010, nâng tổng số tiền cứu trợ mà FDIC phải chi lên gấp 10 lần số tiền cứu trợ ngân hàng phá sản trong cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ trong thập niên 1980.

Còn theo các quan chức FDIC, số tiền chi cho bảo hiểm tiền gửi sẽ lên tới khoảng 100 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2013.

Những phản ứng trái chiều

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde cho rằng kế hoạch trên của ông Obama là một bước tiến rất tích cực.

Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng cảm thấy rất hài lòng và tin rằng thế giới cần giảm bớt các hoạt động đầu tư rủi ro trong ngành tài chính bằng cách xử lý vấn đề nợ của mình theo những cách riêng.

Phó Thủ tướng Tây Ban Nha, Maria Teresa Fernandez de la Vega, cho hay nước này tôn trọng quan điểm của Mỹ và chia sẻ đánh giá về nguyên nhân gây ra khủng hoảng và các công cụ cần thiết để thoát khỏi nó.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Tài chính Hà Lan mặc dù tỏ ý ủng hộ "mục tiêu chung" trong các đề xuất "tham vọng" của ông Obama nhưng vẫn nghi ngờ về tính khả thi của chúng.

Ông Stephen Pope, Trưởng ban chiến lược chứng khoán toàn cầu thuộc công ty Cantor Fitzgerland (Anh), cho rằng có rất nhiều thể chế đã giảm bớt hoạt động đầu tư bất động sản nên ngay cả khi có chi nhánh tại Mỹ thì việc nước này đưa ra các quy định hạn chế đầu tư rủi ro cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến họ.

Theo ông Hans-Joerg Rudloff, Chủ tịch ngân hàng đầu tư Barclays Capital, kế hoạch của ông Obama quá mập mờ, chưa được suy nghĩ thấu đáo và khó áp dụng.

Còn nhà phân tích Peter Thorne huộc ngân hàng Helvea Banking cho rằng điều rất thú vị là châu Âu sẽ làm gì sắp tới và ông chỉ nghĩ tới một điều là họ sẽ sao chép ý tưởng của ông Obama.

Kế hoạch của Tổng thống Mỹ đã gây hoang mang trên các thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu vì giới đầu tư lo ngại sẽ gây phản ứng dây chuyền giữa các thể chế quản lý tài chính trên khắp thế giới, tác động xấu tới lợi nhuận của các ngân hàng.

Tuy vậy, giới phân tích cho rằng kế hoạch trên chưa chắc tác động bất lợi mà thậm chí còn có ích cho các thể chế tài chính ở châu Á vì các ngân hàng Mỹ sẽ phải chuyển hoạt động kinh doanh quỹ đầu tư sang khu vực này.

Ngoài ra, các nước đang phát triển sẽ dễ vay tiền của phương Tây hơn.

Các nhà kinh tế cho rằng sự phục hồi mà các ngân hàng châu Á từng thể hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính đã cho thấy không cần thiết phải thắt chặt kiểm soát tài chính ở khu vực này.

Theo nhà kinh tế Shane Oliver của công ty AMP Capital Investor (Australia), không cần tăng cường các quy định cho khu vực ngân hàng châu Á vì mức độ tổn thất của họ là quá nhỏ so với các thể chế tài chính phương Tây, ít nhất là nhờ bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-98.

Triển vọng thực hiện kế hoạch
 
Một điều trùng hợp là cũng trong ngày 21/1, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra quyết định chấm dứt các hạn chế đối với việc vận động chính trị của các doanh nghiệp lớn.

Theo giới quan sát, trừ khi Quốc hội Mỹ nhanh chóng áp đặt lại các hạn chế, các ngân hàng và công ty tài chính nay có thể tự do sử dụng tiền để ủng hộ cho các ứng cử viên vào Quốc hội có lập trường phản đối những đề xuất cải cách mới của Tổng thống Mỹ.

Ông Obama đã ngay lập tức lên tiếng phê phán quyết định này, cho rằng nó sẽ dẫn đến việc không ngăn chặn được ảnh hưởng của các nhóm đặc quyền.

Hiện tại, sức ép cải cách hệ thống ngân hàng đang gia tăng trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ) khai mạc ngày 27/1, không lâu sau khi Tổng thống Mỹ đề xuất thu phí "trách nhiệm" và áp dụng quy định nghiêm ngặt hơn đối với các ngân hàng lớn ở Phố Wall.

Tuy vậy, nhiều nhà phân tích nhận định, cùng với quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, giới lãnh đạo ngân hàng sẽ lên tiếng "phản công" tại diễn đàn lần này.

Nhận định trên diễn ra trong bối cảnh các nhà quản lý đang ráo riết hoạch định kế hoạch kìm hãm hệ thống ngân hàng và những rủi ro tài chính được coi là tác nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Nhà phân tích tại Bank Sarasin, Rainer Skierka, lưu ý giới lãnh đạo ngân hàng chắc chắn sẽ phản đối do các quy định mới sẽ làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận của các ngân hàng.

Ngoài ra, các ngân hàng sẽ phải tăng thêm tỷ lệ vốn trong khi ngân quỹ đầu tư sinh lời bị bó hẹp.

Nhà kinh tế trưởng tại IHS Global Insight, cũng cho rằng "các chủ ngân hàng đang tăng cường vận động hành lang để kế hoạch này không được thông qua bởi họ sẽ không để lợi ích của mình bị ảnh hưởng".

Về phần mình, Giáo sư kinh tế Cedric Tille tại Viện nghiên cứu Phát triển và Quốc tế tại Giơnevơ (Thụy Sỹ) khẳng định "đã đến lúc cải tổ hệ thống ngân hàng thế giới".

Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng đề nghị cần có các quy định mới để "thanh lọc" hệ thống ngân hàng, thông qua các yêu cầu vốn hóa và tỷ lệ nợ nghiêm ngặt hơn.

Dự kiến, chi tiết các kế hoạch này sẽ được đưa ra vào cuối năm 2012./.

Anh Quân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục