Pháp chính thức công bố thành phần chính phủ mới

Nội các mới của Pháp gồm 30 thành viên trong đó có 11 gương mặt nữ và đa số thành viên nội các là thành viên đảng UMP cầm quyền.
Tối 14/11, tại điện Élysée, Chánh văn phòng Tổng thống Pháp Claude Guéant, đã thay mặt Tổng thống Nicolas Sarkozy công bố thành phần chính phủ mới của Thủ tướng vừa được tái bổ nhiệm François Fillon.

Nội các mới gồm 30 thành viên (22 bộ trưởng và tám quốc vụ khanh) trong đó có 11 gương mặt nữ và đa số thành phần trong nội các là thành viên đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) cánh hữu cầm quyền.

Nội các mới được nhận xét là ít "cồng kềnh" hơn so với nội các 37 người trước đó.

Trong chính phủ mới, sự trở lại của nhà chính trị cánh hữu gây được sự chú ý là ông Alain Juppé, cựu Thủ tướng (trong chính phủ dưới thời Tổng thống Giắc Sirắc) và hiện là thị trưởng thành phố Bordeaux. Ông được cử giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và Cựu chiến binh và với chức vụ này ông được coi là nhân vật đứng thứ hai trong chính phủ.

Bà Michèle Alliot-Marie, Bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ vừa từ chức, được cử giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao cùng các vấn đề châu Âu và trở thành nữ ngoại trưởng đầu tiên của Pháp.

Một số vị bộ trưởng trong chính phủ trước đó vẫn được lưu nhiệm, như Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp Christine Lagarde; Bộ trưởng Nội vụ, Lãnh thổ hải ngoại, các đơn vị hành chính lãnh thổ và nhập cư Brice Hortefeux; Bộ trưởng Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Valérie Pécresse.

Một số bộ trưởng trong chính phủ cũ không được đưa vào thành phần chính phủ mới như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Bernard Kouchner, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hervé Morin cựu bộ trưởng Lao động Eric Woerth và đặc biệt là sự ra đi của cựu Bộ trưởng phụ trách Sinh thái Jean Luis Borloo, người trước đó từng được xem là có nhiều khả năng được kế nhiệm ông Fillon làm Thủ tướng trong chính phủ mới.

Trước khi công bố thành phần chính phủ mới, trong một thông cáo báo chí, Thủ tướng Pháp François Fillon cam kết tiếp tục nỗ lực đưa đất nước bước sang một giai đoạn mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo việc làm, tăng cường đoàn kết và đảm bảo an ninh cho người dân Pháp.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng việc Tổng thống Pháp Sarkozy tiến hành cải tổ nội các18 tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2012 là nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo của chính phủ, xây dựng một "êkíp" gọn nhẹ và hiệu quả hơn để chuẩn bị cho chiến dịch vận động tái tranh cử của ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục