Pháp tiến hành cải tổ nội các, một sự thay đổi cần thiết

Lập nội các mới, nước Pháp đang xốc lại đội hình lãnh đạo, thể hiện quyết tâm ưu tiên triển khai chính sách kinh tế trong thời gian tới.
Pháp tiến hành cải tổ nội các, một sự thay đổi cần thiết ảnh 1Tân Thủ tướng Manuel Valls. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngay sau thất bại tồi tệ của Đảng Xã hội cầm quyền tại cuộc bầu cử địa phương, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bổ nhiệm ông Manuel Valls, một người nổi tiếng về sự thẳng thắn và quyết đoán, làm Thủ tướng.

Hai ngày sau, một nội các mới gồm 16 thành viên được thành lập. Nước Pháp đang xốc lại đội hình lãnh đạo và thể hiện quyết tâm ưu tiên triển khai các chính sách kinh tế trong thời gian tới.

Theo cách nói của Tổng thống Hollande, chính phủ mới sẽ là một “chính phủ có tính chiến đấu," với đội ngũ “rút gọn, liên kết và gắn bó” đủ khả năng đưa đất nước vượt qua thử thách. Người dân Pháp đang rất kỳ vọng vào một làn gió mới đem lại sức mạnh cho nền kinh tế, tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp, qua đó cải thiện thị trường việc làm và tăng mức sống cho người dân.

Sau 22 tháng cầm quyền, Tổng thống Pháp Francois Hollande và vị “Tổng tư lệnh” của mình - cựu Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, vẫn tỏ ra hết sức lúng túng trong đường lối phát triển kinh tế, không tạo ra được chuyển biến tích cực nào cho đất nước.

Kinh tế Pháp tiếp tục ảm đạm, tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức trên 10%, mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách theo cam kết với Ủy ban châu Âu (EC) không thể thực hiện được, nợ công tăng lên đến hơn 93% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), các cuộc biểu tình đòi giảm thuế, tạo việc làm và công bằng xã hội liên tiếp nổ ra tại nhiều nơi với quy mô lớn. Bức tranh kinh tế u ám đã kéo theo khủng hoảng xã hội, khủng hoảng niềm tin tại đất nước là nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu là chủ đề được báo chí Pháp đăng tải hàng ngày.

Tại cuộc họp báo đầu năm 2014, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã phải thừa nhận những khó khăn và thách thức mà nước Pháp cần phải vượt qua để không bị tụt lại phía sau đoàn tàu châu Âu trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng và bắt đầu cất cánh.

Tổng thống Hollande nói :“Nếu nước Pháp muốn giữ được ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế, tạo được dấu ấn của mình trong quá trình phát triển của châu Âu, làm chủ được vận mệnh của mình, thì nước Pháp phải tìm lại bằng được sức mạnh kinh tế mà mình đã đánh mất trong 10 năm qua."


“Thỏa ước tránh nhiệm," chìa khóa của sự thành công

Trong kế hoạch hành động năm 2014 của mình, Tổng thống Pháp đặt trọng tâm vào việc triển khai “Thỏa ước trách nhiệm” với các đối tác là các doanh nghiệp. Theo đó, Nhà nước sẽ giảm các khoản đóng góp bắt buộc đối với doanh nghiệp để đổi lấy việc doanh nghiệp tăng tuyển dụng và tăng đầu tư vào sản xuất. Gói hỗ trợ này có giá trị 30 tỷ euro sẽ được áp dụng từ nay cho đến năm 2017.

Theo Tổng thống Hollande, “Thỏa ước trách nhiệm” là một cơ hội đối với nước Pháp, nó khuyến khích việc huy động sức mạnh chung nhằm tạo thêm nhiều việc làm trong xã hội, và từng bước tạo tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Mặc dù các cam kết đưa ra là hết sức mạnh mẽ, nhưng sau một năm 2013 đầy biến động, nước Pháp phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, người dân Pháp vẫn giữ cảm giác thất vọng và hoài nghi về khoảng cách giữa lời nói và việc làm của Tổng thống Hollande, không mấy tin tưởng vào sự thay đổi chính sách của Đảng Xã hội cầm quyền. Trên thực tế, ba tháng đã trôi qua nhưng nền kinh tế không hề chuyển động, “Thỏa ước trách nhiệm” vẫn được biết tới chủ yếu trong các bài diễn văn, tỷ lệ thất nghiệp vẫn liên tục tăng trong khi người dân Pháp nóng lòng muốn được nhìn thấy sự thay đổi.

Điều này lý giải sự giảm sút thấp đến mức kỷ lục tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Jean-Marc Ayrault thời gian qua cũng như phản ứng của người dân tại hai vòng cuộc bầu cử địa phương cuối tháng ba vừa qua.

Trên thực tế, cử tri đã “trừng phạt” Đảng Xã hội bằng cách bỏ phiếu cho đảng đối lập UMP và đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN).

Kết quả cuộc bầu cử ngày 30/3 cho thấy đảng trung hữu Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP) đã thắng lớn với gần 46% số phiếu ủng hộ. Đảng Xã hội, với 40,6% số phiếu, đã để mất 155 thành phố trên 9.000 dân vào tay đảng đối lập UMP. Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) nhận được gần 7 % số phiếu, một con số kỷ lục kể từ ngày thành lập đảng năm 1972.

Ông Manuel Valls vào điện Matignon, sự lựa chọn đúng đắn?

Đối với nhiều người, việc để ông Manuel Valls vào điện Matignon (Phủ Thủ tướng) là một canh bạc đầy rủi ro đối với Tổng thống Pháp, nhưng với một số người khác đây lại là việc làm đúng đắn, thậm chí là một hành động dũng cảm.

Trong giới phân tích, nhiều người cho rằng Tổng thống Pháp Francois Hollande đang chơi canh bạc "được ăn cả ngã về không" khi bổ nhiệm ông Manuel Valls làm người đứng đầu chính phủ vì vị cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ này từng là một đối thủ của ông trong cuộc bầu cử sơ bộ khi Đảng Xã hội chọn ứng cử viên tranh cử tổng thống năm 2011.

Mặc dù không phải không do dự, một phần là vì cựu Thủ tướng Jean-Marc Ayrault là người thân cận, gần gũi với mình nên Tổng thống Hollande muốn giữ ông lại càng lâu càng tốt, một phần do e ngại có thể bị lu mờ trước một Thủ tướng luôn nhận được sự ủng hộ cao trong cánh tả cũng như cánh hữu, nhưng Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhận ra những điểm mạnh của vị bộ trưởng dám nói dám làm, cũng như đã rút ra bài học cay đắng về sự thất vọng của người dân vào thời điểm ông đã ở vào gần giữa nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Báo chí Pháp nhận xét ông Manuel Valls là một người mềm mỏng nhưng kiên quyết và có tài thuyết phục. Ông luôn hiểu việc mình làm và biết sử dụng quyền lực một cách hiệu quả và hợp lý để đạt được mục tiêu. Là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông không ngại đi đến những khu vực có các vấn đề xã hội nhạy cảm nhằm duy trì lòng tin của người dân tại khu vực đó và khẳng định chính phủ vẫn luôn ở bên cạnh họ.

Về quan điểm phát triển kinh tế, ông có khuynh hướng xã hội tự do có nghĩa là chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, bởi vì theo ông các doanh nghiệp có phát triển thì nguồn thu từ thuế mới tăng, từ đó mới có cơ sở triển khai các chương trình xã hội. Tuy nhiên, quan điểm của ông đã vấp phải sự phản đối của một số người thủ cựu trong cánh tả khi họ nhấn mạnh quá mức vào công bằng xã hội và cho rằng quan điểm của ông có nhiều điểm giống với cánh hữu.

Rất may, Tổng thống Francois Hollande đã nhận ra rằng nếu áp dụng cứng nhắc đường lối của Đảng Xã hội khi chỉ tập trung vào các chương trình xã hội thì rất khó để phát triển kinh tế, rằng mấu chốt là tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Ông cũng tin tưởng rằng với tầm nhìn của mình, tân Thủ tướng sẽ thuyết phục được các doanh nghiệp tăng đầu tư và tăng tuyển dụng trên cơ sở nhận được những ưu đãi về thuế.

Trong bài phát biểu thông báo quyết định bổ nhiệm ông Manuel Valls, Tổng thống Hollande đã giao phó ba nhiệm vụ nặng nề mà ông Valls và đội ngũ của mình phải gánh vác, đó là khôi phục kinh tế, đảm bảo công bằng xã hội và tập hợp lực lượng trên cơ sở sự đồng thuận. Ông cũng đồng thời vạch ra lộ trình và phương pháp thực hiện, đó là triển khai “Thỏa ước trách nhiệm” nhằm tạo cú hích cho các doanh nghiệp và giảm thuế từ nay đến năm 2017 nhằm tăng sức mua của người dân.

Ngày 2/4, một nội các gồm 16 thành viên gồm nhiều chuyên gia cao cấp trong nhiều lĩnh vực đã ra mắt. Đây là một nội các “thu gọn” so với gần 40 thành viên của chính phủ tiền nhiệm.

Ngoài ra, Chánh văn phòng Thủ tướng, bà Véronique Bédague-Hamilius, cũng là một chuyên gia giỏi về kinh tế, người nổi tiếng là “bàn tay thép” khi quản lý toàn bộ bộ máy hành chính của Tòa Thị chính Paris dưới thời Thị trưởng Bertrand Delanoë. Các động thái này cho thấy ông Manuel Valls đã lựa chọn một đội ngũ chuyên nghiệp để triển khai các chương trình đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế.

Tối 2/4, phát biểu trên kênh truyền hình TF1 tại bản tin thời sự 20 giờ, Thủ tướng Manuel Valls đã khẳng định các mục tiêu lâu dài mà ông và đội ngũ của ông hướng tới là không có gì thay đổi, đó là làm hết sức để phục vụ người dân và nâng cao mức sống của người dân. Ông cũng cho biết chính phủ của ông sẽ tiếp tục các chính sách đã được bắt đầu dưới thời Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, nhưng ông cũng nhấn mạnh là chính phủ mới sẽ làm làm việc với tính tập thể cao hơn và hiệu quả hơn bởi vì “huấn luyện viên” đã được thay đổi.

Mặc dù có rất nhiều thách thức đang đặt ra cho chính phủ mới ở phía trước, cũng như có rất nhiều việc phải làm, nhưng bước đầu người dân Pháp có thể nhận thấy những tín hiệu tích cực, những cơ sở để có thể tin rằng một “chính phủ chiến đấu," “chính phủ vượt khó” có khả năng xử lý các vấn đề tốt hơn, sẽ đủ năng lực thúc đẩy các cải cách, tạo đột phá cho nền kinh tế. Và nói theo ngôn từ của Tổng thống Hollande “một giai đoạn mới đang mở ra," cho nước Pháp và cho người dân Pháp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục