Phát biểu của Chủ tịch nước tại lễ kỷ niệm thành lập Đại học Bách khoa

Ngày 15/10, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1956-2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.
Phát biểu của Chủ tịch nước tại lễ kỷ niệm thành lập Đại học Bách khoa ảnh 1Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Ngày 15/10, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1956-2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm.

TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang:

Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước!
Thưa các đồng chí đại biểu, các vị khách quý!
Thưa toàn thể các đồng chí!

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (6/3/1956-6/3/2016).

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi gửi tới các đồng chí đại biểu, các vị khách quý, các thế hệ cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa các đồng chí!

Trường Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa, tiền thân của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, được thành lập cách đây đúng 60 năm nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học-kỹ thuật cho đất nước; là trường đại học kỹ thuật đầu tiên của nước ta có nhiệm vụ đào tạo kỹ sư công nghiệp, phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Suốt chặng đường 60 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng nhà trường trở thành một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vượt lên mọi khó khăn của một cơ sở mới được thành lập, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa xây dựng cơ sở vật chất, vừa củng cố đội ngũ cán bộ, giảng viên đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhanh chóng bổ sung nhiều kỹ sư, cán bộ kỹ thuật phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khi đất nước hòa bình, nhiệm vụ đào tạo của nhà trường không ngừng phát triển cả về quy mô, loại hình và đối tượng.

Nhà trường đã góp phần đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao với hàng trăm nghìn kỹ sư, thạc sĩ, tiến sỹ cho hầu hết các lĩnh vực kinh tế, khoa học-kỹ thuật, quốc phòng, an ninh. Đội ngũ kỹ sư, cán bộ khoa học tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, thiết kế, xây dựng, lắp đặt và vận hành nhiều công trình quan trọng trên khắp mọi miền Tổ quốc; nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, các nhà nghiên cứu, cán bộ khoa học-kỹ thuật đầu ngành, các nhà quản lý, sản xuất, kinh doanh giỏi.

Cùng với với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục-đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn giữ vai trò tiên phong trong việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, đổi mới công nghệ, gắn với nhu cầu thực tế trong sản xuất, kinh doanh và đời sống; là một trong những cơ sở nghiên cứu đứng đầu Việt Nam trong bảng xếp hạng về năng lực nghiên cứu của các tổ chức quốc tế; đồng thời, đã góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển hệ thống các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật của nước nhà.

Những năm gần đây, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Mục tiêu chương trình đào tạo ngày càng được hoàn thiện, bám sát yêu cầu phát triển của thực tiễn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục-đào tạo; trình độ, năng lực, phương pháp sư phạm được nâng cao. Cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, phục vụ tốt nhiệm vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh và ngày càng hiệu quả.

Những kết quả, thành tích, đóng góp to lớn của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đối với sự nghiệp giáo dục-đào tạo, không những góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nhà trường, mà còn tác động tích cực, ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng tới toàn hệ thống giáo dục đại học nước nhà, đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp các ngành ghi nhận, đánh giá cao, tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý. Đặc biệt, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã vinh dự được Bác Hồ kính yêu ba lần đến thăm, động viên, khen ngợi; được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tích, đóng góp to lớn của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong suốt 60 năm qua; nhiệt liệt chúc mừng nhà trường vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai nhân kỷ niệm 60 năm thành lập.

Thưa các đồng chí!

Đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới của các hệ thống thiết bị thông minh, tích hợp nhiều kỹ thuật và công nghệ, tác động mạnh mẽ đến sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức - “thông minh.”

Các thành tựu mới của khoa học-công nghệ được ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản lý, quản trị... Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới, sáng tạo - là những động lực không giới hạn thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng vốn, lao động phổ thông - là những yếu tố đầu vào luôn có giới hạn. Nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ngược lại, nếu không có chiến lược phù hợp thông qua đổi mới giáo dục - đào tạo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển khoa học - công nghệ thì sức ép phát triển đối với Việt Nam còn lớn hơn nhiều, khoảng cách giữa nước ta với các nước phát triển sẽ ngày càng tăng.

Bối cảnh tình hình trên đặt ra cho ngành giáo dục-đào tạo nói chung và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng những yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang.

Với vị thế là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học-công nghệ hàng đầu, giữ vai trò chủ lực trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước, nhà trường cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;” Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;” đồng thời thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm, sau đây:

(1) Triển khai tốt Đề án thí điểm đổi mới quản lý theo cơ chế tự chủ, đổi mới mô hình quản trị theo mô hình các trường đại học tiên tiến của khu vực và trên thế giới. Chú trọng đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập; đổi mới công tác tuyển sinh, công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập; bảo đảm mở rộng quy mô đào tạo gắn với nâng cao chất lượng đào tạo. Tiếp tục tham gia mạng lưới bảo đảm chất lượng quốc tế để từng bước đưa nhà trường đạt các chuẩn mực khu vực và quốc tế. Phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học; gắn học tập kiến thức cơ bản với kiến thức và năng lực thực hành.

(2) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học-công nghệ, bám sát định hướng chiến lược phát triển khoa học-công nghệ của đất nước và nhu cầu của xã hội, nhất là trong những lĩnh vực công nghệ trọng điểm, mang tính liên ngành, đóng vai trò then chốt, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, như công nghệ thông tin và truyền thông, điện-điện tử và tự động hóa, cơ điện tử, công nghệ vật liệu, công nghệ năng lượng, công nghệ hóa học và môi trường, công nghệ sinh học và thực phẩm... Tăng cường liên kết, hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước để hiện thực hóa, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; xây dựng nhà trường thành một trung tâm nghiên cứu khoa học-công nghệ có chất lượng cao với đội ngũ cán bộ khoa học năng động, sáng tạo, tâm huyết với nghề, luôn đi đầu trong các hướng nghiên cứu mới.

(3) Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm, năng lực quản lý, coi đây là lực lượng nòng cốt, quyết định chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục-đào tạo của nhà trường. Xây dựng chiến lược thu hút nhân tài, nhất là trí thức trẻ, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở trong nước và nước ngoài về làm việc, công tác, hợp tác với nhà trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giảng viên đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài; đồng thời, chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường.

(4) Chú trọng xây dựng môi trường giáo dục đại học thân thiện, lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách, văn hóa giao tiếp, ứng xử chuẩn mực ở sinh viên. Phát động sâu rộng các phong trào thi đua, khơi dậy truyền thống hiếu học, khuyến khích sinh viên hăng say học tập, nghiên cứu khoa học, sáng tạo; quan tâm tạo điều kiện cho các em sinh viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, có công với nước, gia đình nghèo có cơ hội học tập tại trường. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục sinh viên, rèn luyện sinh viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có ý thức tổ chức kỷ luật, nỗ lực học tập; đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn.

(5) Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học-công nghệ có uy tín của các nước trong khu vực và các nước phát triển trên thế giới để phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học-công nghệ cho các nước bạn Lào, Campuchia, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với Lào và Campuchia.

Thưa các đồng chí!

Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo sự nghiệp giáo dục-đào tạo của nước nhà nói chung và sự phát triển của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng.

Phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân, tôi tin tưởng và mong muốn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục đổi mới, lập được nhiều kết quả, thành tích to lớn hơn nữa trong quá trình phát triển, khẳng định vai trò, vị thế trường đại học trọng điểm về khoa học-công nghệ của quốc gia, phục vụ thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Chúc các đồng chí đại biểu, các vị khách quý, các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng toàn thể các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục