Theo Tân Hoa Xã, mới đây, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật được 59 quả lựu đạn bằng đá thời cổ tại địa điểm di tích một tòa nhà ở phía Tây đoạn Trường thành Bát Đạt Lĩnh (Badaling) ở thủ đô Bắc Kinh.
Đây là đoạn được bảo tồn tốt nhất của Vạn Lý Trường Thành-công trình được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới năm 1987.
Các nhà khảo cổ cho rằng tòa nhà nói trên là một kho chứa vũ khí được xây dọc theo Vạn Lý Trường Thành. Nhà nghiên cứu Shang Heng thuộc viện khảo cổ thành phố cho biết đây là lần đầu tiên phát hiện một kho vũ khí như vậy tại khu vực Vạn Lý Trường Thành.
Trước đây, giới khảo cổ đã phát hiện hơn 400 quả lựu đạn đá tương tự, một phiên bản sơ khai của lựu đạn thời cổ. Đây được cho là loại vũ khí phổ biến trang bị cho lính canh Vạn Lý Trường Thành thời nhà Minh.
Nhà nghiên cứu Shang Heng giải thích những viên đá có một lỗ tròn ở giữa để nhồi thuốc súng, sau đó được bịt kín lại làm vũ khí khi ném trúng đối phương có thể phát nổ.
Trên đỉnh các tháp của Vạn Lý Trường Thành, các nhà khảo cổ còn phát hiện hố lửa, bếp nấu với nhiều vật dụng như nồi, đĩa, bát, kéo và xẻng.
[Trung Quốc: Phát lộ tàn tích đền Đạo giáo cổ từ đời Tống ở tỉnh Hà Bắc]
Những vật dụng này giúp tái hiện cuộc sống thường ngày của những người lính gác thời nhà Minh (1368-1644). Ngoài ra, trong quá trình khai quật cũng phát hiện một số cơ sở phòng thủ, trong đó có một pháo đài bằng đá.
Vạn Lý Trường Thành bao gồm nhiều bức tường thành nối nhau, một số có niên đại lên tới 2.000 năm trước đây. Công trình có tổng chiều dài hơn 21.000 km.
Tính từ năm 2000 đến năm 2022 đã có hơn 110 dự án bảo tồn công trình này được triển khai ở Bắc Kinh, bao gồm các dự án tu sửa, cải tạo và nghiên cứu./.