Phát hiện khu di tích "Stonehenge thứ hai" hơn 4.500 năm tuổi

Các chuyên gia nhận định tập hợp hơn 90 tảng cự thạch có chiều cao lên đến 4,5m này đã có tuổi thọ hơn 4.500 năm.
Phát hiện khu di tích "Stonehenge thứ hai" hơn 4.500 năm tuổi ảnh 1Những tảng đá này có chiều cao lên đến 4,5m và được xếp thành hàng thay vì xếp vòng tròn như Stonehenge. (Nguồn: DM)

Hàng trăm năm qua, bãi đá cổ Stonehenge với những tảng đá khổng lồ vẫn là một bí ẩn lớn làm đau đầu các nhà khảo cổ. Và mới đây, một kỳ quan khác từ thời tiền sử giống Stonehenge lại mới được phát hiện cách đó chỉ một dặm.

Các chuyên gia nhận định, tập hợp hơn 90 tảng cự thạch có chiều cao lên đến 4,5m này đã có tuổi thọ hơn 4.500 năm. Nằm sâu gần 1m dưới lòng đất, những tảng đá này đến nay mới được phát hiện nhờ sự giúp đỡ của các mày dò tân tiến.

Thay vì được xếp thành vòng tròn như ở Stonehenge, chúng lại được xếp thành một hàng dài trên một con dốc cắt qua một thung l​ũng tự nhiên, tạo thành một hình có dạng như chữ C.

“Đây là một trong những bãi đá cổ nhất châu Âu, và nó đã ở đó suốt 4.000 năm qua. Thật đáng kinh ngạc. Chúng tôi không nghĩ có bất kỳ thứ gì trên thế giới giống như thế này. Di tích này hoàn toàn mới, và thật khổng lồ”, giáo sư Vince Gaffney thuộc Đại học Bradford, một trong số các nhà khảo cổ tham gia nghiên cứu cho biết.

Những tảng cự thạch mới được phát hiện này nằm ở rìa phía đông nam của Bức tường Durrington-một di chỉ cự thạch lớn khác ở Anh. Ai là người đã đặt những tảng đá ở đó, và khu di tích mới này là đối thủ hay là một phần của Stonehenge vẫn là những câu hỏi chưa có lời đáp.

Phát hiện khu di tích "Stonehenge thứ hai" hơn 4.500 năm tuổi ảnh 2Khu di chỉ được phát hiện nhờ sự trợ giúp của một công nghệ thăm dò dưới lòng đất tiên tiến. (Nguồn: DM)

​Giáo sư Gaffney cho rằng những người dựng nên “Stonehenge thứ hai” cũng chính là những người đã xây dựng Stonehenge, nhưng ông không chắc chắn về mối liên hệ giữa hai khu vực.

Một số nhà khảo cổ thì tin rằng những tảng đá này đã được chuyển đi khỏi di tích ban đầu. Đây không phải là sự phá hoại mà là một hành vi có chủ đích nhằm duy trì tầm quan trọng của cả khu di chỉ.

“Có một sự biến đổi nào đó ở vùng đất này mà chúng ta chưa hiểu được. Những tảng đá này có ý nghĩa rất quan trọng, và những di chỉ đều là những khu vực đặc biệt,” giáo sư Gaffney nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục