Phát hiện khu mộ thời Hùng Vương tại Tuyên Quang

Lần đầu tiên các nhà khảo cổ phát hiện được khu mộ địa của người thời Hùng Vương tại xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Phó giáo sư-tiến sỹ Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học, Trưởng đoàn khảo sát cho biết tháng Năm vừa qua, trong đợt điều tra, khảo sát khảo cổ học tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, cán bộ Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Tuyên Quang đã phát hiện một khu mộ thời tiền sử tại xã Thượng Ấm.

Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ phát hiện được khu mộ địa của người thời Hùng Vương trên đất Tuyên Quang.

Nhằm tìm hiểu toàn diện khu mộ cổ, các nhà chuyên môn đang có kế hoạch khai quật địa điểm này.

Căn cứ vào các đặc trưng chất liệu, kiểu dáng và hoa văn của các vò, nồi gốm cùng các di vật khảo cổ khác, cũng như đặc trưng chôn cất, các nhà khảo cổ bước đầu xác định đây là khu mộ thời tiền văn hóa Đông Sơn, thuộc vào giai đoạn văn hóa Gò Mun, có niên đại khoảng gần 3.000 năm. Địa điểm này còn tiếp tục được nhiều thế hệ đời sau sử dụng làm nơi chôn cất người thân.

Những ngôi mộ này thường là những chiếc nồi vò gốm lớn, bên trong đựng xương cốt người và các di vật khảo cổ, được chôn vùi trong các hốc đá hoặc trong các kẽ núi. Hầu hết các nồi gốm đều đã bị vỡ. Tuy vậy, các nhà khảo cổ cũng nhận thấy một vài mộ táng gồm hai chiếc nồi, hoặc vò gốm úp miệng vào nhau. Đây là một trong những táng thức khá quen thuộc của cư dân Việt cổ thời đại kim khí.

Đặc biệt, một ngôi mộ chôn kèm theo cả răng trâu, bò. Một số nồi vò này được tạo tác trên bàn xoay, một số nặn trực tiếp bằng tay. Thân gốm khá dày, cứng, phần lớn bên ngoài có trang trí hoa văn như văn thừng, văn khắc vạch, văn chấm dải với các đồ án hình học đơn giản, có cả loại hoa văn in chấm cuống rạ kết hợp văn khắc vạch trên bản miệng và vai gốm./.

Minh Nguyệt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục