Phát hiện một mái chèo thời kỳ đồ đá ở Hàn Quốc

Các nhà khảo cổ Hàn Quốc đã khai quật được một mái chèo độc mộc được cho là có từ thời kỳ đồ đá với niên đại khoảng 7.000 năm.
Các nhà khảo cổ Hàn Quốc ngày 17/8 cho biết họ đã khai quật được một mái chèo độc mộc được cho là có từ thời kỳ đồ đá với niên đại khoảng 7.000 năm trong tình trạng gần như còn nguyên vẹn.

Theo nhà nghiên cứu Yoon On-Shik thuộc Viện Bảo tàng quốc gia Gimhae, đây là một phát hiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Hàn Quốc mà với giới khảo cổ thế giới.

Mái chèo này đã được tìm thấy ở khu vực Changnyeong, cách thủ đô Seoul khoảng 240 km về phía Đông Nam. Do nằm trong các lớp đất bùn nên mái chèo với chiều dài 1,81 mét trên không bị mục nát bởi quá trình ôxy hóa.

Ông Yoon On-Shik cho biết các nhà khoa học Hàn Quốc sẽ đối chứng với các khí cụ cổ mà các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện để xác minh liệu đây có phải là một trong những dụng cụ thuyền bè lâu đời nhất được tìm thấy trên thế giới hay không.

Năm 2005, một trong những vật dụng thuyền bè cổ nhất đã được phát hiện tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), được cho là có niên đại khoảng 8.000 năm.

Chính tại khu vực phát hiện mái chèo trên, năm 2004, các chuyên gia khảo cổ Hàn Quốc cũng đã tìm thấy các mảnh gỗ được cho là thuộc về những chiếc thuyền cổ có niên đại khoảng 8.000 năm, ước chừng chiều dài khoảng gần bốn mét.

Các mái chèo và thuyền trên đều được làm từ gỗ thông, với kỹ thuật chế tác thô sơ, có thể đã được dùng trong trao đổi hàng hóa giữa người dân Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên trong thời kỳ đồ đá.

Hồi năm 1999, các nhà khảo cổ ở "đất nước mặt trời mọc" cũng đã phát hiện được một mái chèo cổ được cho là đã xuất hiện từ cách đây 6.000 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục