Phát hiện sinh vật cổ nhất có hệ thần kinh hoàn chỉnh

Các chuyên gia Mỹ đã phát hiện hệ thần kinh hoàn chỉnh đầu tiên trong một mẫu sinh vật hóa thạch rất lạ sống cách đây 520 triệu năm.
Theo kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Tự Nhiên của Anh số ra ngày 16/10, các chuyên gia cổ sinh vật học Mỹ đã phát hiện hệ thần kinh hoàn chỉnh đầu tiên tồn tại trong một mẫu sinh vật hóa thạch rất lạ sống cách đây 520 triệu năm. Một nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Arizona, do Giáo sư chuyên khoa thần kinh Nicholas Strausfeld đứng đầu, đã tìm thấy sinh vật này tại huyện Trừng Giang - nơi được coi là kho tàng hóa thạch quý hiếm ở Tây Nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Phát hiện sinh vật cổ nhất có hệ thần kinh hoàn chỉnh ảnh 1
Hóa thạch quý hiếm được tìm thấy
(Nguồn: world-science.net)

Mẫu vật được trưng bày bao gồm chi tiết xương sống, mắt, não và hạch. Các chuyên gia đã tiến hành chụp cắt lớp 3D mẫu vật được tìm thấy và đối chiếu mẫu này với các loài sinh vật hiện đại và cổ xưa. Chỉ dài khoảng 3cm và thuộc nhóm sinh vật biển có càng sống trong kỷ Cambri (thời kỳ đa dạng sinh học hỗn loạn), loài vật này có cơ thể thon nhỏ, phân đốt nối với phần phụ cho phép loài này trườn bò và bơi. Trên đầu của nó có càng giống như chiếc kéo có thể được dùng để cắp hay cảm nhận. Ngoài ra, mẫu vật được tìm thấy giúp xác định thời điểm tổ tiên các loài nhện, bò cạp và loài động vật chân khớp ngày nay phân nhánh từ các động vật chân đốt khác, bao gồm động vật giáp xác và động vật nhiều chân. Giáo sư Strausfeld cho biết loài động vật chân đốt có hệ thống thần kinh trung ương khá giống với cua móng ngựa và bò cạp ngày nay, đồng nghĩa với việc tổ tiên của nhện và họ nhà nhện đã sống cùng với tổ tiên của động vật giáp xác trong kỷ Cambri sớm./.
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục