Ngày 1/6, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức cuộc gặp gỡ trí thức Việt kiều tại Pháp với chủ đề: "Trí thức người Việt Nam tại Pháp với sự nghiệp hội nhập và phát triển của đất nước."
Cuộc gặp gỡ đã thu hút đông đảo các chuyên gia, trí thức hàng đầu đang sinh sống và làm việc tại Pháp như các giáo sư, tiến sỹ trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế…
Nối tiếp cuộc gặp gỡ lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 1/2013, cuộc gặp gỡ lần thứ hai này nhằm mục đích tiếp thu các ý kiến đóng góp tâm huyết của đội ngũ trí thức Việt kiều tại Pháp, đồng thời tạo diễn đàn trao đổi kiến thức, hiểu biết và kinh nghiệm để các trí thức Việt kiều phát huy được tối đa tiềm năng của mình, đóng góp vào tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước.
Phát biểu tại cuộc gặp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng, nhấn mạnh nhu cầu tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Theo Đại sứ, khoa học và công nghệ cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là yếu tố căn bản của mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, thúc đẩy nền kinh tế hội nhập một cách có hiệu quả vào khu vực và thế giới.
Đại sứ Dương Chí Dũng cũng nhấn mạnh các đóng góp to lớn và hiệu quả của đội ngũ trí thức Việt kiều tại Pháp vào sự nghiệp phát triển đất nước, đặc biệt là dự án Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành khai trương năm 2013 tại thành phố Quy Nhơn. Đây là dự án do Giáo sư Trần Thanh Vân, một nhà khoa học có uy tín tại Pháp và thế giới, Chủ tịch Hội "Gặp gỡ Việt Nam" chủ trì thực hiện.
Dự án không chỉ là nơi đào tạo các nhà khoa học trẻ trong nước, là nơi gặp gỡ, giao lưu của giới khoa học trong và ngoài nước mà còn là đầu mối kết nối giữa nền khoa học của Việt Nam với các trung tâm tri thức lớn trên thế giới, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Trên thực tế, từ năm 1993 đến nay, Hội "Gặp gỡ Việt Nam" đã tổ chức 10 hội nghị khoa học quốc tế, trong đó bảy lần tổ chức tại Việt Nam, với chủ đề chính là vật lý hạt nhân, vật lý thiên văn, công nghệ sinh học và các nghiên cứu ứng dụng… Các hội nghị đã quy tụ hàng trăm nhà khoa học tầm cỡ thế giới trong đó có nhiều người từng đoạt giải Nobel vật lý.
Nhằm minh họa các đóng góp to lớn của lực lượng trí thức người Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Dương Chí Dũng đã liệt kê một loạt các dự án đã và đang được triển khai như dự án nghiên cứu điện hạt nhân của các giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn và Trần Đại Phúc, dự án chế tạo máy lọc thận nhân tạo tại Việt Nam của giáo sư Nguyễn Khoa Mân với chi phí bằng 25% giá thị trường, dự án chống ngập lụt, bồi lấp cửa sông ở Thành phố Hồ Chí Minh của giáo sư Nguyễn Kim Đan, các dự án cầu đường của giáo sư Nguyễn Đắc Chí, và Hội đồng tư vấn Pháp-Việt do giáo sư Nguyễn Quý Đạo làm Chủ tịch…
Đại sứ bày tỏ sự khâm phục về tài năng cũng như những nỗ lực bền bỉ của các trí thức Việt kiều đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Bên cạnh những nhà khoa học, nhà kinh tế, giáo sư, bác sỹ có uy tín, có học hàm học vị cao, đã sinh sống và làm việc nhiều năm tại Pháp, Đại sứ cũng đánh giá cao tiềm năng của thế hệ trí thức trẻ, coi đây là một nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Theo Đại sứ, Hội Khoa học chuyên gia Việt Nam (AVSE), một tổ chức mới ra đời cách đây ba năm nhưng đã chứng tỏ khả năng tập hợp cũng như những đóng góp cho khoa học của mình, là minh chứng cho sự vươn lên nhanh chóng của lực lượng trí thức trẻ.
Đại sứ Dương Chí Dũng phát biểu: "Ngoài việc chủ trì hoặc tham gia các đề tài, đề án giúp trong nước, sáng kiến tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên ngành, các ngày hội nghiên cứu sinh của AVSE thực sự đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Những hội thảo mà AVSE phối hợp tổ chức với một số trường Đại học của Pháp thời gian qua về giáo dục, quy hoạch đô thị và phát triển bền vững đã đem đến nhiều cái nhìn mới mẻ cũng như kinh nghiệm của các nước tiên tiến."
Tại buổi gặp, các thế hệ trí thức Việt kiều đã bày tỏ mong muốn đem kinh nghiệm chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, uy tín khoa học, vị trí trong xã hội tại nước sở tại và trong mạng lưới liên hệ với các tổ chức khoa học và công nghệ, nghiên cứu, đào tạo ở phạm vi quốc tế để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự trăn trở, nêu bật các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế triển khai, đề xuất các giải pháp nhằm đưa các chính sách thu hút chất xám và đề tài khoa học của đội ngũ trí thức của kiều bào trở thành hiện thực.
Nhân dịp này, các đại biểu cũng lên án mạnh mẽ hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) tại khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đưa ra một số đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và mong muốn được đóng góp vật chất nhằm động viên các chiến sỹ cảnh sát biển đang ngày đêm phải đối mặt với bao hiểm nguy trên thực địa.
Kết luận cuộc gặp, Đại sứ Dương Chí Dũng đã bày tỏ sự cảm động trước những tình cảm chân thành của những người con đất Việt, dù ở xa vẫn luôn hướng về quê hương, đất nước. Đại sứ hứa sẽ phản ánh những tâm tư nguyện vọng của trí thức người Việt Nam tới các cơ quan chức năng nhằm điều chỉnh các cơ chế, chính sách cho thật phù hợp, đồng thời khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của lực lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong đó có người Việt Nam tại Pháp đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đại sứ cũng khích lệ đội ngũ trí thức Việt kiều nói riêng và kiều bào tại Pháp nói chung cần giữ niềm tin vững chắc vào sự phát triển và sự phồn vinh của đất nước để đóng góp tối đa cho sự nghiệp đó./.