Phát triển bền vững di sản cao nguyên đá Đồng Văn

Hà Giang sẽ tiến hành ngay chiến lược phát triển hạ tầng công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, bảo tồn giá trị di sản trên vùng.
Chiều 8/10, phát biểu trong cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nêu rõ, tiếp sau việc công nhận Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới, Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn-Hà Giang được gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, là một tin vui đối với nhân dân cả nước.

Hiện có 77 công viên địa chất của 24 quốc gia, được công nhận là thành viên mạng lưới công viên địa toàn chất toàn cầu của UNESCO, riêng khu vực Đông Nam Á chỉ có 2 công viên địa chất của Malaysia và của Việt Nam. Việc gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến với cao nguyên đá Đồng Văn, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông cho biết, là tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng Hà Giang may mắn được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, đặc biệt là cao nguyên đá Đồng Văn.

Nhằm tìm kiếm mô hình phát triển bền vững dựa trên thế mạnh sẵn có của địa phương, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã xác định, xây dựng cao nguyên đá Đồng Văn trở thành công viên địa chất đầu tiên của quốc gia mang tầm quốc tế, hướng tới mục tiêu bảo tồn các giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa; thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế bền vững, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Theo ông Đàm Văn Bông, việc Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu sẽ mở ra nhiều cơ hội, kèm theo trách nhiệm và không ít khó khăn, thách thức đối với tỉnh Hà Giang.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Hà Giang sẽ tiến hành ngay chiến lược phát triển hạ tầng phù hợp và đạt tiêu chuẩn; bảo đảm công viên địa chất phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; bảo tồn nguyên vẹn các giá trị di sản trên vùng công viên địa chất; nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ quản lý; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng.

Hà Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đầu tư để bảo tồn, xây dựng và phát triển công viên địa chất; xây dựng công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn trở thành mô hình mới về phát triển bền vững gắn với xóa đói giảm nghèo cho đồng bào địa phương; tham gia đầy đủ các chương trình hoạt động, hoàn thành trách nhiệm thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu.

Qua quá trình vận động, nghiên cứu và chuẩn bị lâu dài của chính quyền tỉnh Hà Giang và các nhà khoa học địa chất Việt Nam, ngày 3/10 vừa qua, Hội đồng Tư vấn mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO đã chính thức công nhận tư cách thành viên của công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn.

Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích 2350 km2, gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, độ cao trung bình từ 1400-1600 m, nơi tập trung nhiều loại hình di sản, nổi bật là di sản địa chất và di sản văn hóa. Đến nay sơ bộ thống kê được 45 di sản địa mạo, 33 di sản kiến tạo và rất nhiều hóa thạch trong các tầng đá trầm tích ở công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, trong đó nhiều di sản được xếp hạng quốc gia và quốc tế.

Hệ thống di sản văn hóa tại đây cũng khá phong phú, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Để thích ứng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cộng đồng 17 dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn, trong suốt bề dày lịch sử đã tạo dựng cho mình những kho tàng kiến thức vô cùng phong phú, đa dạng, thể hiện kỹ năng sống thích ứng và hòa đồng với thiên nhiên trong lao động sản xuất, cũng như sinh hoạt văn hóa xã hội, góp phần tạo ra sự đa dạng của 22 dân tộc sinh sống trên địa bàn Hà Giang.

Theo ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, các tiêu chí về địa chất, lịch sử, văn hóa... thuộc khu vực công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn, đều rất độc đáo, hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của UNESCO, chỉ có tiêu chí về cơ sở hạ tầng là còn thấp kém so với các công viên địa chất của châu Âu.

Tuy nhiên, có 3 lý do để thuyết phục Hội đồng tư vấn, đó là quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Hà Giang; sự độc đáo của các di sản; và cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nghèo. Việc công nhận công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, rất cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững ở khu vực đang còn nhiều khó khăn này.

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, với việc gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn sẽ trở thành một trong những hình ảnh nổi bật nhất của Việt Nam, cùng với Vịnh Hạ Long, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Việt Nam sẽ cơ hội giao lưu, hợp tác với các công viên khác trên thế giới; giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là thanh niên về tầm quan trọng của việc giữ gìn các giá trị di sản. Cũng từ sự kiện này sẽ mở ra cơ hội để biến đá thành nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây, không ai khác mà chính những người dân địa phương sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự công nhận này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục