Phát triển càphê đặc sản của Việt Nam là hướng đi phù hợp

Tại Việt Nam, sự phát triển càphê đặc sản ở cấp địa phương đã bắt đầu từ năm nay, có giá bán khá cao trên thị trường nhưng khối lượng càphê đặc sản ở Việt Nam sản xuất năm 2019 chỉ đạt khoảng 200 tấn.
Phát triển càphê đặc sản của Việt Nam là hướng đi phù hợp ảnh 1Tiến sỹ Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Ngày 9/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ban Quản lý dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT) tổ chức Hội thảo xây dựng Đề án phát triển càphê đặc sản Việt Nam tại 5 tỉnh Tây Nguyên.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho biết càphê là cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao của Việt Nam. Diện tích càphê Việt Nam hiện có trên 664.000ha; sản lượng càphê đạt trên 1,5 triệu tấn/năm; trong đó, càphê Robusta chiếm diện tích lớn (93%), còn lại là càphê Arabica.

Càphê Việt Nam đã được xuất khẩu sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,8 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và hơn 10% giá trị càphê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ hai sau Brazil.

Tuy nhiên, trên thị trường càphê toàn cầu, càphê Việt Nam chỉ có tiếng về sản lượng, còn chất lượng chưa được thừa nhận, giá trị hạt càphê Việt chưa được đánh giá cao. Nguyên nhân do càphê Việt Nam chịu nhiều biến động của thị trường càphê thế giới; cơ cấu sản phẩm càphê có giá trị gia tăng cao vẫn còn thấp; xuất khẩu càphê nhân chiếm 93%, còn lại là chế biến sâu.

[Tìm hướng đi mới đưa ngành càphê Đắk Lắk vượt qua khó khăn]

Tại Việt Nam, sự phát triển càphê đặc sản ở cấp địa phương đã bắt đầu từ năm nay, có giá bán khá cao trên thị trường nhưng khối lượng càphê đặc sản ở Việt Nam sản xuất năm 2019 chỉ đạt khoảng 200 tấn. Việc phát triển càphê đặc sản là nhu cầu cấp bách và hướng đi phù hợp. Đề án “Phát triển càphê đặc sản Việt Nam” nhằm cụ thể hóa phương hướng phát triển càphê đặc sản với mục tiêu khẳng định chất lượng thương hiệu càphê Việt Nam nói chung và tăng thu nhập cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị càphê nói riêng.

Đề án xây dựng các phương án và định hướng phát triển càphê đặc sản Việt Nam đến năm 2030 phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng được nhu cầu càphê đặc sản ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa, góp phần phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm càphê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá về hiện trạng phát triển càphê đặc sản trên thế giới và Việt Nam, chất lượng đất và càphê vùng khảo sát, các yếu tố tác động đến phát triển càphê đặc sản Việt Nam, vị trí quy mô các vùng sản xuất càphê đặc sản và các phương án phát triển càphê đặc sản Việt Nam; đồng thời đóng góp những ý kiến tâm huyết để xây dựng, hoàn thiện Đề án.

Theo ông Trần Đình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, phát triển càphê đặc sản cũng là mong muốn của nông dân để nâng cao chất lượng càphê Việt Nam và giúp người nông dân có lợi. Tuy nhiên, trong sản xuất và phát triển càphê đặc sản, không nên quá khắt khe và làm người nông dân tự ti. Hiện nay, nông dân vẫn hái càphê xanh/non nên chỉ cần khuyến khích nông dân hái chín, thu mua càphê chín sẽ giữ được chất lượng càphê, tạo tiền đề tốt phát triển càphê đặc sản.

Phát triển càphê đặc sản của Việt Nam là hướng đi phù hợp ảnh 2Một vườn càphê tại tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội càphê Buôn Ma Thuột cho rằng để phát triển càphê đặc sản, cần có định nghĩa chính thống về càphê đặc sản, phân biệt càphê đặc sản với càphê hữu cơ, phát triển càphê đặc sản phải gắn với càphê chất lượng cao, không phát triển càphê đặc sản theo số lượng mà phải đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hiện nay, ở Việt Nam bình quân mỗi người tiêu thụ 2 kg càphê/năm. Do đó, phát triển càphê đặc sản phải xác định được thị trường và coi trọng thị trường tiêu thụ nội địa; phát triển theo chuỗi, tập trung nghiên cứu thích đáng cho càphê Robusta; áp dụng quy trình và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng càphê đặc sản của thế giới trong phát triển càphê đặc sản…

Còn theo ông Lê Trần Anh Dũng, Quản lý Chương trình cao cấp Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Việt Nam, phát triển càphê đặc sản ở Việt Nam phải xác định được hướng đi như thế nào, không bắt chước, không vĩ mô vì dễ thất bại. Phát triển càphê đặc sản ở Việt Nam ngoài yếu tố ngon, sản phẩm phải có trách nhiệm với môi trường, xã hội và có tổ chức đứng đầu để marketing, liên kết sản xuất.

Đề án “Phát triển càphê đặc sản Việt Nam” được thực hiện trên địa bàn 8 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; trong đó tập trung vào càphê chè và càphê vối.

Quan điểm của Đề án là không mở rộng diện tích trồng mới, chỉ phát triển tại các vùng có điều kiện phù hợp, trên cơ sở cải tạo các vườn càphê hiện có và trồng tái canh đối với diện tích già cỗi, kém hiệu quả, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trong quá trình trồng, chăm sóc, sơ chế, bảo quản, chế biến càphê. Mục tiêu đến năm 2025, càphê đặc sản đạt khoảng 5% tổng diện tích trồng càphê và tăng diện tích lên 7% vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục