Hải Phòng, vùng đất cửa biển, còn được gọi với cái tên trìu mến là thành phố Cảng.
Theo góc nhìn của tiến sỹ Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Hải Phòng, do môi trường làm việc chủ yếu trên biển nên người Hải Phòng "ăn sóng, nói gió," "ăn to, nói lớn."
Môi trường làm việc trên biển cũng tạo cho người dân nơi đây tính trung thực, phóng khoáng. Do có cảng biển - nơi diễn ra những hoạt động giao thương với người nước ngoài nên người Hải Phòng thích ứng rất nhanh với cái mới trong tư duy, nếp sống. Những công trình văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu như Nhà hát Lớn, Nhà kèn ra đời cùng với những công trình văn hóa, nghệ thuật tương tự tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hải Phòng là thành phố đầu tiên trong cả nước thực hiện “khoán sản phẩm” trong nông nghiệp - thời điểm mà từ “khoán” vẫn coi là tối kỵ và bài học từ Vĩnh Phúc vẫn còn “nóng.”
Do đối mặt với những thách thức của thiên nhiên, tính cách người Hải Phòng gan dạ, anh hùng. Trong suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến, người Hải Phòng cùng nhân dân cả nước đã chiến đấu ngoan cường chống Pháp, chống Mỹ, tạo nên “đường 5 anh dũng,” “đường 10 quật khởi,” với chiến thắng “Cát Bi rực lửa” - một trong những trận đánh tiêu hao sinh lực địch, tạo tiền đề cho chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Trong 12 ngày đêm diễn ra cuộc chiến “Điện Biên Phủ trên không,” Hải Phòng đã cùng Hà Nội tiêu diệt máy bay B52 - vũ khí tối tân của Mỹ, đập tan âm mưu đưa miền Bắc Việt Nam quay trở lại thời kỳ đồ đá của đế quốc Mỹ. Vì thế, Hải Phòng được gọi là thành phố “trung dũng, quyết thắng.”
Mục tiêu phát triển con người mang những nét tính cách đặc trưng của thành phố Cảng luôn được Thành ủy Hải Phòng chú trọng. Trong phương hướng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương V, khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Thành ủy Hải Phòng xác định mục tiêu “Hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực, sáng tạo; tuân thủ pháp luật, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng động và xã hội, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội..."
Là người nặng lòng với việc xây dựng “thương hiệu” thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành luôn nhấn mạnh, phát triển kinh tế, xây dựng nét tính cách đặc trưng riêng của người Hải Phòng không thể tách rời với hình ảnh của một thành phố Cảng. Thành phố Hải Phòng thành lập (1888) sau thành lập cảng Hải Phòng (1874).
Ngày 10/10/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 72 về tiếp tục thực hiện nghị quyết 32 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã xác định từ nay đến năm 2020, Hải Phòng phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng Hải Phòng thành thành phố cảng xanh, văn minh hiện đại. Muốn thực hiện được mục tiêu này, nhân tố con người vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,” Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã khẳng định muốn xây dựng được nền nếp, cốt cách cho thành phố thì phải bắt đầu từ từng gia đình cụ thể. Một gia đình tốt sẽ có một xóm làng tốt. Một xóm làng tốt sẽ có xã, huyện, quận, thành phố tốt. Cái tốt không phải là những thứ xa xôi, trừu tượng mà từ những thứ rất cụ thể, hàng ngày. Đó là không vất rác bừa bãi, làm việc, hội họp đúng giờ, giữ lời hứa, kiểm tra công việc trước khi kết thúc, tiếp đến là có sức khỏe tốt, có thói quen làm chủ và tinh thần yêu nước.
Để cụ thể hóa yêu cầu này, Thành ủy đã chọn huyện Cát Hải là đơn vị thực hiện việc yêu cầu ngư dân sau khi ra biển về phải nộp rác lại cho chính quyền để tránh việc xả rác xuống biển. Nhằm góp phần tạo nên một môi trường làm việc, xây dựng được nếp sống mới phù hợp với mô hình phát triển Hải Phòng thành phố cảng xanh, Hải Phòng đã ứng dụng khoa học tư duy hệ thống trong giải quyết và xử lý công việc. Với phương pháp tư duy này, các đơn vị tìm ra lỗi hệ thống trong những công việc của đơn vị mình, từ đó tìm ra điểm đòn bẩy để khắc phục lỗi hệ thống đó một cách hiệu quả. Hải Phòng cũng đã xây dựng mô hình cụ thể áp dụng tư duy hệ thống đó là phòng thí nghiệm học tập đầu tiên trên thế giới với 7 bước áp dụng tại quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải.
Hải Phòng cũng đang hướng tới xây dựng những tuyến phố đi xe đạp để tạo thói quen sinh hoạt thân thiện, bảo vệ môi trường.
Phát huy truyền thống, với thế mạnh của một “thành phố bên bờ biển cả” có những con người năng động, dễ thích ứng, Hải Phòng đang nỗ lực để tạo nên một diện mạo văn hóa đặc sắc của thành phố Cảng./.