Phát triển hạ tầng: 'Đòn bẩy' giúp Việt Nam thành điểm đến nổi tiếng

Việc đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tập trung phát triển chất lượng thay vì số lượng… đã giúp du lịch Việt thăng hạng, nâng tầm vị thế trong giai đoạn mới.
Một góc VinWonders Phú Quốc được đầu tư quy mô và hiện đại. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Một góc VinWonders Phú Quốc được đầu tư quy mô và hiện đại. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Hạ tầng du lịch Việt Nam khoảng hai thập kỷ qua là giai đoạn nhiều thăng trầm với những biến động không ngừng. Chính phủ từng thẳng thắn chỉ ra những “điểm nghẽn” của ngành như: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, năng lực quản lý điểm đến thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường...

Chẳng thế mà trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ quan điểm trọng tâm: Chuyển từ phát triển trên diện rộng sang phát triển theo chiều sâu; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm…

[Việt Nam sẽ làm gì sau khi được vinh danh ở 'Oscar của ngành du lịch'?]

Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tập trung phát triển chất lượng thay vì số lượng… đã giúp du lịch Việt Nam thăng hạng, nâng tầm vị thế trên trường quốc tế, trở thành “thiên đường” du lịch của thế giới.

Từ chủ trương của Chính phủ

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020 tầm nhìn đến 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg đều khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.

Phát triển hạ tầng: 'Đòn bẩy' giúp Việt Nam thành điểm đến nổi tiếng ảnh 1Những khu giải trí đầu tư quy mô đã mang đến luồng sinh khí mới cho du lịch Việt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trên tinh thần đó, toàn ngành du lịch sẽ phải chuyển từ phát triển trên diện rộng sang phát triển theo chiều sâu; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh.

Lãnh đạo ngành du lịch đề xuất, trước tiên cần cải thiện mức độ ưu tiên về nguồn lực tài chính, nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục nhập cảnh.

Tổng cục Du lịch sẽ tập trung ưu tiên cải thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, nâng cao sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch, bảo đảm tính bền vững môi trường, đảm bảo an ninh, vệ sinh và phát triển nguồn nhân lực du lịch.

"Với hơn 3.000km bờ biển, 125 bãi biển lớn nhỏ, hàng ngàn cảnh quan thiên nhiên và di tích văn hóa trải rộng khắp cả nước…, nếu được đầu tư tốt hạ tầng, chắc chắn ngành du lịch Việt Nam sẽ cất cánh," khẳng định của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu.

Phát triển hạ tầng: 'Đòn bẩy' giúp Việt Nam thành điểm đến nổi tiếng ảnh 2Côn Đảo hoang sơ nhưng vẫn có những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Niềm tin của lãnh đạo ngành hoàn toàn có cơ sở, dựa trên tốc độ tăng trưởng thần kỳ trong khoảng 5-10 năm trở lại đây của du lịch Việt Nam.

Năm 2010, Việt Nam mới có 43 khách sạn, resort 5 sao (gần 11.000 buồng, phòng), 110 khách sạn, resort 4 sao (gần 14.000 buồng, phòng), thì tới 2018, con số này lần lượt tăng lên 152 khách sạn, resort 5 sao (gần 52.000 buồng, phòng), 276 khách sạn, resort 4 sao (gần 37.000 buồng, phòng).

Lượng khách quốc tế giai đoạn 2015-2019 tăng từ 7,9 lên 18 triệu, gấp 2,3 lần (tốc độ tăng trưởng tới 22,7%/năm); lượng khách nội địa tăng từ 57 lên 85 triệu lượt, tương đương 1,5 lần.

Tổng thu từ ngành kinh tế không khói tăng từ 355 nghìn tỷ đồng lên 755 nghìn tỷ đồng (gấp 2,1 lần); năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ xếp thứ 75 (năm 2015) lên thứ 63 (năm 2019). Với kết quả này, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Những ghi dấu ấn tượng

Để hạ tầng du lịch ngày càng phát triển theo chiều sâu và bền vững, nhất thiết cần sự đồng hành của các nhà đầu tư lớn. Chẳng thế mà những năm qua, sau khi Chính phủ “bật đèn xanh” cho các nhà đầu tư lớn như VinGroup, SunGroup, FLC, Vina Capital…, hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, trung tâm giải trí lớn ở các vùng du lịch trọng điểm như chuỗi khách sạn Vinpearl Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long, hệ thống cáp treo tại Đà Nẵng, Sa Pa, Hạ Long… đã ra đời.

Phát triển hạ tầng: 'Đòn bẩy' giúp Việt Nam thành điểm đến nổi tiếng ảnh 3Những khi nghỉ dưỡng đẳng cấp đã nâng tầm hình ảnh du lịch Việt. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Nhiều thương hiệu quốc tế lớn về du lịch cũng đã có mặt tại Việt Nam như Accor, Marriot, Hyatte, Intercontinental, HG, Four Seasons… góp phần nâng cao năng lực quản trị và chất lượng của du lịch nước nhà.

Những thương hiệu này đã góp phần mang những giải thưởng du lịch uy tín của thế giới về Việt Nam. World Travel Awards vừa vinh danh Việt Nam là: “Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á,” “Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á”“Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á.” Điều đáng nói, để giành được những tấm “huy chương” này Việt Nam đã “vượt mặt” hàng loạt các anh lớn về di sản như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ.

Không chỉ vậy, tại hầu hết các lĩnh vực, Việt Nam đều ghi dấu ấn đậm nét như: Vietnam Airlines được công nhận là “Hãng hàng thông hàng đầu châu Á - Hạng phổ thông;” “Hãng hàng không hàng đầu châu Á - Hạng phổ thông đặc biệt” “Hãng hàng không văn hóa hàng đầu châu Á.”

Dù mới đi vào hoạt động không lâu song sân bay Vân Đồn đã nhận hai danh hiệu cho “Phòng chờ sân bay hàng đầu châu Á” “Sân bay khu vực hàng đầu châu Á.” Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cũng đã giành chiến thắng tại hạng mục "Cảng tàu khách hàng đầu châu Á 2020" sau khi xuất sắc vượt qua 7 “đối thủ nặng ký” trong khu vực.

Phát triển hạ tầng: 'Đòn bẩy' giúp Việt Nam thành điểm đến nổi tiếng ảnh 4Lối vào khu nghỉ dưỡng có kiến trúc ấn tượng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Một số hạng mục đáng chú ý khác là: Vietravel nhận danh hiệu “Nhà điều hành tour hàng đầu châu Á;” tổ hợp Sun World Hon Thom Nature Park nhận giải thưởng “Công viên nước hàng đầu châu Á 2020” dành cho Aquatopia Water Park; khu du lịch Sun World Ba Na Hills trở thành “Công viên chủ đề hàng đầu châu Á 2020.”

Trải dài đất nước, du khách hẳn không thể không choáng ngợp với: InterContinental Danang Sun Peninsula (Đà Nẵng) bốn lần liên tiếp được World Travel Awards vinh danh là “Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới,”và năm 2020 tiếp tục được công nhận là“Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu châu Á,” hay JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay (Phú Quốc) va được tôn vinh là"Khu nghỉ dưỡng và spa hàng đầu châu Á 2020" đồng thời nhận danh hiệu “Khu nghỉ dưỡng Tiệc cưới Xa xỉ hàng đầu thế giới;”Hotel de la Coupole MGallery (Lào Cai) là "Khách sạn có thiết kế hàng đầu châu Á"…

Những niềm tự hào mới

“Ngành kinh tế xanh” Việt Nam năm qua mặc dù vấp phải đại dịch COVID-19 nhưng vẫn đạt được những thành tựu đó, theo Tổng giám đốc Flamingo Redtour, ông Nguyễn Công Hoan cho rằng yếu tố đầu tiên phải kể đến là do du lịch ngày càng nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước với định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Quan trọng hơn, nhận thức của người dân về du lịch cũng đã hoàn toàn thay đổi. Nhất là khi vượt qua những đợt ‘tấn công’ của dịch bệnh COVID-19 vừa qua, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hiếm hoi trên thế giới đã có thể phục hồi được thị trường nội địa từ rất sớm.

Trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 vừa diễn ra vào cuối tháng 11, tại Quảng Nam, ông Zurab Pololikashvili, Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho rằng đại dịch đòi hỏi sự chống trả mạnh mẽ, những quyết sách đúng đắn tại thời điểm thích hợp.

“Tôi tán dương tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam. Việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia và đóng cửa các biên giới kịp thời đã cứu nhiều mạng người. Hiện tại, khi du lịch nội địa đã khởi động, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là một điển hình cho tinh thần trách nhiệm trong việc lãnh đạo,” ông Zurab Pololikashvili nói.

Quả thực, yếu tố then chốt giúp Việt Nam nâng tầm vị thế, không ngừng thăng hạng trên “đấu trường du lịch” thế giới, theo các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch nhận định, chính là do được đầu tư bài bản, quy mô cho hạ tầng. Việc các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư mạnh và toàn diện từ các khu nghỉ dưỡng sang trọng đến sân bay, cảng tàu… đã giúp tạo sức bật cho tăng trưởng của ngành du lịch.

Phát triển hạ tầng: 'Đòn bẩy' giúp Việt Nam thành điểm đến nổi tiếng ảnh 5Một góc VinWonders Phú Quốc về đêm đẹp như cổ tích. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với những nỗ lực đó, Việt Nam giờ đây còn được thế giới biết đến như một thiên đường nghỉ dưỡng dành cho giới thượng lưu, với những khu resort có thiết kế ấn tượng và vô cùng sang trọng, thu hút ngày càng đông đảo du khách quốc tế.

Ghi nhận những đóng góp của các nhà đầu tư lớn, ông Hà Văn Siêu đánh giá: “Trong đợt COVID-19 vừa qua, các tập đoàn lớn đã cùng với chính quyền địa phương chủ động tạo nên những ‘ngôi sao mới,’ góp phần nâng cao tính hấp dẫn, chất lượng của các điểm đến trên dải đất hình chữ S, giúp du lịch Việt Nam nâng tầm vị thế.”

Nếu trước đây, cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam vẫn “đì đẹt” chạy theo tốc độ tăng trưởng của ngành nói chung, thì nay những hạ tầng đầu tư mới đã khiến diện mạo du lịch khởi sắc.

Nếu trước đây dòng khách ngoại cao cấp đến Việt Nam còn băn khoăn không biết nghỉ dưỡng đâu cho sang, tiêu tiền chỗ nào cho xứng… thì nay có lẽ lộ trình của họ sẽ có nhiều điểm đến thú vị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục