Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là trọng tâm của năm 2019

Làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển hệ sinh thái khởi ngiệp đổi mới sáng tạo quốc gia là một trong những trọng tâm của Bộ Khoa học Công nghệ trong năm 2019.
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là trọng tâm của năm 2019 ảnh 1(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sáng 21/1 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác ngành của năm 2019.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Chính phủ ghi nhận những nỗ lực sáng tạo của anh em đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý khoa học kỹ thuật, không chỉ là các sở, các cơ quan nhà nước mà bao gồm tất cả các doanh nghiệp, kể cả những người dân, những người không có học hàm học vị rất nỗ lực trực tiếp, gián tiếp góp phần tăng cường nghiên cứu khoa học."

Tổng kết 2018, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong năm vừa qua đã có những đóng góp quan trọng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường năng lực tiếp cận của cách mạng công nghiệp 4.0.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành việc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 10/10 đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2018. Hoàn thành 241/270 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng chính phủ giao; tiếp tục thực hiện 29/270 nhiệm vụ còn lại.

Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ nằm trong 12 Bộ thuộc nhóm thứ nhất - nhóm có Chỉ số cải cách hành chính trên 80%. Bộ Khoa học và Công nghệ đứng thứ 2 trong 19 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử năm 2017.

Với vai trò được Chính phủ giao là đầu mối cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và gửi Sổ tay hướng dẫn về chỉ số GII năm 2018 cho các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thức hiện. Chỉ số GII năm 2018 của Việt Nam tiếp tục tăng, đứng thứ 45 trong số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thứ hạng cao nhất mà nước ta đạt được từ trước tới nay.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ sự phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia do Thủ tướng Chỉnh phủ giao. Đến nay, cả nước có hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, hình thành thêm một số quỹ đầu tư mạo hiểm như: Quỹ đầu tư mạo hiểm của Vingroup, Startup Viet Partner... Chất lượng và số lượng thương vụ đầu tư có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư là 899 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2017 (291 triệu USD).

Năm 2018 số lượng các doanh nghiệp khoa học công nghệ tiếp tục tăng khi có đến 400 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận. 43 tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao và gần 2.000 doanh nghiệp đạt điều kiện doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bằng việc phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách, triển khai các Chương trình trọng điểm cấp quốc gia "Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0", phê duyệt Kế hoạch triển khai "Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025".

Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa đã bước đầu hình thành hệ thống nền tảng với các chức năng và công cụ cho phép thu thập, xử lý và chia sẻ các dữ liệu dùng chung trong một số lĩnh vực như: Dữ liệu bản đồ số Việt Nam; Dữ liệu tiếng nói tiếng Việt: Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệp và bài giản trực tuyến; Dữ liệu nông nghiệp, y tế, văn hóa... Một trong những kết quả nổi bật của Đề án là triển khai Dự án "Nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam" được ứng dụng liên quan để tìm kiếm thông tin, tìm đường, tìm địa chỉ trên toàn quốc, là cơ sở để tạo ra các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, du lịch,...

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là trọng tâm của năm 2019 ảnh 2Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những kết quả mà Bộ Khoa học và Công nghệ đạt được trong năm 2018. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động rà soát, chuyển sang áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý. Ước tính lợi ích kinh tế mang lại cho doanh nghiệp hàng năm do việc chuyển sang hậu kiểm đối với hàng hóa nhập khẩu khoảng 721 tỷ đồng.

Bộ cũng đã tiến hành rà soát, đề xuất cắt giảm và đơn giản hóa 68/121 điều kiện kinh doanh đạt 56,2% . Các đơn vị thuộc Bộ đã xử lý 100% phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp đúng thời hạn. Bộ đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giao đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm trọng điểm, có khả năng cạnh tranh cao.

Năm 2018 cũng là năm Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tập trung vào việc hướng dẫn, thẩm định, phê duyệt và trình phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh, cấp cơ sở; xây dựng Kế hoạch để triển khai Dự án Trung tâm nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hạt nhân.

Năm 2018 cũng chứng kiến nhiều văn bản hợp tác quan trọng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được ký kết nhân chuyến thăm chính thức của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đối tác từ Liên bang Nga, Pháp, Canada, Áo, Singapore, Lào. Nhiều diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế đã được tổ chức thành công như: Diễn đàn mở về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018; Diễn đàn Blockchain; Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0;... giúp kết nối cộng đồng khoa học trong và ngoài nước, tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam với thế giới.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, ngành Khoa học và Công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục như thị trường khoa học công nghệ phát triển còn chậm, đổi mới công nghệ chưa thực sự trở thành nhu cầu cấp bách của các doanh nghiệp. Các quy định trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cần được tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung để đảm bảo cho nhu cầu thực tiễn; Đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn đăng ký bảo hộ bản quyền sở hữu công nghiệp.

[Để khoa học công nghệ trở thành động lực trong Công nghiệp 4.0]

Thứ trưởng cho hay năm 2019 sẽ là năm Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ quán triệt và thực hiện phương châm hành động của Chính phủ: "Kỷ cương , liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá. hiệu quả".

Năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp, thu hút chọn lọc các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, ưu tiên các dự án công nghệ cao. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Triển khai hiệu quả Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa".

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ được phát triển mạnh và liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế. Xây dựng Đề án phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Đẩy mạnh phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp, dịch vụ Khoa học và Công nghệ. Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường Khoa học và Công nghệ.

Năm 2019 cũng là một năm đầy hứa hẹn khi Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Tập trung thúc đẩy bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục