Phát triển kinh tế tập thể: Cần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân

Ba vấn đề cốt lõi nhất trong phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới gồm: Xây dựng vùng nguyên liệu, chính sách bảo hiểm nông nghiệp và nâng cao trình độ cho đội ngũ quản trị hợp tác xã.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023. (Ảnh: Vietnam+)
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023. (Ảnh: Vietnam+)

Mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, các hợp tác xã nông nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản, năng lực quản trị... và đòi hỏi cần phải có những sự thay đổi trong tư duy sản xuất để tiếp tục phát triển bền vững.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức ngày 12/10 tại Hà Nội.

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII có chủ đề “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.”

Mô hình kinh tế của nhân dân

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, kinh tế tập thể, hợp tác xã đang trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội.

Hiện nay, trong hơn 31.000 hợp tác xã có hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số hợp tác xã cả nước. Trong gần 6 triệu thành viên hợp tác xã có trên 3,8 triệu thành viên là nông dân (chiếm trên 63% tổng số thành viên); nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo nên các chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.

[Thúc đẩy khu vực hợp tác xã nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn]

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, an sinh, công bằng xã hội, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong nước, đặc biệt là những lao động yếu thế trong xã hội.

Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sau khi được các Hội nông dân hỗ trợ thành lập đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP. Các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều hợp tác đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng đánh giá các hợp tác xã hiện nay đang gặp không ít khó khăn, thách thức cả về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản cho đến năng lực quản trị, cơ chế, chính sách để vận hành, hoạt động của các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát triển kinh tế tập thể: Cần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát  biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Vietnam+)

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thẳng thắn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã như: Quy mô các hợp tác xã còn nhỏ, liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị còn yếu, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm; chưa gắn kết chặt chẽ với các loại hình kinh tế khác.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới cần tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hơp tác xã trong nông nghiệp và mở rộng thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực các tổ chức kinh tế tập thể do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập. 

Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp

Tại diễn đàn, cũng nhấn mạnh về việc mở rộng thị trường trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho rằng tư duy sản xuất nông nghiệp của nhiều nông dân vẫn chỉ sản xuất dựa trên cái mình có chứ không hoặc ít theo tín hiệu của thị trường. Chính vì vậy cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

“Chúng ta cần sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và đạt được lợi nhuận cao nhất có thể đồng thời, tạo ra những sản phẩm ‘Xanh’ gắn với chế biến, đáp ứng nhu cầu của thị trường theo hướng ‘tiêu dùng Xanh’; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang chuỗi giá trị ngành hàng,” Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói.

Đồng tình với quan điểm cần thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết qua chia sẻ qua tìm hiểu thực tế cho thấy chính vì làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu nhiều thứ nên khi đưa Nghị quyết về kinh tế tập thể vào triển khai đều bị khó khăn.

Phát triển kinh tế tập thể: Cần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân ảnh 2Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn tham quan các gian hàng nông sản. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh cần quan tâm tới 3 vấn đề cốt lõi nhất trong phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới: “Một là dứt khoát phải xây dựng khẩn trương vùng nguyên liệu; hai là phải có chính sách bảo hiểm cho người nông dân khi sản xuất nông nghiệp; thứ ba là chú trọng đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ quản trị hợp tác xã.”

Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, muốn có doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết thì phải có đủ nguyên liệu cho nhà máy, do đó phải có vùng nguyên liệu rộng lớn, bài bản thì mới hình thành được các tổ chức sản xuất có quy mô, chuyên nghiệp, từ đó kết nối với doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra, đầu tư chế biến, tiêu thụ. Bên cạnh đó, giải quyết vấn đề về bảo hiểm sẽ giúp bà con yên tâm tham gia sản xuất, khai thác tốt lợi thế, tiềm năng của sản phẩm.

Ông Lương Quốc Đoàn khẳng định Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ hết sức quán triệt triển khai quyết liệt, tích cự hỗ trợ nông dân, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để hỗ trợ nông dân, đổi mới phương thức hỗ trợ, phát triển hội viên nông dân trong phát triển kinh tế tập thể./.

Hội Nông dân Việt Nam đã thu hút gần 570.000 lượt hộ nông dân gia các dự án nhóm hộ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng, thành lập trên 23.000 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả.

Đến nay, có trên 3.800 hợp tác xã và trên 19.000 tổ hợp tác được hình thành với doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã đạt 4,7 tỷ đồng, lợi nhuận 350 triệu đồng/năm; doanh thu bình quân mỗi tổ hợp tác khoảng 240 triệu/năm, lợi nhuận đạt gần 40 triệu/năm; số hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên ngày càng tăng với trên 700 hợp tác xã (chiếm gần 20%).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục