Tạo hành lang pháp lý phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới

Luật Hợp tác xã năm 2023 tạo hành lang pháp lý quan trọng cho phát triển kinh tế tập thể tại Việt Nam với sự tiếp cận gần hơn về bản chất, giá trị, nguyên tắc của thế giới.
Tạo hành lang pháp lý phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới ảnh 1Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung. (Ảnh: Vietnam+)

Kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Quốc tế “Luật Hợp tác xã năm 2023 và những định hướng chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã,” thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Hợp tác, Hợp tác xã năm 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tổ chức Liên đoàn Hợp tác xã Raiffeisen Công hòa Liên bang Đức (DGRV) tổ chức ngày 19/9.

[Hà Nội: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho hợp tác xã]

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, Luật Hợp tác xã đã qua ba lần ban hành, sửa đổi, bổ sung và đã tạo hành lang pháp lý quan trọng phát triển các hợp tác xã tại Việt Nam tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị, nguyên tắc của thế giới.

Bước đầu, Luật đã tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã. Số lượng hợp tác xã không ngừng tăng lên, doanh thu và thu nhập của thành viên, người lao động dần được cải thiện, giúp nâng cao đời sống kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị cho xã hội.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng chỉ ra khu vực kinh tế tập thể tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Về nội tại, điều kiện kinh tế-xã hội của thành viên thấp, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đa phần còn yếu. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của Hợp tác xã nghèo nàn. Trong khi, các chính sách của Nhà nước về cơ bản chưa hỗ trợ được nhiều cho các hợp tác xã. Cụ thể, các hợp tác xã gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách về vốn, đất đai, về khoa học công nghệ, thị trường ...

Tạo hành lang pháp lý phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới ảnh 2Hội thảo quốc tế “Luật Hợp tác xã năm 2023 và những định hướng chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã,”ngày 19/9. (Ảnh: Vietnam+)

Ngoài ra, phong trào hợp tác xã còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức như trong bối cảnh mới với sự phát triển bùng nổ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, áp lực cạnh tranh khốc liệt trong nền kinh tế thị trường, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, bất ổn chính trị trên thế giới.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp cộng thêm quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra với tốc độ rất nhanh trên khắp cả nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng... cũng là những thách thức đòi hỏi khu vực hợp tác xã phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng. 

Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế và đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển, ngày 20/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 thay thế Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13.

Tạo hành lang pháp lý phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới ảnh 3Ông Đỗ Mạnh Khởi, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: Vietnam+)

Trình bày Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15, ông Đỗ Mạnh Khởi, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Các Nghị định trước đó, bao gồm Nghị định số 193/2013/NĐ-CP, Nghị định số 107/2017/NĐ-CP, các quy định về phân loại Hợp tác xã, liên minh Hợp tác xã tại Chương 2 Thông tư số 01/2019/TT-BKHĐT, Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT cũng chấm dứt hiệu lực thi hành kể thời điểm trên.

Riêng các quy định về đánh giá hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại Chương 3 Thông tư số 01/2019/TT-BKHĐT tiếp tục được thực hiện cho đến khi hết thời gian áp dụng chính sách hoặc có văn bản thay thế, bãi bỏ./.

Tại hội thảo, đại diện của Thái Lan và Philippines cũng chia sẻ kinh nghiệm quản lý và các chính sách đối với phát triển hợp tác xã.

Đây là hai nước cùng khu vực Đông Nam Á, có điều kiện, văn hóa khá tương đồng với Việt Nam, có khu vực hợp tác xã phát triển mạnh, hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của thành viên, lan tỏa tác động tích cực tới cộng đồng, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng khó khăn.

Đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá nhũng kinh nghiệm từ quá trình xây dựng và thực hiện chính sách cũng như thực tiễn phát triển khu vực hợp tác xã quốc tế tại hội thảo, sẽ được Ban soạn thảo tham khảo cho quá trình hoàn thiện chính sách phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của Việt Nam.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục