Phát triển sản phẩm công nghệ thông tin “made in Vietnam”

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung nguồn lực nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm phần cứng-điện tử và sản phẩm, thiết bị công nghệ thông tin mang thương hiệu Việt Nam.
Phát triển sản phẩm công nghệ thông tin “made in Vietnam” ảnh 1Một triển lãm giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 25/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tọa đàm về Chương trình Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020, với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng khẳng định, thời gian qua, công nghiệp công nghệ thông tin luôn là một trong những ngành kinh tế có doanh số và tỷ lệ tăng trưởng cao so với các ngành kinh tế khác.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trăn trở cần thúc đẩy để công nghiệp công nghệ thông tin phát triển hơn nữa.

Thực tế hiện nay hầu hết doanh thu của công nghiệp phần cứng vẫn thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hàm lượng giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam còn thấp. Việt Nam vẫn chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin "made in Vietnam" được thế giới công nhận.

Trong khi đó, ở một số lĩnh vực khác, doanh nghiệp được nhà nước cấp tài nguyên cho hoạt động thì trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hầu như các doanh nghiệp vẫn phải tự bươn chải trong môi trường cạnh tranh khốc liệt để phát triển sản phẩm, dịch vụ.

Vì vậy, dự thảo Chương trình Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020 đã được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin.

Dự thảo Chương trình Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020 đã đề ra một số giải pháp trọng tâm như tập trung nguồn lực để nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm phần cứng-điện tử và sản phẩm, thiết bị công nghệ thông tin mang thương hiệu Việt Nam, thay thế hàng nhập khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông.

Bên cạnh hình thành một số doanh nghiệp công nghệ thông tin mạnh, có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao, có khả năng nghiên cứu phát triển và sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin quan trọng; các cơ quan nhà nước đẩy mạnh thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin, ưu tiên sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghệ thông tin được ưu tiên vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trao đổi tại buổi tọa đàm, đại diện một số doanh nghiệp đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần chủ trì kết nối các doanh nghiệp về phần cứng của Việt Nam nhằm bàn cách thúc đẩy phát triển công nghiệp phần cứng một cách hiệu quả.

Về mục tiêu phát triển công nghiệp phần cứng, nên chọn một số mũi nhọn trọng điểm để phát triển theo định hướng sớm tự chủ, tự lực về công nghệ, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Bên cạnh đó, cần chú trọng việc khai thác thị trường trong nước, nhằm kích cầu cho nền công nghệ thông tin trong nước phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục