Phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế TP. Hồ Chí Minh

Theo UBND TP.HCM, việc kiến nghị phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thành phố nhằm nâng tầm quốc gia lên vị trí mới trong bản đồ các trung tâm tài chính phát triển của thế giới.
Phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế TP. Hồ Chí Minh ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 21/8, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Văn bản số 3209/UBND-KT kiến nghị Chính phủ ủng hộ chủ trương phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh; xem  đây là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia và được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; đồng thời, bổ sung nội dung này vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố, kiến nghị này hướng đến việc nâng tầm quốc gia lên vị trí mới trong bản đồ các trung tâm tài chính phát triển của thế giới. Việc hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương ủng hộ tại nhiều hội thảo, diễn đàn được tổ chức trong những năm qua.

Ý tưởng xây dựng một trung tâm tài chính của Việt Nam đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố quan tâm chỉ đạo.

Theo định hướng, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phát triển thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, quy mô tập trung lớn, bước đầu có thể đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính cho các nước lân cận (như Lào, Campuchia, Myanmar…). 

Thành phố Hồ Chí Minh định hướng gia nhập mạng lưới trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, cung cấp dịch vụ tài chính không chỉ cho các nước trong khu vực ASEAN mà còn rộng hơn thế.

[TP. HCM: Sản xuất công nghiệp chưa lấy lại được đà tăng trưởng]

Về dài hạn, trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh có thể thu hút được nhiều nguồn cung, cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển hoạt động thương mại, đầu tư vào kinh doanh; thu hút các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế hàng đầu của khu vực và toàn cầu. 

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, mật độ tập trung các chế định tài chính trên địa bàn thành phố hiện cao nhất so với cả nước. Chỉ tính riêng hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã có 2.138 đơn vị; trong đó, 50 ngân hàng có 100% vốn nước ngoài, 31 ngân hàng thương mại cổ phần và 4 ngân hàng quốc doanh. 

Năm 2019, tổng vốn huy động trên địa bàn thành phố chiếm 24,09% tổng vốn huy động của cả nước. Tổng dư nợ cho vay cũng chiếm tới 28,05% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Trên thị trường, tổng vốn giá trị vốn hóa tại Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố chiếm tới 95% tổng vốn hóa toàn thị trường và 54,33% GDP cả nước. 

Thành phố hiện là đầu tàu động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 22,3% GDP, chiếm 26,6% ngân sách quốc gia và thu hút 33,8% số dự án FDI của cả nước. Đây cũng là nơi ra đời thị trường chứng khoán của Việt Nam.

Điều này cho thấy, nhu cầu hoạt động tài chính ở khu vực thành phố rất lớn, là điều kiện tốt để hình thành và phát triển một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai. 

Thành công trong việc phát triển trung tâm tài chính Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tác động tích cực đối với nguồn vốn - huyết mạch của nền kinh tế. Cùng đó, sẽ thu hút sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, kéo theo các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính phụ trợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục